Thành công nhờ học nghề

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 09:34, 29/10/2019

Giữa lúc không ít người tốt nghiệp đại học ra trường rất khó tìm kiếm việc làm thì nhiều người tốt nghiệp các trường dạy nghề đã gặt hái thành công.

Bằng kiến thức nghề đã học, anh Nguyễn Thanh Tùng, công nhân Công ty TNHH Camex Việt Nam (Ninh Giang) đã đưa ra nhiều sáng kiến, cải tiến có lợi cho doanh nghiệp

"Đất dụng võ" trong doanh nghiệp

Sự phát triển không ngừng của các doanh nghiệp trong thời gian qua kéo theo nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất là lao động kỹ thuật có tay nghề. Nhiều công nhân kỹ thuật từng được đào tạo trong trường nghề đã phát huy được khả năng, đề xuất nhiều sáng kiến, cải tiến làm lợi cho doanh nghiệp.

Anh Dương Văn Dựng đang làm tại Công ty CP Sản xuất chế tạo và Thương mại Đức Anh (Kinh Môn). Trước đây, anh Dựng từng học chuyên ngành công nghệ chế tạo máy tại một trường dạy nghề ở Nam Định. Vốn kiến thức học được giúp anh có nhiều thuận lợi trong công việc. Anh đã đề xuất nhiều sáng kiến, cải tiến có giá trị làm lợi cho công ty.

Gần đây nhất, sáng kiến "Cải tiến kỹ thuật gia công chế tạo con lăn" của anh giúp giảm một nửa số nhân công và tăng gấp 3 lần số lượng sản phẩm làm ra so với trước đây, làm lợi cho công ty 550 triệu đồng mỗi năm. Hiện anh Dựng được lãnh đạo công ty tin tưởng giao đảm nhiệm chức Trưởng Phòng Kỹ thuật. 

Anh Nguyễn Thanh Tùng, công nhân Công ty TNHH Camex Việt Nam (Ninh Giang) cũng đã có những thành công. Anh từng học nghề cơ khí tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Sao Đỏ (nay là Trường Đại học Sao Đỏ).

Kể từ khi về Công ty TNHH Camex Việt Nam làm việc, anh Tùng đã đề xuất khoảng 30 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Có sáng kiến khi áp dụng đã làm lợi cho công ty hơn 1,6 tỷ đồng mỗi năm. 

Hiện nay, các trường nghề nói chung, trường nghề ở Hải Dương nói riêng đã có nhiều phương pháp đào tạo liên kết với doanh nghiệp. Do đó phần lớn học sinh, sinh viên của các trường sau khi tốt nghiệp đều có cơ hội việc làm cao trong doanh nghiệp. Tháng 12.2018, Trường Đại học Sao Đỏ tiến hành khảo sát tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp ở tất cả các hệ đào tạo.

Trong số 1.010 sinh viên có phản hồi với nhà trường, có tới 919 người sau khi ra trường có việc làm ngay, chỉ có 63 người chưa có việc làm. Đáng lưu ý, có đến 825 người trong số những người có việc làm kể trên vào làm trong khối doanh nghiệp.

Anh Vũ Huy Hòa, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường Cao đẳng Công thương Hải Dương (Cẩm Giàng) cũng cho biết tỷ lệ học sinh, sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp vào làm trong doanh nghiệp luôn chiếm số đông.

Điều này cho thấy các doanh nghiệp rất trọng dụng người lao động đã qua đào tạo trong các trường dạy nghề.

"Vốn" khởi nghiệp

Khởi nghiệp sau khi bước ra từ trường dạy nghề cũng giúp nhiều người thành công. Cách đây hơn 10 năm, anh Đinh Văn Sơn ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) vào TP Hồ Chí Minh theo học nghề sửa chữa ô tô. Sau khi ra trường, anh Sơn ở lại đây làm thuê cho các xưởng sửa chữa ô tô khoảng 2 năm.

Năm 2015, sau khi thấy đã tích lũy đủ kinh nghiệm, anh Sơn trở về TP Hải Dương mở xưởng sửa chữa ô tô. Nhờ có tay nghề tốt, làm việc tận tình, xưởng của anh Sơn luôn đông khách, tạo được uy tín với khách hàng.

Năm 2011, anh Phạm Văn Thành ở xã Đoàn Tùng (Thanh Miện) vào học nghề hàn tại Trường Cao đẳng Giao thông vận tải đường thủy I.

Sau khi tốt nghiệp, anh Thành nhờ người thân hỗ trợ để mở một cửa hàng chuyên về thiết kế, lắp ráp khung nhôm cửa kính tại huyện M’Đrắk (Đắk Lắk). Đến nay, cửa hàng của anh Thành đã phát triển ổn định, mang đến nguồn thu nhập khá.

Anh Nguyễn Xuân Hiếu, giáo viên lớp hàn Trường Cao đẳng Giao thông vận tải đường thủy I nhận định với những ngành nghề như hàn xì, điện, sửa chữa ô tô… người học sau khi ra trường có nhiều khả năng tự lập để phát triển kinh doanh.

Sau hơn 10 năm dạy học, anh Hiếu cho biết đến nay có không ít học sinh của anh đã phát triển theo hướng này ở cả nông thôn và thành thị.

NGỌC THANH