Thành Đông xưa - TP Hải Dương nay

Đất và người xứ Đông - Ngày đăng : 11:45, 25/10/2019

Dù có giàu trí tưởng tượng đến đâu, cũng không thể mường tượng ra được mảnh đất này hơn hai trăm năm trước chỉ là một vùng bãi hoang ven ngã ba sông Sặt…


Công viên Bạch Đằng năm 1970. Ảnh: Văn Quang Đức

Giữa những ngày tháng mười, đi trong TP Hải Dương, nơi bạn đã sống nhiều năm rồi mà vẫn cảm thấy như người mới tới khi đứng trước những công trình, con đường, hàng cây, vườn hoa, dãy phố… như mới hiện lên một khối hình mới, khoác lên màu sắc mới, lan tỏa phong vị mới... Dù có giàu trí tưởng tượng đến đâu, cũng không thể mường tượng ra được mảnh đất này hơn hai trăm năm trước chỉ là một vùng bãi hoang ven ngã ba sông Sặt…

Từ dinh Lệ đến dinh Dậu         

Theo tư liệu lịch sử thì Hải Dương thừa tuyên ra đời từ thời vua Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (1469). Thời đó, lỵ sở còn đặt ở xã Mỹ Động thuộc Chí Linh, còn gọi là dinh Lệ, có thành Vạn. Nhưng được gần hai thế kỷ, đến thời Lê - Trịnh bước sang giai đoạn suy tàn, vua quan tranh giành quyền lợi, nông dân đói khổ không chịu được đã vùng lên, trong đó có cuộc nổi dậy của Nguyễn Cử, Nguyễn Tuyển (thời đó gọi là nổi loạn).

Quân khởi nghĩa đã chiếm cứ nhiều vùng, trong đó có dinh Lệ. Triều đình cũng đã cử nhiều quân cơ, voi ngựa về chi viện nhưng trước nghĩa quân, vẫn không chống được, đành bỏ dinh Lệ, chuyển lỵ sở về đất Mao Điền thuộc Cẩm Giàng ngày nay. Đó là vùng đất trên bờ sông Vân Dậu - một đoạn của sông Sặt, nên gọi là dinh Dậu. Đây cũng có đò ngang sang đất Đường An (Bình Giang nay). Ở vào thế ấy, người ta cho là nếu có biến thì cầu cứu Thăng Long cũng nhanh mà đường trạm dịch cũng thuận tiện. Từ dinh Dậu, có chợ họp mở mang đông đúc, có văn miếu Mao Điền xây trên một gò đất cao.

Từ Thành Vạn đến Thành Đông

Ngót nửa thế kỷ sau (1786), quân khởi nghĩa Tây Sơn tiến ra Bắc Hà, tiêu diệt tập đoàn phong kiến nhà Trịnh, quan lính ở dinh Dậu bỏ chạy thảm hại. Đầu thế kỷ XIX, sau khi Gia Long chiếm Thăng Long, một danh nhân đất Đường An là Phạm Đình Hổ về thăm dinh Dậu. Ông quan sát vị trí, địa hình và phán rằng định đô đặt trấn của một tỉnh mà chỉ lấy cho gần nơi thanh viện, tiện việc chạy trạm, không lo công thủ sau này thì sao có thể khống chế được sơn hải, hộ vệ cho chốn băng kỳ được…                                                          

Năm Gia Long thứ ba (1804), triều Nguyễn đã quyết định di chuyển dinh Dậu từ Mao Điền về phía đông, nằm trên ngã ba sông Thái Bình và sông Sặt, tại địa phận các xã thuộc ba làng Hàn. Cũng như khi lỵ sở ở Mỹ Động, Mao Điền, tới đây, triều đình cho trấn Hàn xây thành, đào hào để bảo vệ và chống khi nguy biến.

Vì trấn này ở phía đông Thăng Long, Hải Dương mang biệt danh tỉnh Đông nên thành cũng gọi là Thành Đông. Trung tâm của thành ở gần Nhà máy Xay trước đây (đường Hoàng Hoa Thám ngày nay), từ đó đến các góc thành khoảng 500 m. Thành Đông buổi đầu đắp bằng đất, năm Minh Mệnh thứ 5 gia cố bằng đá ong, sau làm thêm thành Dương Mã. Thành có hình lục giác đều, các cạnh tạo thành đường gấp khúc. Ngoài thành có hào nối với sông Thái Bình và sông Sặt, hào rộng trên 3 trượng, sâu hơn nửa trượng (1 trượng =10 thước, 1 thước =0,40 m).


Công viên Bạch Đằng hôm nay. Ảnh: Thành Chung

Từ đầm lầy đến công viên Bạch Đằng 

Từ bến Hàn, sông Thái Bình tách ra một nhánh chảy về phía ga tàu hỏa, rồi Hàng Bè (Tam Giang) hội với sông Sặt, đổ về Cống Câu. Mấy làng trong khu Ngọc Châu, Nhị Châu bây giờ (trước thuộc huyện Nam Sách) sống như một hòn đảo.

Sau khi Pháp xâm lược, nhà nước bảo hộ đã làm đường sắt thông Hà Nội - Hải Phòng nhằm khai thác tài nguyên khoáng sản thuộc địa, giao thương thuận tiện từ năm 1898. Để chỉ phải làm một cầu là Phú Lương hiện nay nên đã lấp trên thượng lưu; ở hạ lưu thì cắm kè, dần thành phố Hàng Bè, chuyên bán tre nứa.

Quá trình xây dựng cầu Phú Lương và đường sắt cũng là “biến” một đoạn sông lấp thành đường nối với cầu tức là đường 5 sau này. Đầu thế kỷ XIX, sông Thái Bình chưa có đê nên hằng năm nước dâng mang phù sa sông  tràn vào bồi lấp.

Đến năm 1923, đoạn sông giữa hai con đường sắt và đường 5 trở thành đầm lầy, chỉ còn một lạch nhỏ ở giữa nối với sông thành phố vào thành Đông. Năm 1985, để xây dựng công viên, phải đào đất vượt lên. Thế là tạo thành hồ ở giữa, từng bước xây dựng, mở mang thành công viên Bạch Đằng xanh đẹp, thơ mộng như ngày nay…

Từ "sân bay dã chiến" thành đường đôi ra ga

Ga tàu hỏa Hải Dương có rồi nhưng một thời khách từ thị xã Hải Dương ra ga phải đi đường vòng từ phố Quang Trung (nửa phố Đông Thị, Đông Giàng cũ) đến cửa Trường Tiểu học Tô Hiệu (Nam tiểu học cũ) qua đường An Ninh (đường cống Ba Cửa cũ) mới đến được ga. Mãi đến năm 1943-1944, viên Công sứ cuối cùng của Pháp mới cho làm con đường từ vườn hoa Bảo Đại (Quảng trường Độc Lập ngày nay) đến ga Hải Dương, dài 800 m.

Công trình còn đang làm thì xảy ra cuộc đảo chính Nhật lật đổ Pháp, tiếp đến là Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Sau một thời gian thì Pháp chiếm đóng thị xã Hải Dương nên chúng đã biến khu đất làm đường thành nơi máy bay lên xuống gọi là “sân bay dã chiến”. Chiến tranh kết thúc, nhà ga được xây dựng khang trang, đường nối với ga Hải Dương được đầu tư xây dựng thành đường đôi, rộng đẹp, có dải phân cách, mang tên người chiến sĩ cách mạng Hồng Quang.


Quảng trường Độc Lập những năm bao cấp. Ảnh tư liệu

Từ vườn hoa Bảo Đại đến vườn hoa Độc Lập

Phía đầu đường Hồng Quang, Quảng trường Độc Lập bây giờ, trước đây là vườn hoa Bảo Đại - tên vua cuối cùng của triều Nguyễn.

Gọi là vườn hoa nhưng chỉ dành cho quan chức, Tây, đầm đến thưởng lãm. Con cái dân nghèo vào là bị cảnh sát đánh đuổi. Nơi đây, chiều 17.8.1945 đã diễn ra cuộc mít tinh của hàng vạn người dân trong và ngoại thành hưởng ứng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám.

Ông Bạch Năng Thi, lãnh đạo Việt Minh đứng trên một điểm cao, dưới bóng lá cờ đỏ sao vàng to rộng, dõng dạc đọc 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh, tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai, thành lập chính quyền cách mạng, kêu gọi quần chúng ủng hộ chính quyền cách mạng.

Cũng tại đây, ngày 2.9.1945, hàng vạn người lại tập trung nghe loa phóng thanh truyền đi lời Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại vườn hoa Ba Đình (Hà Nội). Mọi người giơ cao nắm tay hô to 5 lời thề độc lập: Không đi lính cho Pháp! Không làm việc cho Pháp! Không bán lương thực cho Pháp! Không đưa đường chỉ lối cho Pháp! Không để Pháp xâm lược nước ta lần thứ hai!

Từ đó, vườn hoa đổi tên thành “Vườn hoa Độc Lập”. Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, nơi đây xây đài “Tổ quốc ghi công” các anh hùng liệt sĩ.


Quảng trường Độc Lập nay đã khang trang. 
Ảnh: Thành Chung

Từ thị xã đến đô thị loại I 

Trước năm 1883, lỵ Hải Dương sầm uất, dân cư đông đúc nhưng từ khi Pháp xâm lược thì nơi đây luôn bị tấn công, loạn lạc. Người dân lần lượt chuyển về thôn quê làm ăn nên dân số giảm dần. Năm 1899, dân số chỉ còn khoảng 15.000 người; năm 1900 xuống 7.000 người. Nếu tính cả dân số 3 làng Hàn Giang, Hàn Thượng, Bình Lao cũng chỉ có khoảng 10.600 người.                                                    

Năm 1923, lỵ sở Hải Dương trở thành thị xã Hải Dương. Cuối năm đó, toàn quyền Đông Dương Merlin ra nghị định nâng cấp đô thị Hải Dương lên TP Hải Dương. Từ đó, dân số không ngừng tăng lên. Năm 1923, dân số TP Hải Dương 6.000 người thì đến cuối năm 1927 đã lên 10.000 người.

Năm 1947, nhà cầm quyền Pháp chia TP Hải Dương thành 2 quận, rồi sau đó một thời gian lại chuyển thành thị xã Hải Dương.

Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch, vừa chiến đấu vừa xây dựng, nhất là sau 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, thị xã Hải Dương xưa và nay là TP Hải Dương không ngừng phát triển. Năm 1997, thị xã Hải Dương trở thành thành phố và là đô thị loai III. Năm 2009, TP Hải Dương trở thành đô thị loại II. Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận TP Hải Dương mở rộng đạt đô thị loại I.

Như vậy là từ thị xã đầu tiên với mấy nghìn người, TP Hải Dương đã trở thành đô thị loại I, trực thuộc tỉnh với dân số gần 5 vạn dân, diện tích trên 100 km2 với 21 phường, xã.

 THẾ NGUYỄN


----------------------------
*Nguồn tham khảo:

-Hải Dương phong vật chí

-Địa chí TP Hải Dương và sưu tầm khác