Chuyển động trong thu hút nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp

Giao thông - Đô thị - Ngày đăng : 06:03, 03/11/2019

Khác với việc hình thành và phát triển các cụm công nghiệp (CCN) trong tỉnh trước kia, các CCN mới thành lập hiện nay đều có chủ đầu tư hạ tầng.

Do hạ tầng bất cập nên các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp thường bám đường lớn. Trong ảnh: Các cụm công nghiệp Cẩm Thượng và tây Ngô Quyền (TP Hải Dương)

Mặc dù vậy, để khắc phục được những hạn chế về môi trường, đầu tư xây dựng trong CCN mới vẫn cần có những giải pháp đồng bộ.

Bất cập vì không có chủ đầu tư hạ tầng

Giữa tháng 5.2019, Sở Tài nguyên và Môi trường có kết luận thanh tra thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai của UBND huyện Tứ Kỳ tại CCN Kỳ Sơn và việc chấp hành pháp luật đất đai của các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh tại cụm này.

Kết luận thanh tra chỉ ra nhiều hạn chế trong CCN Kỳ Sơn như chưa có chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng nên hạ tầng không đồng bộ; chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung.

Một số cơ sở thuê đất trong CCN vi phạm về sử dụng đất, vi phạm hành lang bảo vệ các công trình thuỷ lợi, xây dựng công trình không đúng quy hoạch mặt bằng chi tiết được phê duyệt.

3 cơ sở chưa thực hiện đủ thủ tục thuê đất theo quy định, 7 cơ sở thuê đất không đúng quy hoạch chi tiết được phê duyệt, 3 cơ sở xây dựng công trình không đúng quy hoạch…

Nguyên nhân của các hạn chế trên do một số cơ sở thuê đất và hoạt động sản xuất, kinh doanh trong CCN Kỳ Sơn trước khi có quy hoạch chi tiết xây dựng.

Năm 2005, lúc quy hoạch CCN Kỳ Sơn do chưa có quy định cụ thể về quản lý CCN nên trách nhiệm quản lý CCN của các cơ quan nhà nước chưa được phân định cụ thể.

Bên cạnh đó, UBND huyện Tứ Kỳ chưa thành lập được Ban Quản lý các CCN hoặc Trung tâm Phát triển CCN theo quy định, chưa có biện pháp hiệu quả kêu gọi chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN. 

Những hạn chế trên không chỉ riêng của CCN Kỳ Sơn mà còn là thực trạng chung của nhiều CCN trong tỉnh.

Không có chủ đầu tư hạ tầng, khi doanh nghiệp (DN) vào đầu tư phải tự xây dựng hạ tầng xung quanh để phục vụ trực tiếp nhu cầu của mình nên không thể đồng bộ, khiến công tác quản lý và phát triển CCN khó khăn.

Các DN đầu tư trong CCN chủ yếu đề xuất lựa chọn đầu tư tại các vị trí thuận lợi, giao thông đi lại thuận tiện, bám các trục đường lớn. 

Đại diện Sở Công thương khẳng định do không có chủ đầu tư hạ tầng nên các CCN trong tỉnh còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Có tình trạng dự án vi phạm quy định về quản lý xây dựng, xây dựng chưa có giấy phép hoặc không đúng giấy phép; DN sử dụng đất sai mục đích.

Một số dự án hoạt động không đúng mục tiêu, chậm tiến độ gây lãng phí tài nguyên. Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm môi trường cục bộ trong các CCN vẫn còn phổ biến, không bảo đảm mục tiêu phát triển sản xuất công nghiệp bền vững. Phần lớn các CCN của tỉnh chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Chờ đợi sự đổi mới

Những năm qua, việc thu hút các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN không hề dễ dàng do nhiều vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, vốn đầu tư hạ tầng lớn, trong khi các quy định về thu hồi vốn chưa cụ thể, thời gian kéo dài.

Vì vậy giữa năm 2017 có 2 nhà đầu tư hạ tầng CCN là Công ty TNHH Sản xuất giày Chung Jye Việt Nam xin thôi không đầu tư hạ tầng CCN Hồng Phúc - Hưng Long (Ninh Giang) và Công ty CP Nhà thép Đinh Lê xin thôi làm chủ đầu tư hạ tầng CCN Long Xuyên (Kinh Môn). 

Từ cuối năm 2018 đến nay, đã có nhiều DN đề xuất lập quy hoạch và đầu tư hạ tầng các CCN mới. Đến nay, ngoài CCN Lương Điền, Ba Hàng thì 4 CCN khác là Dịch vụ thương mại Lương Điền (Cẩm Giàng), Nam Hồng - Hồng Phong (Nam Sách), Hồng Phúc - Hưng Long (Ninh Giang) và Đoàn Tùng 2 (Thanh Miện) đã có chủ đầu tư hạ tầng.

Ngoài ra, đang có nhiều DN đề xuất thành lập và làm chủ đầu tư một số CCN ở các huyện Ninh Giang, Thanh Hà, Kinh Môn, Bình Giang.

Ông Mạc Thế Phương, Trưởng Phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương) cho biết trong tỉnh hiện có 35 CCN đã được thành lập với tổng diện tích khoảng 1.536 ha.

CCN mới thành lập đều đã có nhà đầu tư hạ tầng từ đầu. Đến nay, toàn tỉnh có 6 trong tổng số 35 CCN có chủ đầu tư hạ tầng. Đây là tín hiệu vui trong quy hoạch và phát triển CCN của tỉnh. Cơ quan quản lý nhà nước đang kỳ vọng vào sự đổi thay, bứt phá của các CCN mới trong thời gian tới.

Có nhà đầu tư hạ tầng CCN mới chỉ là sự khởi đầu thuận lợi khi phát triển CCN. Thực tế cho thấy CCN đã có chủ đầu tư hạ tầng vẫn còn nhiều hạn chế như CCN Lương Điền (Cẩm Giàng).

CCN này do Công ty CP Đầu tư xây dựng Trường Dương đầu tư hạ tầng nhưng qua kiểm tra, UBND huyện Cẩm Giàng, Sở Tài nguyên và Môi trường đã nhiều lần chỉ ra những hạn chế như chủ đầu tư thực hiện chậm, xây dựng điểm đấu nối giao thông từ CCN ra quốc lộ 38 không đúng quy hoạch được duyệt; ký hợp đồng cho thuê lại đất chưa đúng, đủ nội dung theo quy định...

Để CCN mới của tỉnh thực sự khắc phục được những hạn chế, các cơ quan chức năng ở địa phương có CCN cũng như các ngành liên quan của tỉnh cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc đầu tư, xây dựng hạ tầng.

Các địa phương, cơ quan chức năng liên quan cần thường xuyên phối hợp, phát hiện sớm để xử lý nghiêm các vi phạm của các DN thứ cấp đầu tư vào CCN.

PHAN ANH