Người cộng sản anh hùng

Tin tức - Ngày đăng : 07:04, 02/11/2019

Đồng chí Hoàng Văn Thụ luôn nêu cao ý thức chấp hành tổ chức, kỷ luật của người đảng viên cộng sản; gương mẫu đi đầu, sẵn sàng gánh vác nhiệm vụ khó khăn nhất...

Đồng chí Hoàng Văn Thụ bị thực dân Pháp giải từ Nhà tù Hỏa Lò ra pháp trường
ngày 24.5.1944. Nguồn: Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất

Rạng sáng ngày 24.5.1944, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã hy sinh anh dũng tại trường bắn Tương Mai (Hà Nội). Mười lăm năm sau, vào tháng 5.1959, trong bài “Viếng mộ anh Hoàng Văn Thụ”, đồng chí Trường Chinh viết về đồng chí Hoàng Văn Thụ là “Người cộng sản anh hùng - đã cảm tử cho Đảng quyết sinh”.

Tuổi thanh xuân và cuộc đời đấu tranh cách mạng sôi nổi, đầy nhiệt huyết của người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ đã trở thành bài ca cách mạng vang mãi cho các thế hệ cách mạng Việt Nam trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đúng như lời của đồng chí Trường Chinh đã viết: đồng chí là “Người cộng sản anh hùng - Đã cảm tử cho Đảng quyết sinh”.

Đồng chí Hoàng Văn Thụ sinh ngày 4.11.1909, trong một gia đình có truyền thống yêu nước, tại thôn Phạc Lạn, tổng Nhân Lý (nay là xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn), người dân tộc Tày. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, với lòng yêu nước nồng nàn, ngay từ thời niên thiếu, đồng chí đã tham gia phong trào đấu tranh đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu và để tang chí sĩ Phan Chu Trinh.

Sớm được giác ngộ cách mạng, năm 1928, đồng chí Hoàng Văn Thụ sang Trung Quốc làm việc tại xưởng cơ khí Nam Hưng, tỉnh Quảng Tây (xưởng máy của những người Cách mạng Việt Nam hoạt động ở Trung Quốc). Tại đây, đồng chí được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và Đông Dương Cộng sản Đảng.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (ngày 3.2.1930), đồng chí được Chi bộ Đảng phân công phụ trách để phát triển phong trào cách mạng ở tỉnh Lạng Sơn và sau này là Thái Nguyên, Vĩnh Yên, Hải Dương.

Ðược tôi luyện qua các phong trào cách mạng, thử thách qua thực tiễn, đồng chí Hoàng Văn Thụ được giao trọng trách làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ khi vừa tròn 30 tuổi, và được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Ðảng ở tuổi 32.

Từ cuối năm 1941, đồng chí Hoàng Văn Thụ tập trung chỉ đạo phát triển các cơ sở quần chúng cách mạng trong công nhân, công chức, binh sĩ, cảm hoá, lôi cuốn được nhiều người thuộc các tầng lớp khác nhau ủng hộ cách mạng, góp phần xây dựng nhiều cơ sở quần chúng ở những địa bàn quan trọng, như: Hà Nội, Hà Đông, Hải Phòng, Vĩnh Yên, làm hậu thuẫn vững chắc cho cuộc nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945.

Giữa lúc phong trào cách mạng nước ta đang trên đà phát triển mạnh mẽ, ngày 25.8.1943, đồng chí Hoàng Văn Thụ bị mật thám Pháp bắt tại ngõ Nam Diệm, khu Tám Mái (Hà Nội). Biết là cán bộ cao cấp của Đảng, Phủ Toàn quyền Đông Dương đã ra lệnh cho Sở mật thám Bắc Kỳ bằng mọi cách bắt đồng chí Hoàng Văn Thụ khai ra cơ quan lãnh đạo Trung ương của Đảng.

Chúng đã dùng nhiều thủ đoạn xảo quyệt, dã man, từ mua chuộc, dụ dỗ đến tra tấn cực hình. Song vẫn không khuất phục được ý chí, tinh thần cách mạng của người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ.

Bất lực trước ý chí kiên cường của người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ, ngày 21.12.1943, thực dân Pháp cho mở cái gọi là “Toà án đại hình” để xử tội đối với đồng chí.

Tại phiên toà, chúng còn cho một số anh em tù chính trị của ta tới dự, hòng gây áp lực đánh vào tinh thần của các đồng chí của ta đang bị giam cầm tại nhà tù Hoả Lò, Hà Nội.

Nêu cao tinh thần tiến công cách mạng, đồng chí đã dùng phiên tòa làm nơi luận tội kẻ thù, tuyên truyền đường lối cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng, kêu gọi các đồng chí của mình nuôi dưỡng tinh thần đấu tranh bền bỉ, tiêu diệt đế quốc, giải phóng đất nước.

Với ý chí kiên cường và tâm hồn lạc quan của một người cộng sản, trước ngày bị đưa đi bắn, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã làm những vần thơ đầy dũng khí cách mạng nhắn nhủ lại đồng chí, đồng bào của mình:

“Việc nước xưa nay có bại thành
Miễn sao giữ trọn được thanh danh
Phục thù chí lớn không hề nản
Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành.
Thân dẫu lao tù lâm cảnh hiểm
Chí còn theo dõi buổi tung hoành
Bạn hỡi xa gần hăng chiến đấu
Trước, sau xin giữ tấm lòng thành”.


Không khuất phục được ý chí kiên trung của người chiến sĩ cộng sản, rạng sáng ngày 24.5-.944, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã hy sinh anh dũng tại trường bắn Tương Mai (Hà Nội).

Trước mặt kẻ thù, đồng chí đã nói những lời đanh thép: “Trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa chúng tôi, những người mất nước và các ông những kẻ cướp nước, sự hy sinh của những người như tôi là lẽ dĩ nhiên, chỉ biết rằng cuối cùng chúng tôi sẽ thắng”. Trong giờ phút vĩnh biệt đồng bào, đồng chí của mình, đồng chí vẫn hiên ngang hô vang: “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm! Việt Nam độc lập muôn năm!”

Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã hy sinh anh dũng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng bào, đồng chí.

Tuổi thanh xuân và cuộc đời đấu tranh cách mạng sôi nổi, đầy nhiệt huyết của người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ đã trở thành bài ca cách mạng vang mãi cho các thế hệ cách mạng Việt Nam trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đúng như lời của đồng chí Trường Chinh đã viết: đồng chí là “Người cộng sản anh hùng - Đã cảm tử cho Đảng quyết sinh”.

Ghi nhớ công ơn của người cộng sản kiên cường Hoàng Văn Thụ, ngày nay, tên của đồng chí đã được đặt cho nhiều đường phố và trường học thủ đô ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Những bài học quý

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ đã để lại những bài học quý.

Đó là bài học về tinh thần yêu nước, giác ngộ lý tưởng cộng sản và kiên định lập trường giai cấp công nhân.

Ngay từ khi chưa giác ngộ chủ nghĩa Mác-Lênin, với lập trường của người yêu nước, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã hiểu rõ nỗi khổ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, sớm tham gia hưởng ứng các cuộc vận động do tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên phát động.

Quá trình chuyển biến tư tưởng của đồng chí từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác-Lênin trải qua những giai đoạn thâm nhập thực tiễn trong nước và nước ngoài. Khi được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, đồng chí đã nhanh chóng tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin, quan điểm lập trường của giai cấp công nhân, giác ngộ lý tưởng cộng sản.

Thời gian bị giam cầm trong nhà tù Hoả Lò, đồng chí tỏ rõ nghị lực phi thường, ý chí quật cường, bản lĩnh của người chiến sĩ cộng sản, có niềm tin vững chắc vào thắng lợi của cách mạng. Hình ảnh hiên ngang, bất khuất của đồng chí trước pháp trường mãi mãi là bản anh hùng ca về khí tiết của người cộng sản trước quân thù và tình cảm nồng thắm, nhân văn với đồng bào, đồng chí.

Đó là bài học về phẩm chất đạo đức cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản.

Đồng chí Hoàng Văn Thụ luôn nêu cao ý thức chấp hành tổ chức, kỷ luật của người đảng viên cộng sản; gương mẫu đi đầu, sẵn sàng gánh vác nhiệm vụ khó khăn nhất; có tinh thần đứng mũi chịu sào, ý thức trách nhiệm cao với công việc.

Giữ nhiều cương vị lãnh đạo của Đảng, nhưng đồng chí không màng danh lợi cho bản thân, sống bình dị, nêu gương sáng về sự trung thành, lòng tận tụy phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân; mẫu mực về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, khiêm tốn, giản dị. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí luôn chăm lo đoàn kết đồng chí, đồng bào, có thái độ kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, đầu hàng, phản bội.

Đó là bài học về tác phong của người lãnh đạo cách mạng.

Đồng chí Hoàng Văn Thụ là một nhà lãnh đạo có tác phong dân chủ, gần gũi, hoà đồng với nhân dân. Đồng chí luôn thuyết phục người khác bằng phương pháp vừa có tính nguyên tắc, khoa học, vừa nhân ái, bao dung. Điều đó làm nên những giá trị quy tụ được lòng người, làm cho nhân dân tin vào Đảng, tự nguyện tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng.

Đồng chí đã để lại cho chúng ta những kinh nghiệm quý báu về xây dựng tình đoàn kết, tinh thần tự phê bình và phê bình rất hữu ích cho công tác xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đội ngũ cán bộ trong sạch; xây dựng đoàn kết nội bộ, gây dựng tình cảm thân ái, tôn trọng lẫn nhau.

Theo TTXVN