Vợ chồng nghèo, chạy ăn từng bữa nuôi lớn 9 tiến sĩ, phó giáo sư

Đời sống - Ngày đăng : 15:05, 31/10/2019

Trong hoàn cảnh túng thiếu, gia đình ở Hà Nam vẫn luôn khuyến khích các con đến trường vì sự trân trọng với con chữ, với người thầy.

Câu chuyện quả bí ngô

Gia đình ông Nguyễn Văn Chuẩn (85 tuổi) và bà An Thị Dần (83 tuổi) nổi tiếng ở vùng đất Lý Nhân, Hà Nam. Các con, cháu của họ có 1 phó giáo sư, 8 tiến sĩ và 23 thạc sĩ.

‘Vợ chồng tôi có 10 người con, nhà nghèo nhưng tất cả đều được học đại học’, ông Chuẩn nói về quãng thời gian vất vả nuôi con thành tài của mình.

Chồng là giáo viên trường THPT, vợ làm nghề buôn bán. Cái nghèo đeo bám cuộc sống của họ trong suốt hàng chục năm khi 10 người con lần lượt ra đời.

Một góc nhà ngày xưa của ông Chuẩn, bà Dần

Ông kể, gia đình ông nghèo đến nỗi nhà không còn gì để ăn. Một lần, thầy hiệu trưởng trường cấp 3 đến thăm nhà khiến cả gia đình ông lúng túng.

Người con trai (hiện là phó giáo sư) thấy bố và khách nói chuyện, bèn đội quả bí ngô lên đầu, tay chỉ vào quả bí, ra hiệu hỏi xem có được phép nấu ăn không. Đó là thứ duy nhất còn lại trong nhà ông có thể ăn được.

Bố mẹ gật đầu, các con ông xúm vào luộc quả bí, đãi khách. Tuy nhiên nhà hết muối để chấm, người chị cả (giờ là giáo viên về hưu) lại sai người em trai thứ 9 (nay cũng là giáo viên về hưu) sang nhà hàng xóm vay muối.

Anh này chạy đi, rồi về nhà khóc tu tu vì bị hàng xóm mắng: ‘Nhà mày đến muối mà cũng không có để ăn à?’.

Bà An Thị Dần cũng nhớ lại, bà buôn đủ nghề vẫn không lo nổi cho các con ăn học nên thường xuyên phải vay nợ.

‘'Tôi nhớ có năm, cả nhà đi vắng chỉ có anh út ở nhà. Con hốt hoảng khi người ta đến dọa: ‘'Bố mẹ mày không trả nợ, tao dỡ nhà đấy'’.

Ngày giáp Tết, các con tôi thường bảo: ‘'Ngày Tết, người lạ đầy nhà mà mẹ thì ở ngoài đường’. Vì lúc đó người ta đến đòi nợ còn tôi vẫn cố buôn bán, kiếm thêm được chút gì cho con ăn'’, bà Dần nói, mắt nhòe đi.

Tiền học phí của cô bé lớp 3

Chị Nguyễn Thị Xuân, con gái thứ 4 của ông Chuẩn, hiện là giáo viên về hưu, cũng chia sẻ: ‘Kỷ niệm vào năm học lớp 3 khiến tôi không thể nào quên được’.

Ngày đó, lần đầu tiên cô giáo hỏi: '‘Em nào chưa nộp tiền học đứng dậy'’, các bạn đứng rất đông, lần 2 ít dần, lần 3 chỉ còn mỗi chị. Cô giáo bảo: '‘Không có tiền nộp thì đừng học nữa'’.

Chị Xuân bên bố mẹ

'‘Quãng đường từ trường về nhà khoảng 3km, tôi - một con bé 8 tuổi - vừa đi vừa khóc. Tôi nghỉ học 3 ngày. Ngày thứ 4, cô giáo đến bảo mẹ tôi: ‘Xuân học giỏi, để nó nghỉ thì phí quá, chị lại cho cháu đi học đi'’.

Thế là tôi được đến lớp. Sang năm lại thế, các cô chẳng buồn hỏi đến tôi nữa'’.

Chị cũng nhớ đến ‘kỳ tích’ chia cơm của mình. Gia đình có 14 người (10 con, 2 bố mẹ và bà, cô), mỗi bữa chỉ được nấu 1 bơ gạo, phải chia đủ 14 bát nên chị em chị tuyệt đối không được nấu cơm cháy vì rất khó chia.

‘Một lần, cậu em tôi đã ăn vụng một bát. Sau khi đếm đi đếm lại vẫn thấy thiếu, tôi phải lấy một ít cơm từ các bát để chia thêm bát nữa. Ăn xong, em mới thú nhận: ‘Nãy em ăn hai bát đấy’, vì đói quá. Chúng tôi phải đi bộ đến trường và lúc nào cũng trong tình trạng đói ăn’.

Chị Xuân chia sẻ, dù vậy, các anh em chị không bao giờ chán học và lúc nào cũng đạt học sinh giỏi.

'‘Chúng tôi chẳng có bí quyết gì, chỉ do nghèo đói quá thì phải học thôi'’.

Bí quyết trong gia đình có 8 tiến sĩ, 1 phó giáo sư

Dù nghèo nhưng ông bà Chuẩn luôn khuyến khích các con học hành. ‘10 đứa con, đứa nào tôi cũng đưa lên Hà Nội để thi đại học’, ông nói.

Ông nhớ nhất là lần đưa người con út lên Hà Nội đi Trường Đại học Thủy Lợi và Trường Đại học Sư phạm. ‘Nhà đã có con học Sư phạm Toán, Hóa, Sinh thiếu môn Lý nên tôi hướng con thi Sư phạm Lý’.

Lần đó, người con trai lớn của ông đang du học ở Liên Xô gửi về 1 chiếc vỏ chăn. Ông đi bán được ít tiền, dùng đó làm tiền đưa con lên Hà Nội nộp lệ phí thi, ăn uống trong vòng 1 tuần.

Ông Chuẩn và vợ

'‘Mỗi ngày 2 bố con chỉ ăn 1 bữa. Không có tiền thuê trọ, buổi trưa có tấm nilon trải dưới gốc cây cho con nằm, còn bố ngồi cạnh để gọi con đến giờ vào thi. Con đỗ 2 trường nhưng Trường Đại học Thủy lợi gọi trước, tôi cho con tiền học phí để nộp. Đến lúc Trường Đại học Sư phạm gọi nhập học, không còn tiền nộp, cháu đành học Thủy lợi dù gia đình tôi đều hướng các con theo ngành Sư phạm’', ông nói.

Ông có 10 người con thì 7 người theo nghành Giáo dục. Ông muốn con theo ngành này bởi sự trân trọng với cái chữ, với người thầy.

‘'Tôi không đánh con bao giờ. Chúng ngoan quá, có gì mà phải đánh mắng? Tôi đi dạy học, bà buôn bán, các con trong nhà đều tự bảo ban nhau ăn học'’.

Chị Xuân cũng kể, mẹ chị là người thông thái, dù không học cao nhưng thuộc nhiều thơ. Bà luôn dạy con yêu thương nhau, nỗ lực học tập bằng các bài thơ dân gian.

Người con gái đầu của ông bà vào đại học từ năm 1974, đến năm 1998, người con út tốt nghiệp là từng đó năm ông bà ròng rã nuôi các con học đại học.

Hiện, các con, cháu ông bà đều đã thành đạt, có nhiều người làm chức vụ lớn, truyền thống hiếu học trong gia đình vẫn được giữ nguyên vẹn.

'‘Bố mẹ tôi có quỹ riêng. Hàng năm vào Quốc khánh 2.9, ngày họp gia đình, chúng tôi lại báo cáo thành tích của các con, các cháu. 

Ông bà đều có phần quà tặng những cháu đạt giải thưởng. Với các cháu chưa đạt, ông bà cũng có quà để động viên cố gắng vào năm tới’', chị Xuân nói.

Theo Vietnamnet