Sự tương đồng là nền tảng vững bền cho quan hệ Việt Nam và Nhật Bản
Tin tức - Ngày đăng : 13:29, 21/10/2019
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hồi tháng 7 vừa qua
Trải qua 46 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản luôn phát triển tốt đẹp, hợp tác sâu rộng và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực.
Sự tương đồng là nền tảng vững bền cho quan hệ giữa hai nước
Việt Nam và Nhật Bản là hai quốc gia láng giềng châu Á có nền văn hóa truyền thống với nhiều nét tương đồng như cùng thuộc nền văn minh lúa nước, tín ngưỡng đa thần thờ phụng tổ tiên, đạo Phật được truyền bá rộng rãi... Cùng với đó, người dân hai nước đều cần cù chịu khó, tự lực tự cường, luôn có nghị lực vươn lên, làm nên nhiều thành tựu to lớn.
Quan hệ giữa hai dân tộc khởi nguồn từ các mối liên hệ lịch sử, văn hóa, với âm nhạc Lâm Ấp của nhà sư Phật Triết mang tới cố đô Nara từ thế kỷ thứ VIII hay quan hệ giao thương vào thế kỷ thứ XVI khi các Châu Ấn thuyền Nhật Bản đến Hội An, góp phần tạo dựng nên những trung tâm buôn bán sầm uất đầu tiên ở Việt Nam.
Các công trình kiến trúc cổ kính do các thương nhân Nhật Bản xây dựng ở Hội An, những di tích ở Phố Hiến, phong trào Đông Du đầu thế kỷ XX do nhà yêu nước Phan Bội Châu phát động học tập công cuộc Duy Tân của Nhà Vua Minh Trị… là những biểu tượng tốt đẹp về sự gắn bó giữa hai dân tộc Việt Nam, Nhật Bản.
Sự tương đồng về văn hóa và những liên hệ lịch sử chính là chất keo tự nhiên gắn kết hai dân tộc và là nền tảng vững bền cho sự phát triển quan hệ giữa hai nước.
Chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21.9.1973, đến nay, sau 46 năm, hai nước đã trở thành đối tác hết sức quan trọng của nhau, chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược chung. Khuôn khổ quan hệ liên tục được nâng cấp từ “Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài” (năm 2002) lên “Hướng tới quan hệ đối tác chiến lược vì hoà bình và phồn vinh ở châu Á” (năm 2006), “Quan hệ đối tác chiến lược vì hoà bình và phồn vinh ở châu Á” (năm 2009), “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng của châu Á” (năm 2014).
Nhật Bản là nước G7 đầu tiên thiết lập quan hệ "Đối tác chiến lược" với Việt Nam (năm 2009); đồng thời, cũng là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam (năm 2011) và là nước G7 đầu tiên mời lãnh đạo Việt Nam tham dự Diễn đàn G7 mở rộng (năm 2016).
Trong hơn bốn thập kỷ qua, đặc biệt là từ kể từ khi Việt Nam bắt đầu sự nghiệp đổi mới toàn diện năm 1986 đến nay, quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản đã có sự phát triển vượt bậc và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trở thành một "điểm sáng" trong việc triển khai đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước ta.
Hợp tác kinh tế - trọng tâm trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước
Hiện nay, Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam về kinh tế.
Về thương mại, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn của Việt Nam với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 33,4 tỷ USD trong năm 2017, tăng gấp gần 2 lần so với 10 năm trước. Năm 2018, con số này được nâng lên, đạt gần 40 tỷ USD. Và trong 9 tháng đầu năm 2019 đạt trên 29 tỷ USD.
Nhật Bản là thị trường nhập khẩu lớn các mặt hàng thủy sản, dệt may, giày dép, thực phẩm chế biến… mà Việt Nam có thế mạnh. Ngược lại, Nhật Bản xuất khẩu chủ yếu máy móc, phụ tùng, thiết bị… sang Việt Nam.
Về đầu tư trực tiếp, lũy kế đến tháng 9.2019, Nhật Bản có 4.291 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 60,36 tỷ USD, đứng thứ hai trong tổng số 132 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Hiện có hơn 2.500 doanh nghiệp, trong đó hầu hết các tập đoàn lớn của Nhật Bản đang đầu tư, kinh doanh thành công tại Việt Nam.
Về viện trợ phát triển chính thức (ODA), kể từ năm 1992 tới nay, Nhật Bản trở thành nhà tài trợ lớn nhất, chiếm hơn 1/3 tổng viện trợ ODA cho Việt Nam với số vốn cam kết khoảng 30,5 tỷ USD, được sử dụng có hiệu quả trong các lĩnh vực: xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển công nghiệp, nông nghiệp, năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xóa đói, giảm nghèo…
Nhiều dự án thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản đã trở thành biểu tượng cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước như nhà ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Nội Bài, cầu Nhật Tân, cầu Cần Thơ, hầm đường bộ Hải Vân, cảng Hải Phòng, Bệnh viện Bạch Mai và Chợ Rẫy, các tuyến đường sắt đô thị tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, các nhà máy điện ở khắp ba miền…
Đặc biệt, nhờ sự giúp đỡ của Nhật Bản, Việt Nam đã xây dựng được nhiều công trình hạ tầng giao thông có quy mô đầu tư lớn, công nghệ thi công hiện đại và phức tạp, trên các tuyến quốc lộ trọng yếu và xuyên suốt chiều dài đất nước.
Đối với các công trình hầm, cầu vượt sông lớn có công nghệ hiện đại trên các tuyến quốc lộ trọng yếu mang dấu ấn của nhà đầu tư Nhật Bản, có thể kể đến hầm Hải Vân; cầu Cần Thơ, Bãi Cháy, Thanh Trì, Nhật Tân; đường ô tô Tân Vũ-Lạch Huyện, đường vành đai 3 Hà Nội, đường nối cầu Nhật Tân với Sân bay quốc tế Nội Bài…
Nhật Bản cũng là một trong những đối tác đầu tiên quan tâm tài trợ vốn đầu tư các dự án cảng ở Việt Nam, bao gồm Dự án nâng cấp cảng Hải Phòng, cảng nước sâu Cái Lân cho khu vực phía Bắc; cảng Tiên Sa-Đà Nẵng cho khu vực miền Trung và cảng Cái Mép-Thị Vải cho khu vực phía Nam. Trong lĩnh vực hàng không có Nhà ga hành khách quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, Nhà ga hành khách quốc tế T2 Nội Bài. Đây là hai cảng hàng không quan trọng bậc nhất của Việt Nam kết nối với thế giới.
Trong đó, dự án cầu Nhật Tân, đường nối Nhật Tân-Sân bay Quốc tế Nội Bài, Nhà ga hành khách T2 của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, hầm Hải Vân được đánh giá là những dự án nổi bật, mang tính biểu tượng quan hệ hữu nghị Việt-Nhật trong nhiều thập kỷ qua.
Theo TTXVN