Thực phẩm Túc Mạch: Sạch từ trang trại đến bàn ăn
Kinh tế - Ngày đăng : 12:04, 30/10/2019
Các công đoạn chăm sóc, nhặt cỏ, bắt sâu... đều được thực hiện thủ công
Những năm gần đây, sản phẩm nông nghiệp sạch được người tiêu dùng quan tâm lựa chọn. Trước nhu cầu đó, anh Nguyễn Mạc Minh (TP Hải Dương) cùng 3 người bạn đã xây dựng trang trại Túc Mạch, hình thành mô hình sản xuất thực phẩm theo hướng hữu cơ và khép kín "sạch từ trang trại đến bàn ăn".
Không sử dụng hóa chất
Trang trại Túc Mạch được anh Minh và nhóm bạn xây dựng từ cuối năm 2017 với tổng diện tích 1,5 ha ở thôn Dương Xuân, xã Quyết Thắng (Thanh Hà). Với mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt, trang trại đã mang đến cho người tiêu dùng nguồn thực phẩm sạch. Quy trình chăm sóc ở đây khá khác biệt so với những trang trại khác.
Trang trại đang nuôi 2.500 con gà ri, gà đẻ trứng, ngoài ra còn có chim bồ câu, vịt... Trang trại liên kết với một doanh nghiệp chăn nuôi an toàn ở Hưng Yên để cung cấp lợn sạch cho người tiêu dùng... Thức ăn sử dụng trong chăn nuôi được pha trộn theo tỷ lệ và công thức riêng. Thành phần chính là ngô, cám gạo và men vi sinh để kích thích tiêu hóa của vật nuôi. Do không có chất tăng trưởng nên các vật nuôi trong trang trại chậm lớn hơn. Bù lại, vật nuôi đều có thịt thơm ngon hơn hẳn và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Mọi hoạt động chăn nuôi, trồng trọt trong trang trại đều khép kín. Phân gà, vịt và các loại phế phẩm khác được thu gom, ủ mục để làm phân hữu cơ. Cách làm này không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn giúp rau thêm xanh, nhiều dinh dưỡng. Tất cả các công đoạn chăm bón, nhổ cỏ, bắt sâu... đều được thực hiện bằng phương pháp thủ công, sử dụng các loại bẫy bắt côn trùng bằng công nghệ sinh học, các loại thuốc trừ sâu làm từ gừng, tỏi mà không sử dụng thuốc hóa học. Ngoài ra, việc trang trại trồng xen canh nhiều loại rau cũng là một biện pháp để hạn chế lây lan sâu bệnh.
Trước khi xây dựng trang trại Túc Mạch, anh Minh liên kết với một số hộ dân để lấy rau, thịt cung cấp cho cửa hàng nhưng sau một thời gian những hộ này không đáp ứng được yêu cầu khắt khe của quy trình chăm sóc nên đã phải dừng hợp đồng. Lúc đó anh Minh quyết định xây dựng trang trại riêng. "Ban đầu, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn do không có nhiều người am hiểu về nông nghiệp. Vì vậy, chúng tôi vừa làm vừa tìm tòi, học hỏi ở các trang trại hữu cơ khác. Túc Mạch chưa thực sự là trang trại hữu cơ nhưng chúng tôi cam kết cung cấp nguồn thực phẩm sạch, hoàn toàn không có hóa chất", anh Minh cho biết.
Người tiêu dùng tin tưởng
Thời gian đầu, để người tiêu dùng biết đến sản phẩm của trang trại, anh Minh và nhóm bạn phải đến từng nhà phát tờ rơi giới thiệu. Sau 1 năm kiên trì, thực phẩm sạch Túc Mạch đã được nhiều người tin dùng. Thịt lợn được giết mổ theo quy trình chuẩn châu Âu. Trước khi giết mổ, lợn được tắm sạch sẽ và mổ trong phòng lạnh, cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài. Thịt lợn được cắt ra thành từng miếng, đóng gói và hút chân không. Các loại rau, thịt gà... đều được thu hái, sơ chế, vận chuyển trong ngày. Hiện trang trại có 2 cửa hàng phân phối thực phẩm sạch ở TP Hải Dương và luôn có lượng khách hàng ổn định. Mỗi ngày, cửa hàng bán hết 1 con lợn (1 tạ) và 90 kg rau xanh. Tất cả các loại thực phẩm đều được tiêu thụ hết trong ngày.
Chị Đỗ Thị Hoa ở đường Tuệ Tĩnh (TP Hải Dương) cho biết: "Trước đây, tôi vẫn thường mua thực phẩm ngoài chợ. Được đồng nghiệp trong cơ quan giới thiệu mua hàng của Túc Mạch nên tôi mua thử và giờ thì thường xuyên mua về dùng. Mặc dù giá cao hơn một chút so với ngoài chợ nhưng chất lượng rau, thịt đều thơm ngon hơn và có nguồn gốc rõ ràng".
Không chỉ dừng lại ở việc bán thực phẩm sạch, anh Minh còn mở nhà hàng để thực khách được dùng đồ sạch Túc Mạch. Các món ăn của nhà hàng đều được chế biến từ chính các nông sản của trang trại, luôn tươi ngon và đúng thời vụ. Chỉ hơn 1 năm sau đi vào hoạt động, nhà hàng Túc Mạch ở đường Đỗ Ngọc Du đã thu hút 250 lượt khách/ngày.
Thời gian tới, trang trại Túc Mạch sẽ mở thêm 1 cửa hàng tiện ích cung cấp thực phẩm sạch để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
TRẦN HIỀN