Nghệ sĩ Việt: ''Dán nhãn 18+ phim truyền hình cần triệt để, hợp lý''
Văn hóa - Giải trí - Ngày đăng : 16:02, 26/10/2019
ài năm trở lại đây, phim truyền hình Việt mở rộng và phát triển theo cả nội dung lẫn thể loại. Những đề tài thường thấy ở nước ngoài ít được khai thác ở Việt Nam như phim xã hội đen, tâm lý tội phạm, phim ngôn tình dần được cập nhật để đáp ứng nhu cầu của khán giả hiện đại. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất còn đầu tư về chất lượng cũng như dàn diễn viên “hot” để thu hút sự chú ý.
Tuy nhiên, đi kèm với đó là những tranh cãi về nội dung, hình ảnh. Những bộ phim như Người phán xử, Quỳnh búp bê hay mới đây là Tiếng sét trong mưa tuy được khen về nội dung nhưng đều gây tranh cãi vì những cảnh nóng, bạo lực không phù hợp với khán giả nhỏ tuổi. Việc này khiến dư luận cho rằng phim Việt đang ngày càng táo bạo và đã đến lúc cần phải dán nhãn, phân loại khán giả theo độ tuổi.
“Dán nhãn là tốt, nhưng phải triệt để và hợp lý”
Trả lời phóng viên, đạo diễn, NSƯT Đỗ Thanh Hải ủng hộ dán nhãn phim. Tuy nhiên, ông cho rằng cần phải có quy định, hướng dẫn cụ thể cho việc này. “Dán nhãn là đúng. Nhưng cần phải quy định rõ thế nào là nhạy cảm, thế nào là bạo lực. Giống như ngày xưa từng có quy định mặc váy không được ngắn trên bao nhiêu phân nhưng có thực hiện được đâu. Văn hoá nghệ thuật phải có sự đồng hành giữa các bên để tác phẩm đến với công chúng theo cách tốt nhất”.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho rằng cần phải có quy định, hướng dẫn cụ thể cho việc dán nhãn phim truyền hình |
Đạo diễn, NSND Khải Hưng, cựu Giám đốc VFC cũng ủng hộ chuyện dán nhãn nhưng khá bi quan trước tác dụng của việc này. "Phim bây giờ thể loại đa dạng, nên dán nhãn thì tốt hơn. Nhưng tôi nghĩ có khi dán vào rồi cũng vẫn thế, còn phụ thuộc vào dân trí", đạo diễn Khải Hưng chia sẻ.
Diễn viên Doãn Quốc Đam, người từng diễn xuất trong Quỳnh búp bê - bộ phim truyền hình duy nhất được dán nhãn ở Việt Nam - cho rằng đây là điều cần thiết nhưng phải được làm triệt để.
“Theo tôi thì đây là một điều rất tốt. Cũng nên dán nhãn để khán giả có lựa chọn xem hay không xem. Nhưng nếu như ở ngoài rạp có thể kiểm soát rõ ràng những ai được vào rạp thì truyền hình lại không được như vậy”, nam diễn viên cho biết.
“Những bạn chưa đủ độ tuổi cho phép thì phải có sự cho phép của bố mẹ nhưng không phải ai cũng có thể giám sát 24/24 con mình xem cái gì. Việc gán mác cần phải được triệt để từ tất cả", Doãn Quốc Đam nói thêm.
Không nên dán nhãn vì sẽ làm điện ảnh trở nên khô cứng?
Trái ngược với các ý kiến trên, NSND Trọng Trinh hoàn toàn không đồng ý với việc dán nhãn. Ông chia sẻ: “Nếu như có sự dán nhãn thì sẽ làm cho phim ảnh trở nên khô cứng. Chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng, nơi mà mọi nội dung đều có thể được các bạn trẻ tìm thấy ở trên mạng. Họ quan tâm đến rất nhiều thứ chứ không phải chỉ xem mỗi phim ngôn tình đâu”.
Thanh Hương lại không đồng tình với ý kiến dán nhãn phim truyền hình |
Vị đạo diễn kiêm diễn viên cho rằng không nên phân loại khán giả theo độ tuổi mà nên để cho người xem tự chọn lọc những nội dung mình thích. Nghệ sĩ chia sẻ: “Nếu dán nhãn thì đồng nghĩa chúng ta chấp nhận sự đóng đinh. Những người thích và hiểu những dòng phim gai góc sẽ trụ lại còn những ai không thích, không hiểu sẽ tự động chuyển kênh. Nên để khán giả tự lựa chọn, như vậy sẽ tốt hơn”.
Tương tự, Thanh Hương chia sẻ: “Theo tôi không nên dán nhãn và phân loại phim. Khi một bộ phim được phát sóng có nghĩa là tác phẩm này đã trải qua các khâu kiểm duyệt kỹ càng và chặt chẽ rồi".
"Những gì khán giả thấy trên màn hình chỉ vừa đủ chứ không có gì bị làm quá cả. Ở góc độ là người diễn viên, những đề tài nóng, hot, thậm chí là nhạy cảm sẽ tạo điều kiện cho các nghệ sĩ rèn luyện mình và cống hiến cho khán giả nhiều hơn”, nữ diễn viên cho biết.
Việc dán nhãn phim truyền hình ở nước ngoài
Dù nghe có vẻ phiền toái và khó thực hiện nhưng trên thực tế, việc kiểm soát triệt để độ tuổi xem truyền hình được các nước trên thế giới áp dụng có hệ thống và quy định cụ thể từ lâu. Nước Anh khởi động hệ thống phân loại tuổi từ năm 1912, Pháp làm điều này từ năm 1961 còn Mỹ là năm 1968.
Cụ thể, tại Anh có một tổ chức phi chính phủ là Hội đồng Phân loại phim Anh Quốc (BBFC), chịu trách nhiệm phân loại phim cho rạp chiếu, truyền hình và các loại hình khác như video, DVD, kỹ thuật số.
Với truyền hình miễn phí, bất kỳ ai có tivi cũng xem được thì BBFC áp dụng hình thức phân luồng (Watershed), kéo dài từ 21h đến 5h30 sáng để kiểm soát việc phát sóng trên truyền hình. Ngoài thời gian này, nội dung không phù hợp với trẻ em (cảnh nóng, bạo lực, ngôn từ tục tĩu...) không được phát.
BBFC từng dùng mẫu giấy chứng nhận kiểm duyệt để dán nhãn phân loại phim |
Các khung giờ trong Watershed cũng được phân chia rất rõ ràng: phim cho khán giả 15 tuổi trở lên chiếu sau 21h, phim cho khán giả 18 tuổi trở lên chiếu sau 22h. Phim có cảnh nóng nhưng không đến mức gợi dục thì được chiếu sau giờ Watershed (từ 21 giờ đến 5 giờ 30 sáng hôm sau). Cảnh quay làm tình có thể được chiếu ngoài giờ nếu có “mục đích giáo dục nghiêm túc”.
Đối với truyền hình thuê bao, các kênh thuê bao có thể chiếu phim có nội dung tình dục người lớn từ 22 giờ đến 5 giờ 30 nhưng phải có mã PIN nhập vào thì mới xem được.
Trong hệ thống này còn có thêm gói nội dung “trả tiền thêm ngoài thuê bao”. Với dạng này thì phim 18+ có thể chiếu bất kỳ lúc nào nhưng phải cũng phải có mã PIN. Ngoài ra còn có các thủ tục khác như khuyến cáo người xem trước khi chiếu, hoá đơn tính tiền phải ghi rõ xem giờ nào.
Pháp cũng áp dụng hệ thống tương tự để kiểm soát nội dung trên truyền hình. Họ có một Hội đồng cấp cao phụ trách nội dung nghe nhìn (CSA) do đảng Xã hội Pháp thành lập để phân loại và dán nhãn phim.
Theo đó, những bộ phim dán nhãn -10 (không dành cho người dưới 10 tuổi) không được phát sóng trên kênh truyền hình dành cho trẻ em. Nhãn -12 (không dành cho người dưới 12 tuổi) chỉ được phát sóng từ 22h đến 22h30 nhưng một vài chương trình có mục đích giáo dục có thể được miễn trừ.
Pháp sử dụng 4 nhãn mác để phân loại độ tuổi phim truyền hình |
Nhãn -16 (không dành cho người dưới 16) chỉ được chiếu từ 22h30 đến nửa đêm và những chương trình giáo dục hợp lý được miễn. Nhãn -18 (không dành cho người dưới 18) chỉ được chiếu giới hạn từ nửa đêm đến 5h sáng trên một vài kênh nhất định. Việc truy cập vào những chương trình này yêu cầu phải có mật khẩu cá nhân.
Tất cả nhãn dán này phải xuất hiện dạng mờ xuyên suốt trương trình. Nếu không có nhãn nào thì được hiểu là chương trình dành cho mọi độ tuổi.
Năm 2017, Đài Loan đã cải tiến hệ thống phân loại độ tuổi truyền hình. Họ quy định rõ những nội dung nào cần phải dán và phân chia thành các mốc độ tuổi cụ thể.
Ví dụ, mác 15+ dành cho người trên 15 tuổi áp dụng cho chương trình chứa các nội dung như ghi lại hình ảnh phạm tội, xuất hiện máu, bạo lực, thể hiện sự thật xa lạ, khác thường hoặc những dạng làm méo mó xã hội có thể tạo ra ấn tượng tàn bạo hoặc gây hoảng loạn...
Mác 18+ chỉ dành cho người trên 18 và phải phát sóng qua bước truy cập yêu cầu mật mã. Nhãn dán này dành cho những nội dung bao gồm ghi lại quá trình đánh bạc, sử dụng hoặc buôn lậu chất kích thích, cướp, bắt cóc, giết người hoặc các hành vi phạm tội khác, sự thể hiện cụ thể hình ảnh tự tử.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, mới chỉ có một bộ phim duy nhất được dán nhãn và khuyến cáo người xem dưới 18 tuổi là Quỳnh búp bê, bộ phim đề tài gái mại dâm lên sóng tháng 7.2017.
Sau một thời gian tạm dừng, bộ phim quay trở lại trên VTV3 trong khung giờ mới từ 21 giờ 30 là 22 giờ 30, muộn hơn so với khung giờ cũ là 20 giờ 30 đến 21 giờ 30. Nhà sản xuất bổ sung dòng khuyến cáo ở đầu phim với nội dung: “Trong phim có một số nội dung, hình ảnh không phù hợp với khán giả dưới 18 tuổi, khuyến cáo nên có sự giám sát của phụ huynh khi xem”.
Hồi năm 2017, những tưởng việc bị gián đoạn đột ngột trên VTV1 khi mới chiếu được 7 tập sẽ khiến Quỳnh búp bê bị ảnh hưởng nhưng khi quay trở lại, phim thậm chí còn tạo ra cơn sốt lớn hơn. Kể từ khi lên sóng trở lại, suốt gần 3 tháng trời bộ phim này liên tục trở thành tâm điểm của sự bàn tán.
Quỳnh búp bê trở nên hot hơn bao giờ hết sau khi được dán nhãn 18+ |
Với đề tài gai góc, cách làm trực diện cùng hình ảnh và lời thoại chân thực không e ngại, Quỳnh búp bê đạt rating kỷ lục 15%, vượt xa con số 5,42% của bộ phim hot năm trước đó là Người phán xử. Tên phim liên tục xuất hiện trong top từ khoá tìm kiếm của Google sau mỗi tập phát sóng, thậm chí có thời điểm được tìm kiếm tới 2 triệu lần. Các clip trích đoạn Quỳnh búp bê cũng thường xuyên nằm trong top các video được quan tâm nhất trên YouTube.
Trong bối cảnh phim truyền hình Việt Nam nỗ lực để cập nhật các đề tài mới lạ trên thế giới. Việc có nên áp dụng biện pháp phân loại, dán nhãn giống với thế giới cũng là một vấn đề cần được bàn luận.
Theo Zing.vn