Đề nghị nghỉ lễ Ngày gia đình Việt Nam 28.6, khuyến khích nghỉ ngày thứ 7

Tin tức - Ngày đăng : 14:54, 23/10/2019

Là một chủ doanh nghiệp nhưng đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) lại đề nghị Quốc hội khuyến khích người lao động làm việc chỉ 40 giờ mỗi tuần.

Đề nghị nghỉ lễ Ngày gia đình Việt Nam 28-6, khuyến khích nghỉ ngày thứ 7 - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam). Ảnh: Quochoi.vn

Phát biểu thảo luận Bộ luật Lao động (sửa đổi) sáng 23.10, bà Hiền còn đề nghị tăng thêm 1 ngày nghỉ lễ trong năm.

Thêm một ngày lễ cho "nền tảng gia đình"

"Số ngày nghỉ lễ, Tết trong năm của chúng ta hiện còn thấp so với khu vực. Nếu được Quốc hội đồng thuận thông qua thêm 1 ngày nghỉ lễ thì đây là một trong những điểm tiến bộ nổi bật của lần sửa đổi này", đại biểu Hiền lên tiếng.

"Để bảo đảm ý nghĩa thực sự của ngày nghỉ lễ trên toàn quốc, áp dụng với mọi giai tầng xã hội, tôi tán thành đề xuất lấy ngày 28.6 - Ngày gia đình Việt Nam".

Nữ đại biểu Hà Nam phân tích: Tôn vinh Ngày gia đình hướng tới các giá trị truyền thống theo lời dạy của Bác Hồ: "Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn", là việc làm ý nghĩa và cần thiết hiện nay, khi ngày càng nhiều yếu tố tiêu cực tác động đến sự gắn bó, bền vững của gia đình, vốn là nền tảng cho bền vững xã hội.

Ngày 28.6 nằm ở khoảng giữa giai đoạn gần 4 tháng không có ngày nghỉ lễ nào, cũng là thời điểm giữa mùa hè. Phương án này không chỉ là lựa chọn tốt nhất về thời điểm, mà còn thuận lợi để người lao động kết hợp ngày nghỉ phép năm, đưa con cái về quê hoặc đi du lịch, nghỉ mát.

"Với phương án này, ta cũng có thể tính thêm với những năm ngày nghỉ Tết Nguyên đán trùng vào cuối tuần thì hoán đổi nghỉ bù vào thời điểm 28.6, tạo ra kỳ nghỉ mùa hè cho người lao động và gia đình họ một cách thiết thực, tạo ra thay đổi tích cực về tiến bộ xã hội", bà Trần Thị Hiền nói.

"Nhảy việc" gây hại cho cả người lao động và chủ doanh nghiệp

Bà Hiền cũng đề cập đến một vấn đề ít được đại biểu quan tâm - quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động. Theo bà, tạo cơ chế dễ dàng chấm dứt hợp đồng lao động không cần lý do là "lợi bất cập hại".

Trong điều kiện thâm dụng lao động, có thể chỉ vì chênh lệch thu nhập vài trăm nghìn đồng mỗi tháng hoặc được tăng ca, làm thêm giờ nhiều hơn, mà một bộ phận người lao động phổ thông trẻ tuổi dễ "nhảy việc", chốt sổ để hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần.

"Hậu quả 'kép' đối với người lao động là không có việc làm ổn định, bền vững, không có điều kiện phát triển bản thân để nâng cao năng suất lao động, không có tích lũy cho an sinh xã hội lâu dài", đại biểu Hiền phân tích.

Biến động nhân sự do "nhảy việc" cũng trực tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định của doanh nghiệp, nhất là với lao động chuyên môn kỹ thuật, quản lý cấp cao. Thực tiễn đã xảy ra ở những ngành nghề đang trở thành điểm nóng "săn đầu người" như hàng không, tài chính, ngân hàng…

"Người sử dụng lao động dễ bị rơi vào thế yếu trước nguy cơ người lao động chuyển sang làm việc cho đối thủ cạnh tranh, tổn thất không nhỏ, thậm chí có thể phá sản nếu những nhân sự là người nắm bí mật, bí quyết, công nghệ bị lôi kéo đi làm việc cho doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh vực", đại biểu Trần Thị Hiền phân tích.

Đánh giá đây là "hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực lao động", đại biểu là chủ doanh nghiệp kiến nghị bổ sung quy định rõ ngay trong bộ luật để bảo đảm tương thích với quy định của Luật Cạnh tranh.

Nên khuyến khích làm việc 40 giờ/tuần

Đại biểu Trần Thị Hiền cho rằng chưa nên điều chỉnh quy định trong bộ luật về việc giảm giờ lao động chính thức từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần, phân tích rằng trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay, khi sức cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn hạn chế, năng suất lao động còn thấp, thì tác phong công nghiệp vẫn cần tiếp tục được cải thiện.

"Tuy nhiên, đây là xu hướng tiến bộ trên thế giới, do đó trong lần sửa đổi này, tôi đề nghị nghiên cứu, luật hóa cụ thể chính sách 'Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ' để thúc đẩy việc thực thi chính sách này một cách thực chất, tạo tiền đề để lần sửa đổi tới có thể đồng thuận cao trong việc giảm thời giờ làm việc bình thường xuống 44 giờ hoặc 40 giờ", bà Hiền nói.

Theo Tuổi trẻ