Mặc cảm

Đời sống - Ngày đăng : 14:12, 03/11/2019

Vợ chồng anh Thành, chị Thảo có hai đứa con.



Nhưng đứa thứ hai không may bị tự kỷ nên mỗi khi đi du lịch hay đi nhà hàng, đến rạp chiếu phim, đi siêu thị, thậm chí là liên hoan khu phố, anh chị chỉ cho cái Thu, đứa con gái lớn đi theo. Còn cu Bi phải ở nhà với người giúp việc. 

Thực ra lúc đầu anh chị cũng cho Bi đi ra ngoài nhưng nó bị tự kỷ dạng tăng động nên đi đến đâu là nghịch ngợm, phá phách ở đó. Nhiều lần nó chui cả vào gầm bàn ăn rồi bất thình lình thò mặt ra, với tay bốc thức ăn, làm rơi tung tóe. Tất cả mọi người đổ dồn ánh mắt vào thằng bé, như muốn hỏi: “Con nhà ai mà nghịch thế?”.

Chị Thảo cảm thấy ngượng chín mặt, từ đó chị cứ phải kè kè bên con để hãm lại những hành động bột phát của nó. Đi du lịch thì chị phải giữ chặt tay con, hở ra một chút là nó đi lạc, rồi hai vợ chồng lại tìm hoắng lên, có lần phải nhờ cả Ban tổ chức đọc loa thông báo tìm trẻ lạc.

Quát thì nó không nghe, dạy thì nó để ngoài tai. Nó không nghe, không nói nên chị Thảo cảm thấy rất khổ tâm. Dần dần, chị chán nản, mệt mỏi vì ăn không yên, chơi không thoải mái, lại bị hàng chục cặp mắt soi mói, tò mò, bàn tán, thắc mắc nên chị nhất quyết không cho Bi đi ra ngoài cùng mình nữa. 

Càng lớn, sự nhận thức của Bi càng có khoảng cách so với các bạn cùng trang lứa. Không có trường mầm non nào nhận Bi vào học vì thằng bé mất hoàn toàn khả năng ngôn ngữ, không thích giao tiếp với ai. Anh Thành, chị Thảo nhìn con lớn lên từng ngày nhưng cứ ngây ngây, ngô ngô thì không chỉ buồn mà còn mặc cảm.

Ở khu phố này, mấy cặp vợ chồng giỏi giang và có điều kiện kinh tế như anh chị đâu. Cả hai cùng là doanh nhân thành đạt, có vài cơ sở làm đẹp trong thành phố. Vậy mà sinh ra đứa con không bình thường như cu Bi, anh chị cứ nẫu hết cả ruột gan.

Tiền của không thiếu, tốn kém bao nhiêu cũng được nhưng anh chị đưa con đi khắp các bệnh viện để thuốc thang, châm cứu mà Bi không có tiến triển. Nỗi mặc cảm ngày càng lớn nên anh chị tìm cách giấu con, không bao giờ kể về Bi. Ai hỏi đến nó thì anh chị lảng chuyện khác.

Gần như bị nhốt ở trong nhà cả ngày nên Bi càng bức bối, có hôm nó lấy chân đạp vào cửa nhà thùm thùm để mong được đi chơi nhưng đành bất lực vì cửa đã bị người giúp việc khóa chặt như lời dặn của anh Thành. Tức mình, nó lao đầu vào cửa, trán tóe máu.

Người giúp việc hoảng hốt gọi chị Thảo về ngay đưa thằng bé đi bệnh viện. Biết đầu đuôi sự việc, bác sĩ khuyên chị Thảo: “Tôi cũng có đứa con bị tự kỷ. Buồn lắm chị ạ nhưng chị phải nghe tôi. Chị đừng nhốt con ở trong nhà nữa.

Thằng bé cần được giao tiếp, cần được hòa nhập thì nó mới có cơ hội phát triển bình thường”. Chị Thảo thẫn thờ, thở dài: “Vâng! Nhiều bác sĩ cũng khuyên vợ chồng em như thế.

Nhưng thú thực, nó nghịch quá. Với lại chúng em mặc cảm nên không muốn cho con đi đâu”. “Ấy chết! Sao lại mặc cảm? Khối người ao ước còn không sinh được con kia kìa.

Con nó bị vậy mình càng phải thương, phải bù đắp, dành thời gian chơi với nó, dạy nó” - nói rồi, bác sĩ giới thiệu với chị Thảo địa chỉ lớp học đặc biệt dành cho trẻ tự kỷ và mong chị sớm đưa con đến đó đăng ký nhập học. 

Chị Thảo vâng vâng, dạ dạ rồi cảm ơn bác sĩ. Vậy mà suốt thời gian qua, vợ chồng chị đã giữ nỗi mặc cảm không đâu nên chọn một giải pháp thật sai lầm với cu Bi.

Nhìn vết thương trên trán con đã được bác sĩ băng bó cẩn thận, chị xót ruột, ôm con vào lòng, thủ thỉ: “Mẹ xin lỗi! Từ nay mẹ sẽ không nhốt con trong nhà nữa”. Nhất định chị sẽ đưa Bi đến lớp học đặc biệt để con có cơ hội hòa nhập. Nhất định anh chị sẽ vứt nỗi mặc cảm sang một bên để dành hết yêu thương cho đứa con thiệt thòi của mình.

NAM HỒNG