Cách ăn uống cho người viêm gan

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 12:51, 27/10/2019

Người bệnh gan nên ăn thực phẩm ít chất béo, nhiều chất đạm từ thực vật, chất bột - đường, rau quả tươi, hạn chế mỡ dầu và gia vị.

Theo bác sĩ Bùi Hữu Hoàng, Khoa Tiêu hóa Gan Mật, Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, gan được ví như một "nhà máy" chế biến thực phẩm, biến đổi thành các chất dinh dưỡng và năng lượng cần thiết cho cơ thể. Vì vậy, các bệnh về gan, đặc biệt là viêm gan có thể ảnh hưởng đến việc ăn uống và ngược lại.

"Dinh dưỡng sai cách có thể làm cho bệnh gan bị nặng thêm. Do đó, việc ăn uống đúng cách cũng được xem là một phương pháp điều trị không dùng thuốc", bác sĩ Hoàng nói.

Người bị viêm gan cần thực hiện một chế độ ăn uống cân đối giữa các thành phần chất đường, chất béo, chất đạm và các vitamin, khoáng chất. Ngoài ra, kết hợp các biện pháp nghỉ ngơi, điều tiết làm việc, sinh hoạt thể lực sao cho phù hợp để tăng cường sức lực, giúp người bệnh mau hồi phục.

Chế độ ăn cho người viêm gan cấp

Trong viêm gan cấp, tế bào gan bị phá hủy cấp tính, thường biểu hiện bằng các triệu chứng như mệt mỏi, chán ăn, ăn không tiêu, sình bụng, tiêu chảy, hay bị nôn ói. Người bệnh không kiêng ăn quá mức, áp dụng chế độ nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý, đảm bảo cơ thể được cung cấp đủ năng lượng để gan hồi phục nhanh.

Người bệnh nên chọn nhóm thực phẩm dễ hấp thu và tiêu hóa như gạo, ngũ cốc, đường, mật ong, hoa quả ngọt, các chất bột - đường. Riêng chất đạm, chọn các loại có giá trị dinh dưỡng cao nhưng ít chất béo như lòng trắng trứng (không ăn lòng đỏ trứng), các loại thịt cá nạc, sữa không béo, đậu hũ. Lượng đạm cần cung cấp đầy đủ như một người bình thường là 50 - 70 g mỗi ngày.

Tuy nhiên, nếu bị viêm gan quá nặng, có triệu chứng lơ mơ báo hiệu tình trạng sắp bị hôn mê thì phải giảm lượng đạm dưới 40 g mỗi ngày vì các chất sinh ra từ chất đạm không được gan đào thải, sẽ tích tụ trong máu gây ảnh hưởng đến hoạt động của não.

Đối với chất béo, nên giảm bớt, không kiêng hoàn toàn. Không ăn thức ăn có nhiều cholesterol như óc, tim, gan, lòng heo, lòng đỏ trứng vì sự bài tiết mật có thể bị giảm nên không tiêu hóa hết các chất béo. Chất béo chỉ sử dụng khoảng 10% tổng năng lượng, tương đương khoảng 15 g mỗi ngày.

Bên cạnh đó, người bệnh cần ăn nhiều rau quả tươi, cung cấp chất khoáng và các vitamin như A, B, C, E... giúp chuyển hóa gan tốt hơn. Đặc biệt, không uống rượu bia và các thức uống có cồn cho đến khi gan hồi phục hoàn toàn.

Nên chia thành các bữa ăn nhỏ trong ngày, ăn từng ít một, đừng ăn quá no. Người bệnh viêm gan thường hay bị chán ăn và nôn ói vào buổi chiều nên có thể ăn nhiều hơn vào buổi sáng, ăn nhẹ hoặc uống sữa vào chiều tối để tránh tình trạng đầy bụng và nôn sau khi ăn. Khi gan hồi phục hoàn toàn, có thể ăn uống trở lại như bình thường.

Nếu bệnh nhân nôn ói liên tục hoặc tiêu chảy nhiều, cần được nhập viện để truyền dịch và nuôi ăn bằng đường truyền tĩnh mạch. Trong trường hợp chỉ buồn nôn nhẹ có thể điều trị ở nhà bằng cách dùng một số thuốc chống nôn. Thận trọng khi sử dụng các loại thuốc có thể gây độc cho gan như an thần, thuốc giảm đau - chống viêm, paracetamol. Không tự ý sử dụng thuốc khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.

Chế độ ăn cho người viêm gan mạn tính

Khi gan bị viêm mạn tính, hầu hết các người bệnh đều không có triệu chứng đặc biệt. Họ vẫn cảm thấy bình thường dù gan có thể đã bị hư hại ngày một nặng. Một số người bệnh có cảm giác mệt mỏi và ăn uống kém.

Chế độ ăn vẫn phải cân đối giữa các chất đường, đạm, béo. Việc ăn uống đủ chất giúp người bệnh có đủ sức chống chọi với tình trạng nhiễm trùng, các tác dụng phụ do quá trình điều trị gây ra. Khi vẫn còn cảm giác ăn uống, tiêu hóa bình thường, chưa bị phù, người bệnh không cần thiết phải kiêng ăn quá mức.

Bệnh nhân viêm gan mạn cần hạn chế sử dụng thức ăn quá nhiều gia vị và dầu mỡ sẽ gây khó tiêu. Dù bị bệnh gan do bất kỳ nguyên nhân nào thì cũng không nên uống rượu bia, sẽ làm cho tình trạng viêm gan nặng hơn.

Người bệnh có thể uống mỗi ngày một viên thuốc bổ để cung cấp thêm các vitamin và khoáng chất cần thiết cho hoạt động bình thường của gan. Người bệnh viêm gan mạn do nghiện rượu, cần phải bổ sung thêm các vitamin nhóm B và acid folic. Nếu bị viêm gan C mạn tính, không nên ăn các thực phẩm chứa nhiều chất sắt hoặc các thuốc bổ có chứa sắt.

Người bệnh không kiêng quá mức khi gan chưa bị suy nặng. Tiếp tục chế độ dinh dưỡng cung cấp đủ năng lượng. Nên uống thêm thuốc bổ đa sinh tố và thận trọng khi sử dụng các loại thuốc. Tập thể dục, chơi thể thao vừa sức, tránh các công việc quá nặng nhọc.

Theo VnExpress