Vượt biên sang Anh - Canh bạc cuộc đời
Đời sống - Ngày đăng : 06:18, 02/11/2019
Chiếc xe container phát hiện có 39 thi thể
Vụ 39 người chết khi nhập cư bất hợp pháp vào nước Anh trên một thùng xe container đã gây rúng động thế giới trong suốt những ngày qua. Chúng tôi đã gặp anh Thành (*) - một người quê ở huyện Thanh Hà từng vượt biên sang Anh và được nghe kể về hành trình đầy gian nan, nguy hiểm này.
Đánh đổi mạng sống
"Vượt biên sang Anh là một canh bạc đầy may rủi của cuộc đời. Nhiều người tham gia đã phải đánh đổi cả mạng sống", anh Thành mở đầu câu chuyện.
Anh Thành cho biết anh là một trong những người đầu tiên ở huyện Thanh Hà tìm đường vượt biên sang Anh. Năm 2000, anh cùng một người đàn ông ở TP Hải Dương tham gia đường dây đưa người sang Anh với giá gần 10.000 USD/người.
"Ngày tôi đi tuy dễ hơn bây giờ rất nhiều nhưng cũng phức tạp, vất vả vô cùng", anh Thành tiếp lời.
Anh Thành đi máy bay từ Việt Nam sang Bulgaria, ở lại đây 3 tháng rồi tiếp tục bay sang Hungary.
Theo sự hướng dẫn của người trong đường dây, anh Thành cùng một nhóm người vượt biên từ Hungary bằng đường sông qua Slovenia. Nhưng mọi chuyện đổ bể khi anh và nhóm người này bị lực lượng chức năng bắt giữ, nhốt 20 ngày.
"Họ nhốt chúng tôi dưới một tầng hầm tối mịt, ăn uống rất kham khổ", anh Thành nhớ lại.
Hết thời gian bị giam giữ, anh Thành được trả về Việt Nam. 18 ngày sau khi về nước, anh Thành tiếp tục bay sang Bulgaria và ở lại đó 3 tháng. Hết hạn visa, anh mua vé trở lại Việt Nam.
Máy bay dừng lại Anh để trung chuyển hành khách, anh Thành đã trốn ở lại và làm nhân viên rửa xoong nồi trong một khách sạn, sau đó chuyển sang làm cho một tiệm làm móng tay. Công việc làm ăn thuận lợi, thu nhập cao, anh Thành bắt đầu "mách nước" cho người thân trong gia đình cùng sang.
Từ năm 2004, gia đình anh đã có khoảng 10 người tìm cách nhập cư vào Anh gồm con trai, em trai, em rể, các cháu. Mốt số người cùng làng cũng lên đường sang Anh.
Người thân của anh Thành lấy danh nghĩa là khách du lịch để bay từ Việt Nam sang Nga. Từ đây, người trong đường dây đã đưa họ vượt rừng qua mấy nước nữa để tới Slovakia.
Đi cùng người thân của anh có nhiều người đến từ các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, nhưng không đông bằng người mang quốc tịch Syria, Afghanistan. Họ chia nhau thành những nhóm nhỏ 5-7 người nhằm tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng.
Việc vượt rừng từ Nga sang Slovakia đầy gian nan. Để chống chọi với cái rét âm hàng chục độ C, họ phải mặc rất nhiều áo ấm, mũ len, găng tay và mang một túi đựng nước, đồ ăn.
Họ nối đuôi nhau đi 3-5 ngày liên tục và rất ít nghỉ ngơi. Đi bộ bằng đường rừng rất nguy hiểm, có người trượt chân ngã xuống vực sâu mất mạng, có người không chịu được cái lạnh thấu xương, bị cảm, kiệt sức nên cũng phải bỏ mạng.
Đến Slovakia, những người trong đường dây tiếp tục đưa người thân của anh Thành lần lượt qua Đức và đến Pháp bằng nhiều con đường, phương tiện khác nhau. Hành trình kéo dài cả tháng, thậm chí là vài tháng với điều kiện ăn uống, nghỉ ngơi vô cùng kham khổ.
Những người theo đường dây nhập cư vào Anh sẽ được đưa đến một địa điểm tập trung tại Pháp để chờ nhảy xe container sang Anh.
Người trong đường dây sẽ cắt chì thùng xe container dừng đỗ ở cửa khẩu để đưa người vào trong. Nhưng họ chỉ đưa người lên những thùng xe container phủ bạt mà không phải thùng bằng sắt hay thùng lạnh như trong vụ việc 39 người bị thiệt mạng nói trên.
Mỗi người được phát một con dao tem để khi cảm thấy khó thở sẽ rạch một vết nhỏ lấy dưỡng khí. Khi xe đến trạm kiểm soát, những người vượt biên phải chui vào túi nilon màu đen, bên ngoài đậy thùng carton.
Lúc này người vượt biên gần như nín thở để tránh các loại máy đo nhiệt, đo hơi thở của lực lượng chức năng. Nhưng cũng có nhiều người bị phát hiện và giam giữ.
Lời cảnh tỉnh
Những ngày qua, anh Thành vẫn theo dõi sát vụ việc 39 người chết khi nhập cư trái phép vào Anh. "Họ cũng cùng cảnh nghèo khó, mong muốn đổi đời như chúng tôi nhưng lại thiếu may mắn", anh Thành nói.
Anh Thành tiết lộ để nhập cư vào Anh, mỗi người phải trả cho người của đường dây từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng tiền Việt. Sang đến nước Anh, không phải ai cũng có được công việc thuận lợi, nhiều người phải lao động trong môi trường khắc khổ, chui lủi nhằm trốn tránh sự phát hiện của cảnh sát sở tại. Khi bị bắt sẽ chỉ còn tay trắng, vì lúc này đường dây đưa người sang Anh đã hết trách nhiệm.
Anh Thành về nước từ năm 2009. Nhiều người thân của anh hiện cũng đã về nước. "Đúng là đã đổi đời thật nhưng qua sự việc vừa rồi cộng với nỗi gian nan, vất vả mà tôi và người thân đã từng trải mới thấy rùng mình", anh Thành nói.
Hàng chục năm qua, việc người dân các nước, trong đó có Việt Nam tìm cách sang Anh với mong muốn đổi đời diễn ra ồ ạt và chưa có hồi kết. Rất nhiều thảm kịch đã xảy ra đối với các đoàn người cố tình nhập cư trái phép vào Anh bằng đường biển và đường bộ. Vụ việc 39 người thiệt mạng vừa qua tiếp tục là lời cảnh tỉnh cho những người đang có ý định này.
AN THANH
------------------
(*) Tên nhân vật đã được thay đổi