Chính phủ cần đánh giá nguyên nhân hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội
Tin tức - Ngày đăng : 08:31, 23/10/2019
Đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương) phát biểu thảo luận tại tổ
Đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương) bày tỏ đồng tình với báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 và rất ấn tượng với các con số được đưa ra trong báo cáo tại thảo luận tổ chiều 22.10 về kết quả phát triển kinh tế, xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, kế hoạch phát triển năm 2020.
Trong năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nước đạt cao, chất lượng lao động được cải thiện, GDP tăng trưởng 6,8%. Công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành đầu tàu phát triển kinh tế. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, số lượng doanh nghiệp mới được thành lập tăng. Phát triển kinh tế gắn liền với nâng cao chất lượng đời sống xã hội, đời sống nhân dân. Một điểm sáng trong năm 2019 được cử tri đánh giá cao là công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Đại biểu Thưởng cũng nêu ra một số vấn đề hạn chế, đó là kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất chậm. Chính phủ cần đánh giá nguyên nhân do đâu, chủ quan hay khách quan, có phải do vướng về chính sách hay không. Việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng còn chậm, khả năng cạnh tranh còn thấp. Ngành công nghiệp của nước ta có tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu.
Đời sống nhân dân đã được nâng lên nhưng nếu nhìn vào khu vực miền núi phía Bắc thì đời sống nhân dân vẫn chưa đạt yêu cầu. Giảm nghèo chưa bền vững, chưa thực sự giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống. Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên còn cao, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ thanh niên, sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm ổn định.
Trong năm 2019 có nhiều vụ việc liên quan đến mối quan hệ gia đình. Cần nghiên cứu mổ xẻ để hiểu được vì sao anh em ruột thịt chỉ vì tranh chấp vật chất mà vơi đi mối quan hệ tình cảm gia đình, cộng đồng.
Việc sáp nhập địa giới hành chính, tinh gọn bộ máy phải triển khai nhanh hơn, đặc biệt là giải quyết đội ngũ cán bộ khi sáp nhập, tinh gọn. Vấn đề này chưa được đề cập trong báo cáo của Chính phủ. Đề nghị Chính phủ giao Bộ Nội vụ báo cáo về vấn đề này.
Về giải pháp cho năm 2020, đại biểu Thưởng đồng tình với các nhóm giải pháp được đưa ra. Tuy nhiên, đại biểu kiến nghị nên phân tích thêm các tác động, xem xét nâng mức GDP từ 6,8% lên 7% hoặc ít nhất là 6,8%.
PV