Tiếp tục cải cách mạnh mẽ để thúc đẩy kinh tế phát triển
Tin tức - Ngày đăng : 16:24, 23/10/2019
Với phương châm "kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả", Chính phủ đã tăng cường công tác điều hành, chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra, kiên định mục tiêu tăng trưởng, không ngừng đổi mới, sáng tạo, hành động quyết liệt đạt các mục tiêu, kế hoạch năm 2019.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là Chính phủ đã tập trung ưu tiên thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, nhất là đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ tiếp cận đất đai, giải phóng mặt bằng... Đến nay, đã cắt giảm 3.551 trong tổng số 6.191 điều kiện kinh doanh, vượt 11,5% mục tiêu đề ra; cắt giảm 6.776 trong tổng số 9.926 dòng hàng kiểm tra chuyên ngành xuất nhập khẩu, vượt 36,5% mục tiêu đề ra.
Cơ chế, chính sách và hệ thống pháp luật tiếp tục được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, bảo đảm chặt chẽ, công khai. Số lượng doanh nghiệp nhà nước dần được thu gọn, tạo không gian mở cho doanh nghiệp tư nhân phát triển. Tinh thần khởi nghiệp lan tỏa rộng rãi, xu hướng phát triển các mô hình kinh doanh dựa trên đổi mới, sáng tạo diễn ra sôi động.
9 tháng đầu năm 2019 đã có thêm 102.300 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 5,9% so với năm 2018), vốn đăng ký bình quân đạt 11,2 tỷ đồng/doanh nghiệp. Xếp hạng năng lực canh tranh quốc gia tăng 10 bậc và 3,5 điểm phản ánh sự đánh giá tích cực của cộng đồng quốc tế với những tiến bộ của Việt Nam, ghi nhận những kết quả đạt được từ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tuy nhiên, việc xắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước còn chậm, chuyển biến chưa rõ nét. Tình hình sản xuất, kinh doanh của một số lĩnh vực gặp nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể còn lớn. 9 tháng đầu năm, 28.254 doanh nghiệp chờ giải thể, tăng 6,3%; 26.171 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ được đăng ký, tăng 11,5% so với năm 2018. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới nhiều và tăng mạnh chủ yếu là nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp. Nhiều doanh nghiệp trong nước năng lực hạn chế, chưa gắn kết hiệu quả với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Qua nghiên cứu báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020 cho thấy thu nội địa chỉ tăng 1,9% so với dự toán; cả 3 khoản thu có ý nghĩa quan trọng từ phát triển kinh tế, gồm thu từ doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp ngoài quốc doanh đều không đạt dự toán (giảm tương ứng ở 3 khu vực là 5,9%; 4,1%; 1,9% so với dự toán).
Thu từ doanh nghiệp ngoài quốc doanh đạt thấp, cả năm giảm 4500 tỷ đồng. Nguyên nhân là do khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại 3 khu vực doanh nghiệp đều không đạt dự toán, hụt thu khoảng 23.000 tỷ đồng. Đây là năm thứ 3 liên tiếp thu từ các khu vực trên không đạt dự toán mặc dù số thu đã giảm so với 3 năm trước. Điều này cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn.
Vậy nguyên nhân do đâu? Mặc dù chúng ta đã có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển, như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa… Qua phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1.1.2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 của các bộ, ngành, địa phương còn chậm.
Mặc dù việc cắt giảm điều kiện kinh doanh đã vượt mục tiêu đề ra nhưng vẫn còn điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực rườm rà, phức tạp. Vẫn còn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực thi, giữa kỳ vọng và thực tiễn. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ra đời với nhiều kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp cả nước. Tuy nhiên, việc triển khai luật còn hạn chế, một số chính sách được quy định trong luật về thuế, cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành chuỗi giá trị... còn phải chờ nhiều văn bản hướng dẫn.
Để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, cần đánh giá tác động của các chính sách đối với doanh nghiệp và cần tiếp tục nghiên cứu các giải pháp nhằm thúc đẩy các chính sách đi vào thực tiễn. Đề nghị cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ để kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. Đẩy nhanh sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước, tập trung giữ vững những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.
Phát triển kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, khuyến khích và tạo điều kiện tối đa để phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tận dụng cơ hội từ cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (4.0) và hội nhập để tăng trưởng; thúc đẩy hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế trong các ngành, lĩnh vực. Tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tài chính đối với doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ các rào cản, vướng mắc về chính sách thuế, hải quan, chế độ kế toán, kiểm toán, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, ổn định phù hợp với tinh thần của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tiếp tục xây dựng và phát triển các định chế tài chính hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận nguồn vốn...
PHẠM XUÂN THĂNG
(Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương)