Tên gọi tỉnh Hải Dương và thủ phủ Hải Dương qua các thời kỳ
Di tích - Ngày đăng : 07:01, 24/10/2019
Cổng Đông Môn của Thành Đông xưa (ảnh tư liệu)
Thời Hùng Vương, nước Văn Lang được chia nước thành 15 bộ. Hải Dương thuộc bộ Dương Tuyền. Thủ phủ bộ Dương Tuyền là Thành Dền, Ngọc Lặc, Tứ Kỳ hiện nay.
Thời kỳ Bắc thuộc (111 trước Công nguyên - 931 sau Công nguyên), nhà nước phong kiến phương bắc chia nước ta thành 15 huyện. Hải Dương thuộc huyện An Định. Thủ phủ vẫn tại Thành Dền, Ngọc Lặc, Tứ Kỳ hiện nay.
Thời kỳ họ Khúc dấy nghiệp (900 – 923) chia nước thành 12 châu. Hải Dương thuộc Hồng Châu.
Triều Lý (1010 -1225) chia nước thành 24 lộ. Hải Dương thuộc Hải Đông lộ.
Thời Trần – Trần Thuận Tông năm Quang Thái thứ 10 (1397) chia nước thành 12 lộ. Hải Dương gọi là Hải Đông lộ. Thủ phủ vẫn là Thành Dền, Ngọc Lặc, Tứ Kỳ hiện nay.
Nhà Hồ (1400-1407) chia nước thành 17 phủ. Hải Dương thuộc phủ Nam Sách. Thủ phủ là Tòa Đô Ty, tục gọi là Dinh Lệ, có thành là Thành Vạn tại xã Mạc Động, TP Chí Linh ngày nay.
Thời Lê sơ (1428 – 1465) chia nước thành 5 đạo. Hải Dương thuộc Đông Đạo.
Thời Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 7 (1466) chia nước thành 13 thừa tuyên. Hải Dương thuộc thừa tuyên Nam Sách, thủ phủ vẫn là Tòa Đô Ty, tục gọi là Dinh Lệ tại xã Mạc Động, TP Chí Linh ngày nay.
Năm Quang Thuận thứ 10 (1469) chia nước thành 12 thừa tuyên. Hải Dương nay thuộc thừa tuyên Hải Dương.
Quảng trường Độc Lập - trung tâm TP Hải Dương ngày nay
Thời Hậu Lê (1491) chia nước thành 12 xứ. Hải Dương gọi là xứ Hải Dương, thủ phủ là Tòa Đô Ty, tục gọi là Dinh Lệ tại xã Mạc Động, TP Chí Linh ngày nay.
Hậu Lê (1739) Nguyễn Cừ - Nguyễn Tuyển khởi nghĩa chiếm Tòa Đô ty - Dinh Lệ. Thủ phủ Hải Dương chuyển về Mao Điền, huyện Cẩm Giàng.
Thời vua Gia Long (1804) chia nước thành 23 trấn và 4 doanh. Hải Dương gọi là trấn Hải Dương. Thủ phủ là Thành Đông, Hàm Giang, Cẩm Giàng.
Vua Minh Mệnh (1831) chia nước thành 31 tỉnh. Hải Dương có tên gọi là tỉnh Hải Dương. Thủ phủ là Thành Đông, Hàm Giang, Cẩm Giàng.
Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, nước ta được chia thành 49 tỉnh và 4 đạo. Tỉnh Hải Dương có thủ phủ là TP Hải Dương.
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954), nước ta có 53 tỉnh, thành phố. Tỉnh Hải Dương có thủ phủ là thị xã Hải Dương.
Từ năm 1968 – 1997, cùng vơi việc sáp nhập 2 tỉnh Hải Dương và Hưng Yên hình thành nên tên gọi tỉnh Hải Hưng. Thủ phủ là thị xã Hải Dương.
Ngày 6.8.1997, theo Nghị định 88 của Chính phủ chia tách tỉnh Hải Hưng thành tỉnh Hải Dương và tỉnh Hưng Yên. Tên gọi tỉnh Hải Dương được tái lập, thủ phủ là TP Hải Dương. Đến nay, TP Hải Dương đạt tiêu chuẩn đô thị loại I.
Như vậy, theo chiều dài lịch sử, thủ phủ tỉnh Hải Dương chuyển qua 4 địa điểm thuộc 4 thời kỳ. Từ thời Hùng Vương đến cuối thời nhà Trần (2.000 năm trước Công nguyên đến năm 1397 – khoảng 3.400 năm), trải qua các triều đại Hùng Vương, Trưng Vương, Khúc Thừa Dụ, Đinh, Lê, Lý, Trần, thủ phủ tỉnh đặt tại Thành Dền, Ngọc Lặc, Tứ Kỳ hiện nay. Từ thời nhà Hồ đến hậu Lê 1407 – 1739 (khoảng 332 năm), thủ phủ tỉnh là Tòa Đô Ty, tục gọi là Dinh Lệ, có thành là Thành Vạn tại xã Mạc Động, TP Chí Linh. Từ năm 1739 - 1803 (khoảng 65 năm) thuộc các triều đại hậu Lê – Mạc – Trịnh Nguyễn phân tranh đến Tây Sơn, thủ phủ đặt tại xã Mao Điền, huyện Cẩm Giàng. Từ năm 1804 đến nay (triều Nguyễn, Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam - khoảng 215 năm), thủ phủ đặt tại Thành Đông nay là TP Hải Dương.
LƯU ĐỨC Ý