Băng 'Đầu rắn' buôn người từ Trung Quốc sang Anh thế nào?
Bình luận - Ngày đăng : 11:48, 26/10/2019
Camera giám sát của Cơ quan bảo vệ biên giới Canada (CBSA) cho thấy cảnh một “đầu rắn” dẫn đầu một nhóm người Trung Quốc đi vào tỉnh bang British Columbia trái phép hồi tháng 6.2015
Sau khi cải cách và mở cửa, 3 tỉnh duyên hải của Trung Quốc là Phúc Kiến, Quảng Đông và Chiết Giang đã trở thành những điểm nóng buôn người của nước này.
Trong số này, các vụ buôn người xuất phát từ Phúc Kiến là nổi tiếng nhất. Tại Phúc Kiến, nhiều người sống trong cảnh nghèo khó và luôn mơ ước thay đổi số phận.
Đằng sau mỗi vụ buôn người đều có một "đầu rắn lớn" kiểm soát toàn cục. Họ thường là những "người tiên phong" đã ra nước ngoài và có được quốc tịch nước ngoài hoặc quyền cư trú dài hạn.
Trong số này, bà Trịnh Thúy Bình - một người gốc Phúc Kiến điều hành các hoạt động buôn người tới New York vào cuối thập niên 1980 và 1990 - được xem là "mẹ của những đầu rắn". Bà Thúy Bình đã bị bỏ tù tại Mỹ và qua đời vào năm 2014.
Các "đầu rắn" sử dụng nhiều cách khác nhau, bằng cách dùng các hộ chiếu giả hay dùng tiền hối lộ để đưa khách hàng đi từ nước này sang nước khác cho đến khi nào tới được đích đến.
Họ cũng sử dụng các đoàn làm ăn giả và các nhóm du lịch. Chẳng hạn, một khách hàng sẽ phải di chuyển liên tục từ Trung Quốc đại lục tới Macau, sang Hàn Quốc rồi tiếp tục được đưa tới Anh.
Nói chung các trạm trung chuyển rất đa dạng. Các vụ phá án của cảnh sát Pháp và Tây Ban Nha năm 2013 cho thấy người đứng đầu một nhóm buôn người như thế này hoạt động ở Barcelona (Tây Ban Nha) thu mỗi khách hàng từ 40.000-50.000 euro, đảm bảo các giấy tờ giả cho họ. Toàn bộ quá trình sẽ được "đầu rắn" chỉ đạo.
Trong khi đó, khách hàng sẵn sàng vượt qua chuyến hành trình khó khăn, dù bị nhồi nhét trong các thùng xe tải, thiếu nước hay thiếu thức ăn... miễn là tới được chân trời mới.
Lâm Chấn, một cư dân khoảng 40 tuổi ở thành phố Phúc Thanh thuộc tỉnh Phúc Kiến, kể lại vào cuối thập niên 1990, một người anh bà con của anh được "đầu rắn" đưa sang Anh. Người này biệt tăm biệt tích trong hơn 3 tháng sau đó. Sau này, Lâm Chấn mới biết được "đầu rắn" không cho phép khách hàng liên hệ với gia đình cho tới khi đến nơi.
Sau khi đến được Anh, người anh bà con đã điện về nhà để thông báo bình an vô sự và kể lại cuộc hành trình gian nan của mình: băng qua sa mạc để đến Nga, rồi tiếp tục đi qua một nước nhỏ ở Đông Âu, sử dụng mọi phương tiện như xe tải để băng qua lục địa Á - Âu và cuối cùng đến được Anh. Người này đã ở lại Anh 10 năm sau đó trước khi quay về nước.
Trong khi đó, hầu hết gia đình muốn đổi đời sẽ tuân theo quy tắc: Sau khi đến được Anh hay các nước khác, thế hệ đầu tiên sẽ làm việc tại các nhà hàng, gửi tiền về nhà, thanh toán những khoản nợ được dùng để ra nước ngoài...
Tiếp đến, sau khi có được quyền cư trú vĩnh viễn, họ xin đón gia đình ra nước ngoài và đây là thế hệ thứ hai tiếp quản công việc làm ăn của thế hệ thứ nhất. Thế hệ thứ ba sẽ được sinh ra rồi ăn học ở nước ngoài và trở thành công dân ở nước đó.
Theo Tuổi trẻ