Thành phố thay "áo mới"
Xã hội - Ngày đăng : 08:33, 26/10/2019
Nút giao Hải Tân nổi bật với bức cuốn thư được ghép bằng các khối đá tự nhiên cao 7,2 m, khắc họa tiết trang trí như hoa văn gốm Chu Đậu
Tạo không gian gắn kết cộng đồng
Tiêu chí về công trình công cộng và số lượng không gian công cộng của TP Hải Dương được Hội đồng Thẩm định Trung ương đánh giá cao. Theo tiêu chuẩn phân loại đô thị được quy định tại Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đất xây dựng các công trình dịch vụ công cộng đô thị phải đạt tối thiểu 4 m2 /người nhưng TP Hải Dương đã đạt 12,35 m2 /người. Thành phố có 25 công trình thể dục, thể thao cấp đô thị (trong khi theo quy định tối thiểu phải có 7 công trình); 12 khu không gian công cộng (tối thiểu 5 khu).
Phải khẳng định rằng, tạo được không gian công cộng đối với đô thị loại I rất quan trọng và cần thiết. Đây là nơi người dân thể hiện tinh thần đoàn kết, ý chí chung để cùng nhau bảo vệ môi trường hay đấu tranh, ngăn chặn các tệ nạn xã hội... Không gian công cộng góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân đô thị.
Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hải Dương đã quan tâm đầu tư xây dựng và cải tạo nhiều công trình công cộng như các quảng trường Độc Lập, 30.10, Thống Nhất; hồ Bình Minh, công viên Bạch Đằng… Cùng với đó, các công trình thể dục thể thao, văn hóa cấp đô thị được xây dựng khang trang như Nhà Thi đấu thể dục thể thao tỉnh, các sân vận động, Thư viện tỉnh…
Hạ tầng kỹ thuật đồng bộ
Hải Dương luôn đặt mục tiêu xây dựng và phát triển TP Hải Dương trở thành đô thị văn minh, hiện đại, bảo đảm sử dụng hiệu quả quỹ đất, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; kiểm soát được chất lượng môi trường, hài hòa giữa bảo tồn và cải tạo, xây mới. Để tạo điểm nhấn cho đô thị loại I, TP Hải Dương ưu tiên đầu tư các dự án cấp thiết, tác động đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Với quan điểm chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, thành phố coi đây là khâu đột phá nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống giao thông đô thị được xây dựng, cải tạo qua nhiều thời kỳ.
Đến nay, thành phố đã làm các trục đường chính đô thị rộng từ 38- 62 m với 4 - 8 làn như đại lộ 30.10 rộng 62 m có 8 làn xe; đường Trường Chinh rộng 52 m có 6 làn xe; các đường đô thị như Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Ngô Quyền, Thanh Niên… rộng từ 24 - 35 m. Các đường liên khu vực như Tứ Minh, Thanh Bình, Phạm Hùng, Nguyễn Mại… rộng từ 20 - 24 m.
Các tuyến đường trục chính trong khu vực nội thành được đầu tư xây dựng đồng bộ về hệ thống điện chiếu sáng, vỉa hè. Cây xanh trồng có chọn lọc, tạo điểm nhấn cảnh quan đô thị.
Phát huy tối đa các nguồn lực, thành phố tập trung quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị. Ngoài những khu đô thị mới, khu dân cư tập trung, thành phố còn nâng cấp, cải tạo nhiều hạng mục trong các khu dân cư cũ.
Thành phố đã triển khai quy hoạch nhiều khu đô thị mới, khu dân cư mới như khu dân cư Thanh Bình, khu nhà ở phía nam đường Tôn Đức Thắng, khu đô thị mới Tân Phú Hưng, khu đô thị Phú Quý, khu chung cư nhà ở phường Việt Hòa… Các công trình, dự án đã và đang được xây dựng, đem lại diện mạo đô thị khang trang.
Nếu như trước đây, người dân thành phố thường phấp phỏng lo sợ cảnh nước ngập sau mỗi trận mưa lớn thì hiện nay hệ thống cấp nước, thoát nước đã được đầu tư đồng bộ hơn.
Thành phố tập trung cải tạo hệ thống thoát nước, đặc biệt là dự án cải tạo hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố. Dự án này đã thay thế hệ thống thoát nước cũ, xây dựng hệ thống giếng tách, cống bao và các trạm bơm chuyển tiếp đưa về trạm xử lý nước thải.
Xây dựng TP Hải Dương phát triển văn minh, hiện đại và bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được cấp ủy đảng, chính quyền thành phố tập trung chỉ đạo.
TP Hải Dương hôm nay đã mang dáng dấp của một đô thị năng động, bề thế. Đây là động lực để thành phố vững bước trong thời kỳ hội nhập sâu rộng, hướng tới mục tiêu đến năm 2030, TP Hải Dương sẽ là đô thị công thương, đô thị sống khỏe, đô thị sáng tạo, thân thiện và đô thị an toàn, an tâm.
LAN NGUYỄN