Học sinh nói tục, giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực: Vì đâu nên nỗi?

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 08:04, 26/10/2019

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân để xảy ra liên tiếp các vụ bạo lực học đường là do các trường học nói nhiều đến giáo dục đạo đức nhưng không chịu làm.


Nữ sinh đánh nhau

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip ghi lại cảnh ba nữ sinh túm tóc, đấm đá liên tục vào một nữ sinh khác. Điều đáng nói, thời điểm xảy ra sự việc có nhiều học sinh chứng kiến sự việc nhưng không ai ngăn cản. Có người còn quay lại clip. Những học sinh trong clip sau đó được xác định là  học sinh Trường THCS Lê Qúy Đôn, Thị xã Bến Cát (Bình Phước) do có mâu thuẫn với nhau nên 3 nữ sinh lớp 8 đã vây đánh một nữ sinh lớp 9.

Hay sáng ngày 19.10, trong giờ học Tiếng Anh ở lớp 6A, Trường THCS Nguyễn Huệ, huyện Đông Triều (Quảng Ninh), một học sinh  lấy bình xịt hơi cay ra lắc và xịt trong lớp làm bị thương 19 bạn cùng lớp. Những học sinh bị tác động bởi hơi cay sau đó đã có biểu hiện đau đầu, chóng mặt nên được đưa đến Trung tâm y tế Thị xã Đông Triều thăm khám sức khỏe.  Rất may, đến chiều cùng ngày các học sinh đã dần ổn định và về nhà.

Trong hội nghị về giáo dục đạo đức và giải pháp mới đây, GS TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý – giáo dục Việt Nam cho biết, năm 2018, có khoảng 2.000 vụ bạo lực liên quan đến đạo đức, sát phạt lẫn nhau, trong đó có hơn 53% số vụ xảy ra trong trường học.

GS.TS Phú khẳng định, nguyên nhân dẫn đến sa sút phẩm chất, đạo đức, lối sống giới trẻ là do các em chưa được gia đình giáo dục đầy đủ, thiếu quan tâm. Một số phụ huynh khi phát hiện lỗi của con chỉ biết phạt, không biết tâm tình, chỉ bảo điều hay, lẽ phải. Ngoài ra, học sinh hư vì chịu tác động, xúi bẩy của một số người xấu. Các chuyên gia, cán bộ quản lý trường học chỉ ra những hành vi xấu, biểu hiện suy thoái đạo đức của một số học sinh như: nhiều em nói tục; dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn…

Thầy Nguyễn Văn Hoà, Chủ tịch hội đồng Trường THCS -THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng, nhà trường đang đi chệch con đường giáo dục đạo đức học sinh. Nhiều thanh niên không có lý tưởng sống, không biết ứng xử văn hóa, sớm vi phạm pháp luật.

Thầy Hòa cho rằng trường nào cũng treo khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” nhưng thực tế lâu nay đang cuốn theo dòng thác điểm số, kiến thức để phục vụ thi cử, lấy thành tích mà lãng quên, xem nhẹ giáo dục đạo đức. Có nơi chỉ hoạt động giáo dục đạo đức cho có, không xuất phát từ mục tiêu giáo dục con người.

Chia sẻ về kinh nghiệm tổ chức hoạt động, giáo dục đạo đức học sinh ở ngôi trường có 3.000 học sinh, thầy Hòa cho biết, từ lâu ông theo đuổi triết lý của trường là giáo dục học sinh nên người. Do đó, để giúp học sinh hình thành nhân cách thì phải giáo dục đạo đức thông qua các môn học.

Trường có 2 trung tâm trải nghiệm ở xa nhà trường, hàng năm đưa học sinh đến đó sinh hoạt hằng tuần, hàng tháng để học sinh trải nghiệm; Có những ngày hội kết nối gia đình để bố mẹ, con cái có thời gian cùng hoạt động với nhau. Ngoài tiết học đạo đức, trường còn có thêm giờ học kỹ năng sống dạy học sinh biết yêu thương, tôn trọng, chia sẻ, lắng nghe cũng như dạy trẻ phải biết sống có ước mơ, hoài bão.

TS Võ Thế Quân, Hiệu trưởng Trường THPT Đông Đô cũng chia sẻ, nhiều năm nay trường đã dạy thêm giờ giáo dục kỹ năng sống 2 tiết/ tuần, cụ thể hóa 10 thói quen tốt và tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm cho học sinh tham gia.

Theo TS Quân, lâu nay, việc giáo dục đạo đức học sinh thường giao cho giáo viên chủ nhiệm, sau đó đến giáo viên bộ môn mới đến tổ chức Đoàn, Đội nhưng thực tế giáo viên chủ nhiệm vẫn phải dạy học, không có thời gian, khó phát hiện những bất thường ở học sinh để can thiệp sớm.

Nói nhiều nhưng không chịu làm

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch hội đồng Trường Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, người có nhiều năm giáo dục, cảm hóa học sinh cá biệt cho rằng, việc giáo dục đạo đức học sinh các trường nói nhiều nhưng không chịu làm.

Ông dẫn lời Chủ tịch ngân hàng thế giới: “Khủng hoảng giáo dục đạo đức gắn liền với khủng hoảng giáo dục”. Giá trị của giáo dục là thay đổi, phát triển con người, dạy học phải làm cho học sinh thay đổi, có nhận thức mới, tình cảm trong sáng và có hành vi mang lại lợi ích cho gia đình, xã hội.

Thế nhưng lâu nay các trường tập trung giáo dục chạy theo thành tích, hút hết sức lực tuổi trẻ vào dạy chữ mà quyết mục tiêu giáo dục là gì. Trong khi nền kinh tế thị trường buộc cha mẹ phải lao vào bươn chải. 70-80% gia đình đói về giáo dục gia đình. Bộ GD&ĐT chưa chú ý đến việc nhân rộng điển hình, sáng kiến.

Ông Lâm kiến nghị, các trường phải thay đổi mục tiêu dạy học và bớt gánh nặng về thành tích, điểm số để dạy học sinh những giá trị làm người cơ bản.

GS.TS Nguyễn Ngọc Phú cũng cho rằng, tình trạng đạo đức học sinh, sinh viên xuống cấp nhưng việc giáo dục đạo đức lại ở mức cầm chừng. Ông nhấn mạnh gia đình, nhà trường và xã hội phải coi trọng hơn nữa việc giáo dục đạo đức học sinh từ trong nhận thức lẫn hành động.

Theo Tiền phong