Thế thiểu số sẽ thách thức Thủ tướng Justin Trudeau trong nhiệm kỳ hai

Bình luận - Ngày đăng : 14:23, 23/10/2019

Cuộc bầu cử liên bang lần thứ 43 của Canada đã khép lại với chiến thắng thuộc về đảng Tự do của Thủ tướng Justin Trudeau.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau

Chiến thắng này cho thấy cử tri Canada tiếp tục đặt niềm tin vào nhà lãnh đạo trẻ tuổi và “Xứ sở lá phong” sẽ có chính phủ thiểu số dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng Trudeau trong nhiệm kỳ thứ hai.

Đạt nhiều thành tựu kinh tế-xã hội

Thủ tướng Canada Trudeau nhậm chức hồi tháng 11.2015 sau cuộc bầu cử năm mà đảng Tự do giành được 177 ghế. Chiến thắng này cũng đã mang đến cho cử tri hình ảnh một nhà lãnh đạo lạc quan với thông điệp thay đổi để tiến bộ.

Trong nhiệm kỳ 4 năm qua, đảng Tự do của Thủ tướng Trudeau đã đạt được một số thành tựu kinh tế khi số người thất nghiệp áp sát mức thấp kỷ lục, nền kinh tế Canada hiện đang trong tình trạng tương đối “khỏe mạnh” và tỷ lệ đói nghèo sụt giảm.

Trong báo cáo về triển vọng kinh tế toàn cầu quý III.2019 vừa công bố, các chuyên gia của ngân hàng Scotiabank (ngân hàng lớn thứ ba Canada về giá trị vốn hóa thị trường) nhận định nền kinh tế Canada là “ngôi sao phương Bắc”, với tốc độ tăng trưởng có khả năng vượt kinh tế Mỹ trong thời gian từ nay tới hết năm 2019.

Với sức tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy bởi nhu cầu nội địa vững mạnh, lòng tin của người tiêu dùng cũng như của giới doanh nghiệp tại Canada cũng đã được cải thiện mạnh trong những quý vừa qua, nhờ doanh số bán tăng và số việc làm mới khả quan. Tốc độ tăng lương trung bình ở mức 3,8% so với năm 2018, vượt lạm phát - hiện áp sát mức mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Canada.

Ngân hàng Trung ương Canada mới đây đã dự báo kinh tế nước này ước tăng trưởng 1,3% năm 2019 và 1,9% năm 2020. Sức tiêu thụ tại Canada đang được hậu thuẫn bởi thị trường việc làm “khỏe mạnh”, lương tăng, trong khi thị trường nhà đất đang dần ổn định.

Cùng với kinh tế tăng trưởng, tỷ lệ thất nghiệp tại Canada cũng áp sát mức thấp nhất trong lịch sử. Ngày 6.9, chỉ vài ngày trước khi bắt đầu chiến dịch bầu cử, Chính phủ Canada thông báo trong tháng 8, nước này đã tạo thêm 81.000 việc làm sau nhiều tháng tăng trưởng việc làm trì trệ. Thống kê cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại Canada vẫn giữ ổn định ở mức 5,7% khi nhiều người tham gia lực lượng lao động để tìm kiếm việc làm.

Trong bối cảnh nhiều khu vực của Canada phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động và xu hướng già hóa dân số (khi số người trên 65 tuổi hiện đang nhiều hơn số người dưới 14 tuổi, trong khi số người sống trên 100 tuổi tại Canada hiện đang vượt con số 8.000), nước này đã triển khai các chương trình nhập cư kinh tế. Người nhập cư kinh tế là những cá nhân tới Canada để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn nhằm nâng cao điều kiện sống. Giáo sư về chính trị học tại Đại học Ryerson, ông John Shields (Giôn Sai) cho biết những người nhập cư theo dạng này được vào Canada trên cơ sở học vấn, kỹ năng và kinh nghiệm làm việc, và được đánh giá là năng động khi tìm việc.

Chính phủ nước này cũng đã công bố kế hoạch nâng mức tiếp nhận người nhập cư lên 350.000 người vào năm 2021 so với mức 310.000 người hiện nay. Phần lớn lượng người được nhập cư vào Canada trong năm 2021 thuộc các chương trình nhập cư vì mục đích kinh tế.

Chú trọng chính sách môi trường và kiểm soát súng đạn

Trong 4 năm qua, đảng Tự do của Thủ tướng Justin Trudeau cũng đã triển khai nhiều chính sách bảo vệ môi trường nghiêm ngặt hơn. Chính phủ của Thủ tướng Trudeau đã đánh thuế carbon 20 CAD (hơn 15 USD)/tấn khí thải CO2 đối với 4 tỉnh Ontario, Manitoba, New Brunswick và Saskatchewan. Mức thuế này sẽ tăng lên 50 CAD/tấn (hơn 38 USD/tấn) trong những năm tới nhằm hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Trong bối cảnh thế giới đang vật lộn đấu tranh với tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu, Thủ tướng Trudeau nỗ lực thuyết phục người dân Canada rằng chính sách áp thuế carbon của đảng Tự do là giải pháp đáng tin cậy để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Trong chiến dịch tranh cử, Thủ tướng Trudeau tuyên bố nếu tái đắc cử, chính phủ của đảng Tự do sẽ trồng 2 tỷ cây xanh trong 10 năm, giúp tạo ra mỗi năm 3.500 việc làm thời vụ. Đảng Tự do cũng cam kết sẽ nỗ lực đưa lượng khí thải carbon dioxide về 0 vào năm 2050.

Trong khuôn khổ thỏa thuận về biến đổi khí hậu đạt được tại Paris năm 2015, các nước đã phát triển, trong đó có Canada, cam kết cắt giảm 80% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050 (so với mức của năm 2005). Canada nằm trong nhóm 10 nước thải nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính nhất và cũng là một trong những quốc gia có mức phát thải tính trên đầu người cao nhất thế giới.

Ngoài ra, chính phủ liên bang Canada cũng phải đối mặt với sức ép ngày càng tăng về việc phải thực thi các biện pháp kiểm soát súng đạn chặt chẽ hơn sau vụ xả súng tại một Nhà thờ Hồi giáo ở Quebec năm 2017 khiến 6 người thiệt mạng và vụ xả súng tại Toronto năm 2018 khiến 15 người thương vong. Hầu hết các vụ xả súng tại Canada được cho là do bạo lực băng đảng và sở hữu súng bất hợp pháp. Mặc dù bạo lực súng đạn ở quốc gia này ít xảy ra hơn so với ở nước láng giềng Mỹ, nhưng thực trạng này vẫn đang là một vấn đề đáng báo động.

Chính vì vậy, các vấn đề chính trị, kiểm soát súng đạn và đặc biệt là môi trường đã trở thành vấn đề trọng tâm trong chiến dịch tranh cử năm nay.

Cử tri Canada tiếp tục đặt niềm tin vào đảng Tự do cầm quyền

Giống như cuộc vận động tranh cử năm 2015, Thủ tướng Canada Trudeau năm nay vẫn gửi đi thông điệp về sự ổn định và thịnh vượng đối với các cử tri thuộc tầng lớp trung lưu. Thủ tướng Trudeau cũng là người đầy nhiệt huyết trong việc xây dựng hình ảnh một đất nước Canada đa văn hóa khi trong nội các của Thủ tướng có ít nhất 6 thành viên là người gốc Á hoặc gốc Phi.

Trong môi trường địa chính trị nhiều bất ổn như hiện nay, cuộc bầu cử liên bang lần thứ 43 của Canada được xem như một cuộc trưng cầu ý dân đối với đảng Tự do của Thủ tướng Justin Trudeau.

Tối 21.10 (giờ Việt Nam), hàng triệu cử tri Canada đã đi bỏ phiếu để quyết định tương lai chính trị của quốc gia đa sắc tộc này. Tất cả các điểm bầu cử đều đóng cửa vào lúc 22 giờ miền Đông (tức 9 giờ sáng ngày 22.10 giờ Việt Nam). Theo thống kê, tổng cộng có 27,4 triệu công dân Canada có đủ điều kiện đi bầu cử trong năm nay. Và trong cuộc tổng tuyển cử lần này, cử tri Canada tiếp tục đặt niềm tin vào sự lãnh đạo của Thủ tướng Trudeau.

Đảng Tự do của Thủ tướng Justin Trudeau đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử liên bang lần thứ 43 của Canada. Theo kết quả bầu cử được công bố mới nhất, đảng Tự do đã giành được 157 ghế, đảng Bảo thủ do ông Andrew Scheer đứng đầu giành được 121 ghế. Các vị trí tiếp theo thuộc về Khối Quebec, đảng Dân chủ mới và đảng Xanh với số ghế lần lượt là 32 ghế, 25 ghế và 3 ghế... Tại Canada, một đảng phải giành được từ 170 ghế trở lên mới có thể giành thế đa số tại Quốc hội gồm 338 ghế. Như vậy, Canada sẽ có chính phủ thiểu số dưới sự dẫn dắt của ông Justin Trudeau.

Nhiệm vụ không dễ dàng

Dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng Justin Trudeau, đảng Tự do đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 43 của liên bang Canada, nhưng không giành đủ 170 cần thiết để thành lập một chính phủ đa số. Như vậy, đảng Tự do sẽ cần phải hợp tác với các đảng khác để có thể thông qua các luật hay “sống sót” qua các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm. Hiện đảng Khối Quebec (Bloc Québécois) và đảng Dân chủ Mới (NDP) đều có đủ số ghế để có thể “hỗ trợ” chính phủ thiểu số của đảng Tự do.

Trong khi đó, hầu hết các thành viên trong nội các của đảng Tự do đều trúng cử vào Hạ viện. Tuy nhiên, Bộ trưởng An ninh công cộng Ralph Goodale, đại diện cho khu vực bầu cử Regina-Wascana từ năm 1993, và Bộ trưởng Tài nguyên thiên nhiên Amarjeet Sohi đã thất bại trong đợt bầu cử này. Do vậy, việc thành lập một nội các “ưng ý” cũng là một khó khăn với đảng Tự do của Thủ tướng Trudeau.

Cùng với việc đảng Tự do sẽ cần phải hợp tác với các đảng khác để có thể thông qua các luật hay “sống sót” qua các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, vấn đề thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết các thách thức về môi trường, biến đổi khí hậu, vấn đề kiểm soát súng đạn, nhập cư… cũng là những nhiệm vụ không dễ dàng với nhà lãnh đạo Canada Justin Trudeau.

Theo TTXVN