Tận thu phí tham quan vịnh Hạ Long là tự hại mình
Kinh tế - Ngày đăng : 15:08, 26/10/2019
Ngày 22.10, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh lữ hành, dịch vụ du lịch đang hoạt động trên địa bàn Quảng Ninh nhận được văn bản xin ý kiến cho dự thảo đề án điều chỉnh tăng mức thu phí tham quan vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.
Ép doanh nghiệp vào "sự đã rồi"
Theo kế hoạch của Ban Quản lý vịnh Hạ Long, phí tham quan ban ngày (tàu rời bến tham quan từ 6 giờ 30 đến 16 giờ 30 cập bến) có mức tăng trung bình 22%; phí tham quan, lưu trú nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long (thời gian lưu trú tối đa 1 đêm là 24 giờ kể từ thời điểm xuất bến) có mức tăng trung bình 63%. Cụ thể: tham quan tuyến 2 và lưu trú 1 đêm tăng từ 550.000 đồng/người/đêm lên 950.000 đồng/người/đêm (tăng 73%); tuyến 2 và lưu trú 2 đêm tăng từ 750.000 đồng/người/đêm lên 1.200.000 đồng/người/đêm (tăng 60%); tuyến 3, 1 đêm và tuyến 4, 1 đêm, tăng từ 500.000 đồng/người/đêm lên 800.000 đồng/người/đêm (60%); tuyến 3, 2 đêm và tuyến 4, 2 đêm, tăng từ 650.000 đồng/người/đêm lên 1.050.000 đồng/người/đêm (tăng 62%).
Du khách tham quan vịnh Hạ Long
Điều đáng nói là Ban Quản lý vịnh Hạ Long gửi văn bản cho các DN theo kiểu đặt họ vào hoàn cảnh "sự đã rồi". Theo văn bản này, ban quản lý đề nghị các bên góp ý kiến bằng cách ghi rõ nhất trí, không nhất trí hoặc ý kiến khác. Ban quản lý tiếp nhận ý kiến chậm nhất tới 16 giờ 30 ngày 25.10. Điều này có nghĩa các DN có 3 ngày để suy nghĩ và gửi lại câu trả lời. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều công ty lữ hành cho hay họ không nhận được văn bản này mà phải lấy thông tin từ các nguồn khác, như đơn vị kinh doanh tàu du lịch hoặc người nọ báo tin cho người kia. "Thời gian để các DN trả lời quá ngắn. Ngày 22 đưa ra thông báo, ngày 23 phát đi, tới ngày 24 nhiều DN mới nhận được. Vậy mà yêu cầu ngày 25 phải phản hồi, nếu không thì coi như đồng ý. Cách làm như vậy không khác gì bắt ép DN, không thể chấp nhận được" - chủ một DN lữ hành bức xúc.
Trước phản ứng của các DN, chiều 25-10, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản yêu cầu Ban Quản lý vịnh Hạ Long tạm dừng việc triển khai các bước điều chỉnh vé tham quan vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long. UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo thời điểm hiện tại, để bảo đảm việc kích cầu du lịch hiệu quả, thu hút khách đến với Hạ Long, Quảng Ninh, đặc biệt là vào mùa đông, Ban Quản lý vịnh Hạ Long phải tạm dừng việc thực hiện các quy trình tăng giá vé. Thay vào đó, tiếp tục thực hiện tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các điểm đến, nâng cao chất lượng sản phẩm trên địa bàn cho đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Làm xấu hình ảnh du lịch Việt
Việc Ban Quản lý vịnh Hạ Long nhiều năm nay liên tục đề xuất tăng phí tham quan khiến các DN phản ứng dữ dội. Tháng 4.2017, phí lưu trú trên vịnh Hạ Long đã tăng 275% cho 2 đêm và 200% cho 1 đêm so với trước đó. Mức tham quan và lưu trú tăng thêm đã khiến các công ty du lịch cũng như du khách bức xúc bởi giá dịch vụ tăng cao bất hợp lý, trong khi chất lượng dịch vụ không tăng.
Đến tháng 8.2018, Ban Quản lý vịnh Hạ Long lại tiếp tục đề xuất tăng phí ra vào vịnh từ ngày 1.1.2019. Chủ một DN lữ hành cho rằng Hạ Long đang tận thu "quá dày" và việc tăng phí vô căn cứ sẽ làm giảm sức cạnh tranh, giảm lượng khách đến Hạ Long. "Ỷ thế độc quyền, tận thu là cách tự hại mình nhanh nhất vì sẽ mất khách, không ai thèm đến" - chủ DN này nói.
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch, nhìn nhận việc tăng phí có thể gây tâm lý không tốt cho du khách và làm xấu đi hình ảnh điểm đến. Theo chuyên gia này, cần thận trọng và cân nhắc khi tăng và việc tăng phí phải đi liền với nâng cao chất lượng dịch vụ để du khách cũng như các hãng, công ty du lịch cảm nhận được sự hợp lý. Tuy nhiên trên thực tế, vịnh Hạ Long vẫn còn nhận nhiều than phiền về độ an toàn của tàu thuyền hay các vấn đề liên quan đến bảo vệ cảnh quan, môi trường, rác thải.
Ông Hoàng Nhân Chính phân tích thêm, điều khiến các DN du lịch "sốc" với đề án tăng phí chính là việc tăng không được đưa vào kế hoạch dài hạn, có lộ trình. Thông thường, DN du lịch bán tour ít nhất trước 3-6 tháng. Với các tour nội địa thì việc xây dựng giá là trước ít nhất 3 tháng, còn với khách quốc tế thì cần tới 6 tháng, thậm chí 1 năm. Do đó, việc tăng phí đột ngột không chỉ khiến các công ty lữ hành thiệt thòi vì họ không thể điều chỉnh giá do đã cam kết từ trước mà các đơn vị kinh doanh tàu du lịch trên vịnh cũng bị mang tiếng tự tiện thay đổi giá, tạo hình ảnh xấu cho các đơn vị kinh doanh tại điểm đến.
Theo Người lao động