Mùa Halloween, kể tên 10 phim kinh dị gây sốc khiến kẻ la ó, người bỏ về

Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 10:43, 24/10/2019

Dù đã cảnh báo là thể loại phim giật gân nhưng không ít lần khán giả phải bày tỏ thái độ tiêu cực trước các cảnh quay toát mồ hôi này.



Raw

Công chiếu tại Liên hoan phim Cannes năm 2016, Raw ngay lập tức trở thành đề tài bàn tán sôi nổi. Phần đông giới phê bình lẫn khán giả đánh giá Raw là phim kinh dị kinh điển, mang tính ngụ ngôn nữ quyền mạnh và sở hữu phong cách độc lập đáng chú ý.

Tuy nhiên, theo báo cáo của phóng viên tác nghiệp, nhiều khán giả bị stress khi theo dõi các cảnh đặc tả đẫm máu, thậm chí ngất vì chứng kiến hình ảnh ăn thịt đồng loại được tái hiện chân thực.

Không hù dọa bằng bạo lực nhưng các cảnh đẫm máu trong Raw lại khiến người xem... như bị tra tấn - Ảnh: Wild Bunch

Raw là câu chuyện về một nữ sinh Justine ăn chay trường, vô tình phát hiện ra sức hấp dẫn từ... thịt người và dần lún sâu vào thế giới điên rồ khi cô bước vào ngôi trường thú y cùng các bạn đồng lứa.

Tác phẩm của nữ đạo diễn Julia Ducournau đã đoạt hàng loạt giải thưởng do... khán giả bình chọn từ 2016 đến 2018. Một số tờ báo như Rolling Stone hay Sight & Sound thì bình chọn Raw là ứng cử viên sáng giá cho danh hiệu phim kinh dị hay nhất thế kỷ.

The Texas Chainsaw Massacre

Là một trong những phim kinh dị ảnh hưởng nhất mọi thời đại, dấu ấn tác phẩm để lại là các lần khán giả phải bỏ ra khỏi rạp vì độ bạo lực của phim, dưới bàn tay Tobe Hooper trở nên chân thực như những thước phim tài liệu.

Trước khi The Texas Chainsaw Massacre ra đời, không nhiều phim kinh dị chính thống "tấn công" khán giả bằng các cảnh giết chóc trực tiếp và tra tấn thể xác trần trụi như thế.

Tác phẩm trở thành nguồn cơn cảm hứng cho nhiều phim sau này - Ảnh cắt từ clip

Thực tế, vào thời điểm xuất hiện (thập niên 70), phim bị cấm ở nhiều quốc gia vì bị nhiều khán giả la ó phản đối. Với riêng nhà phê bình, phim cũng nhận ý kiến trái chiều song bù lại vẫn thu hút lượng người xem đông đảo, mang về hơn 16 triệu USD, tương đương 150 triệu USD hiện tại.

The Neon Demon

Nếu có một phim kinh dị gần đây nhất gây phân cực từ cả giới chuyên môn và khán giả, không thể bỏ qua The Neon Demon của Nicolas Winding Refn, một trong những đạo diễn dòng phim arthouse đình đám.

The Neon Demon (2016) khi đó rất được chờ đợi bởi nó là tác phẩm ồn ào ngay sau Drive từng giúp Refn mang về giải Đạo diễn xuất sắc nhất Liên hoan phim Cannes 2011. Vẫn trung thành với phong cách "máu lạnh", The Neon Demon gợi nhắc cho người xem nhớ rằng Refn từng rất hung hãn trong việc tái dựng bạo lực.

Cảnh trong phim The Neon Demon - Ảnh: cắt từ clip

Nhân vật chính của phim là Jesse, thiếu nữ tóc vàng mơ trở thành người mẫu nổi tiếng. Thế nhưng vẻ đẹp thánh thiện của Jesse lại trở thành cái gai trong mắt những chân dài đang chật vật ngoi lên vị trí vedette.

Siêu cách điệu và siêu thực, The Neon Demon có quá nhiều yếu tố giật gân từ ấu dâm, hoại tử đến cannibal (ăn thịt đồng loại) trong suốt thời lượng hai giờ sẽ là thách thức với bất kỳ khán giả nào chưa thật sự là fan cuồng của dòng phim kinh dị.

Funny Games

Xét về phương diện hình thức, Funny Games giống một phim tội ác hơn là kinh dị. Thế nhưng câu chuyện của nó thật sự khiến người ta phải sởn gai óc: hai thanh thiếu niên vô danh tiểu tốt đột nhập vào căn nhà bên hồ của đôi vợ chồng trẻ và bắt đầu tra tấn họ đến chết mà không hề tiết lộ rõ nguyên nhân.

Bạo lực vô nghĩa trong Funny Games có thể là yếu tố then chốt khiến khán giả bày tỏ sự phẫn nộ, dù chất liệu kỳ quặc, phi đạo đức này được đạo diễn kỳ tài Michael Haneke xử lý hết sức tinh tế và khéo léo.

Chính bởi những mâu thuẫn nghiêm trọng xảy ra trong Funny Games đã làm nên tác phẩm nghệ thuật kinh điển: một mặt khán giả thích thú vì cách kể chuyện sáng tạo; mặt khác vẫn có khán giả không thể chấp nhận những chi tiết hết sức nhạy cảm được đề cập.

Michael Haneke "đam mê" bộ phim đến mức năm 2007, ông thuê lại căn nhà để làm phiên bản Mỹ với diễn xuất của Naomi Watts - Ảnh: Warner Independent

Theo tiết lộ từ ban tổ chức Liên hoan phim Cannes năm 1997, một phần ba khán giả rời khỏi rạp trước khi cảnh cuối kết thúc bởi ai cũng biết nhưng họ không thể chấp nhận kết cục bi đát.

Suspiria (bản làm lại 2018)

Khác với phiên bản gốc vốn đã là "tượng đài" khó phá vỡ, đạo diễn người Ý Luca Guadagnino quyết định đổi "tone" phim không chỉ về dàn diễn viên gây tranh cãi, ông cũng "thay máu" hình ảnh cho Suspiria bằng các cảnh đặc tả bạo lực một cách kinh dị nhưng không kém phần... sáng tạo.

Chuyện phim xoay quanh Susie, cô sinh viên Mỹ ở Berlin theo đuổi giấc mơ trở thành nghệ sĩ múa thượng thặng. Không ngờ ngôi trường mà Susie nỗ lực chen chân vào lại được điều hành bởi vương quyền bóng tối.

Cảnh trong phim Suspiria - Ảnh: Amazon Studios

Mặc dù sở hữu cảnh hạ sát ghê rợn nhất nhì lịch sử phim kinh dị mà không cần đến đao to, búa lớn... song nếu nhìn rộng ra, Suspiria thực chất đã đạt tới độ thuần thục trong ngôn ngữ kể chuyện.

Không thể so sánh với bản gốc vì nhiều yếu tố nhưng đây là phim làm lại hiếm hoi tạo dấu ấn riêng bằng cá tính mạnh của Luca Guadagnino cũng như tầm nhìn xa giúp ông mở rộng cảm thụ điện ảnh cho khán giả, vẽ nên truyền thuyết kỳ ảo hơn cho Suspiria.

Under the Skin

Sau Birth, hơn 10 năm chật vật đạo diễn Jonathan Glazer mới thực hiện thành công Under the Skin cho thỏa lòng mong đợi từ người hâm mộ. Cũng như Birth, Under the Skin tiếp tục có ý kiến trái chiều về nhận thức, quan điểm sống.

Nội dung tối giản, chỉ tập trung vào hiệu ứng kể chuyện khiến Under the Skin chịu nhiều sức ép từ lớp khán giả căn bản - Ảnh cắt từ clip

Minh tinh Scarlett Johansson đóng vai nhân vật chính vô danh, một người ngoài hành tinh lùng sục khắp vùng ngoại ô Scotland để tìm kiếm đối tượng nghiên cứu.

Tình dục trắng trợn và sử dụng cách kể chuyện bằng hình ảnh qua đối thoại khiến người xem giải trí đơn thuần không đủ kiên nhẫn theo dõi.

The Exorcist

Khác với các phim trong danh sách, người ta không dám xem The Exorcist không vì nó quá tệ hay quá ghê rợn, mà bởi cảm giác "bị trừng phạt" khiến khán giả ngại theo dõi tác phẩm đến hết.

The Exorcist được đánh giá là một trong những phim kinh dị thành công nhất mọi thời đại với doanh thu hơn 400 triệu USD - Ảnh cắt từ clip

Cốt truyện rất đơn giản và từng được bày biện nhiều trên màn bạc: một cô gái trẻ bị quỷ dữ chiếm giữ thân xác. Những diễn biến tiếp theo rất dễ đoán, nhưng cái khó là khán giả hoàn toàn không biết chiêu trò của nhà sản xuất lẫn đạo diễn William Friedkin là gì.

Santa Sangre

Vinh quang đầu tiên của Santa Sangre là giành được nhãn NC-17 của Mỹ, một phân loại cực kỳ kén chọn khán giả, báo hiệu những điều chẳng lành có sức sát thương cao trong tác phẩm của Alejandro Jodorowski. Ngay sau đó, phim cũng bị cấm ở nhiều quốc gia vì bạo lực có tính kích động.

Santa Sangre cũng như nhiều tác phẩm khác đến từ Alejandro Jodorowski, nó được nhào nặn trau chuốt với các khung hình thể nghiệm theo phong cách avant-garde, do đó tạo ra các giác quan gây khó dễ cho người xem nếu họ không quen với vũ trụ điện ảnh Jodorowski.

Cảnh trong phim Santa Sangre - Ảnh: Mainline Pictures

Nội dung phim xoay quanh Felix, cậu bé lớn lên trong một rạp xiếc, sống cùng người mẹ là chủ giáo phái tôn giáo tàn bạo cùng người cha có thuật thôi miên. Tác phẩm là chuỗi kéo dài các hành động nổi loạn, giết chóc được quay chậm, mô tả chi tiết đến mức gây rối loạn cảm giác đau thể lý cho người xem.

Mặc dù bị khuyến cáo là phim không dễ xem với số đông, Santa Sangre vẫn nhận phiếu đồng thuận của giới chuyên môn là 1 trong 500 tác phẩm vĩ đại nhất mọi thời. Bản Bluray ra mắt hàng chục năm sau của phim thậm chí còn hé lộ 5 tiếng đồng hồ các cảnh quay bị cắt xén!

Twin Peaks: Fire Walk with Me

Rất nhiều khán giả có mặt tại buổi chiếu phim ở Cannes năm 1992 phản đối tác phẩm một cách kịch liệt, họ đánh giá nhà sản xuất phim lẫn đạo diễn David Lynch đã đội lốt điện ảnh để thể hiện thứ nghệ thuật suy đồi và bệnh hoạn. Số còn lại chỉ trích phim phù phiếm vô nghĩa.

Cảnh trong phim Twin Peaks: Fire Walk with Me - Ảnh cắt từ clip

Với hiệu ứng tiêu cực, nhiều khán giả chẳng ngần ngại rời khỏi rạp, với họ cảnh người cha thảm sát con gái mình là điều không thể chấp nhận, bất chấp nó chỉ là cảnh phim của một chương trình truyền hình có tên Twin Peaks.

Tuy nhiên theo thời gian, Twin Peaks trở thành phim kinh điển trong chuỗi các phần tiền và hậu truyện Twin Peaks được David Lynch kiên cố dàn dựng. Càng về sau, tên tuổi Lynch được bảo chứng mạnh mẽ hơn, điều này cũng khiến cho khán giả bắt đầu đánh giá lại các tác phẩm khó cảm thụ của ông.

Eyes Without a Face

Ra đời vào năm 1960, giữa lúc khán giả vẫn còn quá ngỡ ngàng với các hình ảnh chân thực như cảnh cấy ghép da, hay phẫu thuật cắt mắt... nên việc họ bỏ khỏi rạp vì buồn nôn là điều không tránh khỏi.

Bù lại, Eyes Without a Face được cho là cột mốc của phim kinh dị bởi các cảnh quay rất đẹp, diễn xuất hoàn hảo cùng hiệu ứng đồ họa chân thực.

Nội dung phim xoay quanh một ông bố làm bác sĩ phẫu thuật tìm cách chữa làn da cho con gái mình sau tai nạn - Ảnh: Lux Compagnie

Tạp chí tin tức Pháp L'Express từng nhận xét rằng khán giả bỏ chạy tán loạn trong cảnh phẫu thuật trên phim, còn tại Liên hoan phim Edinburgh, bảy khán giả đã ngất xỉu vì bị sốc tâm lý.

Vào năm 2003, phim được tái phát hành với bản gốc không cắt dựng, ngay lập tức trở thành phim kinh dị kinh điển gợi cảm hứng qua nhiều thập niên.

Theo Tuổi trẻ