Thúc đẩy chế biến, tiêu thụ nông sản Hải Dương trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Công nghiệp - Ngày đăng : 13:28, 26/10/2019

Sáng 26.10, UBND tỉnh phối hợp với Bộ NN-PTNT tổ chức hội thảo thúc đẩy chế biến, tiêu thụ nông sản tỉnh Hải Dương trong bối cảnh hội nhập quốc tế.


Quang cảnh hội thảo

Đồng chí Trần Thành Nam, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT); Tham tán kinh tế EU, Tham tán và Bí thư thứ nhất phụ trách nông nghiệp Đại sứ quán các nước Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản tại Hà Nội; lãnh đạo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tới dự.

Về phía Hải Dương có đồng chí Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Phạm Xuân Thăng, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Quang Phúc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh và đại diện các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản tới dự.


Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam phát biểu chỉ đạo tại hội thảo

Phát biển khai mạc hội thảo, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Anh Cương khẳng định với hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất khá hoàn chỉnh, Hải Dương là tỉnh có tiền năng trong phát triển nông nghiệp.

Năm 2018, nhóm ngành nông nghiệp đã đóng góp 0,6% trong tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh, đạt 18.318 tỷ đồng. Hằng năm, tỉnh sản xuất khoảng 800.000 tấn lúa gạo, 900.000 tấn rau củ, trong đó có nhiều sản phẩm thế mạnh, đặc sản như vải thiều, nếp cái hoa vàng, hành tỏi, cà rốt...

Ngoài ra, tỉnh còn có số lượng gia súc, gia cầm, thủy sản lớn được quy vùng sản xuất tập trung với sản lượng thịt hơi đạt 120.000 tấn và 65.000 tấn thủy sản/năm. Những năm qua, dựa trên lợi thế sẵn có Hải Dương đã định hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa, tập trung, áp dụng quy trình VietGAP để tạo ra sản phẩm an toàn.

Từ nền tảng này, tỉnh đã xây dựng các chuỗi liên kết giá trị, góp phần nâng cao năng lực tổ chức sản xuất và tăng tính bền vững trong tiêu thụ nông sản.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Anh Cương khẳng định hội thảo lần này sẽ là cơ hội để tỉnh nhìn lại thực tiễn phát triển nông nghiệp, nhận diện rõ hơn những lợi thế cũng như khó khăn để tìm ra giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế.


Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Anh Cương phát biểu khai mạc tại hội thảo

Đây cũng là dịp để kết nối giao thương, thu hút cộng đồng doanh nghiệp đầu tư và sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản. Từ đó, nâng cao vị thế của nông sản Hải Dương tại thị trường trong nước và quốc tế.

Tại hội thảo, các đại biểu tham luận cho rằng khi hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng thì với những tiềm năng trong sản xuất nông nghiệp, Hải Dương đang đứng trước cơ hội lớn để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững sản phẩm nông nghiệp.

Tuy nhiên, đây cũng là thách thức lớn, nếu tỉnh không tận dụng được thời cơ sẽ có thể thua ngay trên sân nhà.

Hải Dương cần có cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển chế biến, bảo quản nông sản.; đón đầu các công nghệ chế biến, bảo quản nông sản tiên tiến, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của khách hàng trong nước và quốc tế.

Tỉnh cần tăng cường kết nối các doanh nghiệp bảo quản, chế biến với đơn vị sản xuất, cung cấp nông sản để nâng cao giá trị kinh tế của ngành nông nghiệp.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng NN-PTNT Trần Thanh Nam ghi nhận những nỗ lực của Hải Dương trong việc xúc tiến, tiêu thụ nông sản. Song tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế khi chưa thực hiện chế biến sâu đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Thời điểm này là cơ hội để Hải Dương thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến, bảo quản nhằm nâng cao chất lượng nông sản, tăng khả năng cạnh tranh.


Các đơn vị ký biên bản ghi nhớ về hợp tác sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản

Trước những đòi hỏi của điều kiện sản xuất mới, yêu cầu của thị trường, Hải Dương cần đẩy mạnh việc quy vùng nguyên liệu nông sản xuất khẩu, áp dụng công nghệ để làm ra các sản phẩm đồng đều về mẫu mã, chất lượng. Việc kết nối thị trường phải được quan tâm hàng đầu, trong đó xây dựng thương hiệu là giải pháp then chốt.

Tỉnh cũng cần có cơ chế hấp dẫn, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến, bảo quản nông sản. Có như vậy, Hải Dương mới khai thác được tối đa thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp.

Tiếp thu ý kiến của Thứ trưởng NN-PTNT Trần Thanh Nam, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Anh Cương cam kết tỉnh sẽ vận dụng linh hoạt những ý kiến đóng góp tại hội thảo để xây dựng định hướng sản xuất phù hợp, góp phần đưa ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển ổn định, bền vững.

Tại hội thảo, các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trong và ngoài tỉnh đã đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản.

TIẾN HUY - NGUYỄN MƠ