Đưa người học đi lao động nước ngoài, trường nghề lo trang bị kỹ năng
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 14:52, 28/10/2019
Hiện nay, nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp đào tạo nghề thực hiện liên kết đưa người học đi xuất khẩu lao động nước ngoài khá nghiêm túc.
Tuy nhiên, người lao động, phần nhiều xuất thân từ nông thôn, vốn thiếu nhiều kỹ năng. Bởi thế, các trường phải trang bị để khi xuất khẩu, họ đáp ứng yêu cầu làm việc ở nước ngoài.
Hệ cao đẳng của Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh liên kết với Công ty Esuhai và Kaizen Yoshida School xây dựng Chương trình việc làm Nhật Bản.
Để trợ giúp học viên sang Nhật làm việc, chương trình đào tạo phải tối ưu hoá từ sự kết hợp chương trình đào tạo kỹ năng nghề nghiệp của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và chương trình tiếng Nhật và văn hóa Nhật Bản để học viên có trình độ tiếng Nhật cấp độ N4, kỹ năng làm việc trong doanh nghiệp Nhật Bản.
Ông Nguyễn Văn Tài, Phòng Tuyển sinh của trường cho biết năm 2019, Công ty Esuhai phối hợp với trường tuyển chọn 340 học viên hệ cao đẳng chính quy tốt nghiệp đi thực tập kỹ năng tại Nhật Bản. Những học viên theo học chương trình này sau khi tốt nghiệp được doanh nghiệp Nhật Bản phỏng vấn tuyển dụng với thu nhập cao.
Theo ông Tài, hiện nay nhu cầu người học đi xuất khẩu lao động rất nhiều. Với chương trình việc làm Nhật Bản, học viên các khu vực miền Tây và miền Trung đăng ký rất nhiều. Tuy nhiên, người học lại thiếu nhiều kỹ năng và tác phong công nghiệp, thiếu sự kiên nhẫn, sự tỉ mỉ trong cách xử lý công việc.
"Chúng tôi muốn các em được học tập, rèn luyện, làm việc theo chuẩn Nhật Bản, qua đó có tác phong, thái độ làm việc chuẩn mực hơn. Sau khi về nước, các em sẽ là những thanh niên có tri thức, tay nghề, thái độ và tinh thần kỷ luật cao trong công việc để góp phần xây dựng đất nước"- ông Tài nói.
Ông Tài cho hay trong suốt quá trình tuyển chọn đầu vào, đào tạo, quản lý tại Nhật… phía công ty phối hợp đều có các bộ phận phụ trách trực tiếp nên không phải thông qua các tổ chức, cá nhân trung gian. Việc làm này giúp người lao động giảm thiểu rủi ro cũng như giảm chi phí khi tham gia chương trình.
Còn ông Trần Công Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Công nghệ Bách khoa cho biết trường đã phát triển trung tâm xúc tiến học bổng du học và lao động tại nước ngoài bằng cách liên kết với rất nhiều quốc gia phát triển để tạo thêm nhiều cơ hội cho người học như: Chương trình thực tập hưởng lương tại Singapore và Úc, học bổng hệ vừa học vừa làm tại Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Chương trình cao đẳng nghề thực tập hưởng lương tại Đức ...
Theo ông Nam, để người đi xuất khẩu lao động đáp ứng kỹ năng, khi nhập học, trường tổ chức các buổi định hướng và phân luồng những học viên có nguyện vọng đi du học và lao động tại nước ngoài để tập trung đào tạo tiếng và các kỹ năng cần thiết.
"Bên cạnh ngoại ngữ, người học thiếu kỹ năng liên quan về làm việc nhóm, tự giác và chủ động trong việc học và công việc. Do vậy, ngoài việc hỗ trợ đào tạo chuyên môn, ngôn ngữ, hoàn thiện các thủ tục hồ sơ giấy tờ cho người học, chúng tôi cũng tổ chức những buổi chia sẻ về công việc văn hóa, con người ở các quốc gia này. Những việc thuận và khó khăn khi học tập và làm việc ở nước ngoài để người học chuẩn bị hành trang và tâm lý vững vàng nhất khi ra nước ngoài"- ông Nam nói.
Ông Nam khẳng định các chương trình du học và thực tập hưởng lương của trường được triển khai dưới sự chấp thuận của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh. Các chương trình học bổng và thực tập quốc tế có sự chấp thuận và thống rõ ràng giữa 3 bên: Chính phủ - Nhà trường- Doanh nghiệp.
Về việc liên kết các trường ở nước ngoài, lãnh đạo nhà trường sẽ trực tiếp sang để tham khảo, lấy thông tin ý kiến sinh viên quốc tế đang học tại trường cũng như đánh giá chất lượng những đơn vị thực tập mà trường đang triển khai, sau đó mới tiến hành hợp đồng để bảo đảm môi trường học và thực tập chất lượng nhất. Hiện nay, mỗi năm, Trường Trung cấp Công nghệ Bách khoa đưa hơn 100 sinh viên đi nước ngoài, trong đó người đi chủ yếu ở các tỉnh đồng bằng sông cửu Long.
Tại Trường Cao đẳng Quốc tế TP Hồ Chí Minh, theo Hiệu trưởng Nguyễn Đăng Lý, có hai dạng đi xuất khẩu là theo diện thực tập sinh và kỹ sư ngắn hạn đến kỹ sư dài hạn sang Nhật Bản. Tuy nhiên, trường định hướng cho người học đi xuất khẩu theo dạng kỹ sư ngắn hạn. Với dạng này, người học phải hoàn thành 3 năm cao đẳng mới được đi xuất khẩu để có lương cao hơn, có hợp đồng lao động 5 năm trở lên và có quyền thi để làm công dân nước Nhật.
Ông Lý cho hay để đào tạo cho những người có nhu cầu đi Nhật, nhà trường dạy song song cả chương trình cao đẳng chính quy và thêm chuẩn nghề nghiệp Nhật Bản với yêu cầu tiếng Nhật đạt chuẩn N4.
"Những kỹ năng làm việc ở nước ngoài sẽ được dạy trong 3 năm liên tục. Người học phải được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để đáp ứng yêu cầu của đối tác. Trong quá trình đào tạo, chúng tôi tiếp cận từng em để tìm hiểu, tránh trường hợp khi ra nước ngoài làm ảnh hưởng tới môi trường làm việc"- ông Lý nói.
Theo ông Lý, thông qua công ty xuất khẩu lao động, hiện nay, nhà trường đào tạo một số ngành ở Nhật yêu cầu như chế biến thực phẩm, xây dựng, nấu ăn, nhà hàng khách sạn…
Theo Vietnamnet