Được mùa rươi đầu vụ

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 12:16, 24/10/2019

Mùa rươi ở Hải Dương đã bắt đầu. Theo ghi nhận tại các địa phương trong tỉnh, năng suất rươi đầu vụ năm nay khá cao, giá bán tương đương năm trước.

Rươi sau khi được vớt lên. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Mấy ngày nay, ông Lê Văn Quạt ở thôn Tú Y, xã Vĩnh Lập, huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) lúc nào cũng túc trực tại ruộng rươi gần đê sông Văn Úc để thu hoạch đợt đầu tiên của vụ rươi năm nay. Khi trời nhá nhem, đèn điện được thắp sáng ở những vị trí đặt cống dẫn nước thủy triều vào ruộng, các vật dụng khác như xô, chậu, hộp xốp, cân, nước đá… đã sẵn sàng trên bờ. Thời gian vớt rươi diễn ra khoảng từ 6 giờ tối đến 11 giờ đêm.

Những mẻ rươi sau khi được nhấc từ dưới mặt nước lên sẽ đợi ráo nước và được cân, đóng thùng xốp hoặc cho vào từng hộp nhỏ để các thương lái vận chuyển đi tiêu thụ ở các tỉnh lân cận.

Theo ông Quạt, so với cùng kỳ năm 2018, sản lượng rươi đầu vụ năm nay cao hơn khoảng 30%. Rươi thu hoạch đến đâu, tiêu thụ hết đến đó, giá bán tại ruộng dao động từ 350.000 - 400.000 đồng/kg, tương đương vụ trước.

Năm 2013, ông Lê Văn Quạt đã mạnh dạn mua lại những diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả của những gia đình khác, đầu tư cải tạo đất để khai thác rươi, cáy. Hiện ông Quạt có khoảng 36.000 m2 ruộng rươi. Đến năm 2016, gia đình ông bắt đầu thu được vụ rươi đầu tiên.

“Năm 2018, với mỗi sào ruộng, tôi thu được 30 kg rươi, hiệu quả kinh tế đạt khoảng 12 triệu đồng/sào Bắc Bộ (360 m2)”, ông Quạt cho biết.

Sau khi vớt lên, người dân phơi rươi cho ráo nước trước khi đóng hộp. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Trong dân gian thường lưu truyền câu “Tháng 9 đôi mươi, tháng 10 mùng 5” để nói về thời điểm rươi nổi và có thể thu hoạch. Nghĩa là mùa rươi sẽ bắt đầu từ khoảng 20 tháng 9 âm lịch đến khoảng mùng 5 tháng 10 âm lịch hàng năm. Trong khoảng thời gian này, tùy vào đợt thủy triều, người dân có thể thu hoạch rươi nhiều đợt rươi, mỗi đợt kéo dài 2 - 3 ngày.

Nhờ biện pháp khoanh vùng, làm cống để dẫn nước thủy triều vào ruộng, việc khai thác rươi ngày nay thuận lợi hơn. Ở những thời điểm khác trong năm, người dân vẫn có thể vớt được rươi nhưng sản lượng và chất lượng rươi kém hơn thời điểm tháng 9, tháng 10 âm lịch.

Trong những năm qua, huyện Thanh Hà đã tạo điều kiện hỗ trợ để xã Vĩnh Lập hoàn thiện vùng quy hoạch khai thác rươi cáy. Chính quyền địa phương cũng hỗ trợ nông dân dân tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư cải tạo ruộng phục vụ khai thác rươi.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lập cho biết rươi đã xuất hiện tại địa phương từ nhiều năm trước nhưng trước kia người dân chỉ dùng những vật dụng thô sơ ra vớt rươi ở ngoài sông. Còn những năm gần đây, người dân đã đầu tư cải tạo ruộng để ruộng sạch các loại hóa chất, xây cống dẫn nước vào ruộng, vật dụng để lấy nước thủy triều vào ruộng và vớt rươi nên năng suất ngày càng cao. Hiện toàn xã Vĩnh Lập có khoảng 45 hộ dân khai thác rươi, diện tích khai thác khoảng 50 ha tập trung quanh khu vực đê sông Văn Úc, sông Thái Bình.

Chú thích ảnh

Rươi sau khi được vớt lên. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Hiện nay, tỉnh Hải Dương có khoảng 400 ha thu hoạch được rươi ở các huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà, Kim Thành, Kinh Môn, TP Chí Linh. Có một số vùng canh tác rươi tập trung như Tứ Kỳ (35 ha), Thanh Hà (32 ha). Hiệu quả kinh tế từ việc khai thác rươi mang lại đạt trung bình 8 - 10 triệu đồng/360 m2/năm.

Theo ông Phạm Văn Tình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ở những nơi được khoanh vùng khai thác rươi, toàn bộ ruộng lúa canh tác và phần diện tích trên bờ trồng cây ăn quả đều chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, phân chuồng, tuyệt đối không dùng phân hóa học, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, kể cả thuốc vi sinh.

“Cộng đồng những người làm rươi ở các địa phương trong tỉnh có ý thức cao trong việc tuân thủ kỹ thuật và bảo vệ môi trường sinh thái nên hiện nay có thể khẳng định chất lượng rươi ở Hải Dương rất tốt, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông Tình chia sẻ.

Chú thích ảnh

Rươi được đóng hộp để bán cho thương lái. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Rươi là một nguồn lợi thủy sản hoàn toàn tự nhiên có giá trị kinh tế cao mà không tốn kém nhiều về chi phí đầu tư. Tuy nhiên, đối tượng thủy sản này lại yêu cầu chất lượng nguồn nước và môi trường đất ruộng phải sạch, không hóa chất.

Chính vì thế trong thời gian tới, theo đại diện Chi cục Thủy sản, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản này, cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương đã có định hướng một mặt tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ cho người dân mở rộng diện tích khai thác.

Mặt khác, ngành tích cực tổ chức hội thảo, tuyên truyền để người dân các vùng rươi tuân thủ chặt chẽ quy định bảo đảm vệ sinh môi trường ở những ruộng rươi, đồng thời có biện pháp khai thác hợp lý các nguồn lợi thủy sản khác trên cùng khu vực sông. Dự kiến, vùng rươi tập trung ở huyện Tứ Kỳ có thể mở rộng lên 100 ha, vùng rươi ở huyện Thanh Hà có khả năng mở rộng thêm 60 ha trong những năm tới.

Về phía người dân địa phương, ông Lê Văn Quạt và các hộ dân có nguyện vọng các cơ quan chức năng cần bảo đảm các nhà máy trên địa bàn xử lý nước thải đúng quy trình để không làm ô nhiễm nguồn nước sông, ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh sống của rươi.

Theo TTXVN