Ban đại diện cha mẹ học sinh làm gì?
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:47, 29/10/2019
Điều 2 của Điều lệ Ban đại diện CMHS được ban hành kèm theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu: "Ban đại diện CMHS được tổ chức trong mỗi năm học, do cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh (sau đây gọi chung là CMHS) đang theo học ở từng lớp, từng trường cử ra để phối hợp với nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục". Có Ban đại diện CMHS lớp và Ban đại diện CMHS trường.
Điều 4 quy định về nhiệm vụ của Ban đại diện CMHS lớp gồm phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp và các giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh; phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp chuẩn bị nội dung của các cuộc họp CMHS trong năm học; tham gia giáo dục đạo đức cho học sinh; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập; giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác.
Ban đại diện CMHS lớp có quyền triệu tập các cuộc họp CMHS sau khi thống nhất với giáo viên chủ nhiệm lớp; tổ chức lấy ý kiến CMHS về biện pháp quản lý, giáo dục học sinh để kiến nghị với giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên bộ môn về biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục; phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục truyền thống, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao...
Như vậy, Ban đại diện CMHS có vai trò rất quan trọng. Trách nhiệm của tổ chức này cũng nhiều, quyền hạn không nhỏ.
Đọc điều lệ trên, rồi soi vào thực tế thì thấy rất thất vọng. Nhiều Ban đại diện CMHS hiện nay chỉ làm tốt được việc triệu tập các cuộc họp phụ huynh, phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp chuẩn bị nội dung của các cuộc họp này và vận động phụ huynh đóng tiền để tổ chức một số hoạt động ngoại khóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi cho học sinh.
Ban đại diện CMHS bỏ ngỏ các nhiệm vụ quan trọng khác như tổ chức lấy ý kiến phụ huynh về biện pháp quản lý, giáo dục học sinh để kiến nghị với giáo viên để nâng cao chất lượng giáo dục; giúp đỡ học sinh yếu kém, học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác...
Vì sao tổ chức này chưa làm tròn trách nhiệm của mình? Trước hết, để trục lợi từ lạm thu, không ít lãnh đạo nhà trường và thầy, cô giáo đã gây sức ép, lợi dụng Ban đại diện CMHS phục vụ ý đồ của mình.
Nhà trường không quan tâm phối hợp để Ban đại diện CMHS làm tròn chức trách của mình. Thứ hai, việc bầu chọn tổ chức này còn qua loa, hình thức; một số thành viên do nhà trường định hướng từ trước, không phải từ kết quả bầu chọn khách quan, dân chủ. Một số phụ huynh né tránh tham gia tổ chức này.
Do vậy, Ban đại diện CMHS nhưng lại không đại diện cho quyền lợi chính đáng, hợp pháp của đông đảo phụ huynh học sinh. Thứ ba, nhiều phụ huynh ngại nêu ý kiến tham gia với hoạt động của tổ chức này và nhà trường vì sợ ảnh hưởng đến việc học tập của con. Thứ tư, UBND các cấp, ngành giáo dục và đào tạo chưa quan tâm kiểm tra, giám sát việc thực hiện Điều lệ Ban đại diện CMHS nên không chấn chỉnh, xử lý được những hạn chế, thiếu sót.
Muốn các Ban đại diện CMHS hoạt động đúng vai trò, đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn là điều không đơn giản trong bối cảnh hiện nay. Các bên liên quan cần nhận rõ nguyên nhân của vấn đề, từ đó đề ra các giải pháp đồng bộ, quyết liệt.
Giải pháp quan trọng nhất phải xuất phát từ ý thức trách nhiệm của mỗi phụ huynh. Nếu mỗi người mạnh dạn nêu ý kiến, có trách nhiệm trong việc bầu chọn một Ban đại diện CMHS thực sự đại diện cho quyền lợi chính đáng, hợp pháp của phụ huynh thì tình hình sẽ dần thay đổi.
Nếu làm tốt vai trò, trách nhiệm, các Ban đại diện CMHS sẽ đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giáo dục.
NINH TUÂN