Việt Nam nâng hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu. Bài 5: Dư địa thúc đẩy

Kinh tế - Ngày đăng : 16:03, 03/11/2019

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, Việt Nam còn nhiều dư địa cải cách và nhiều giải pháp thúc đẩy năng lực cạnh tranh để đạt được những thành tích cao hơn.

Việt Nam đã tăng lên 10 bậc và xếp thứ hạng 67 trong Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019 do Diễn đàn Kinh tế thế giới tiến hành. Đây là dấu mốc quan trọng, minh chứng cho những nỗ lực không ngừng của Việt Nam được cộng đồng quốc tế, các định chế tài chính nước ngoài, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ghi nhận. 

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam:

Quản lý tốt các rủi ro 


 Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam phát biểu tại diễn đàn Kinh doanh có trách nhiệm - Nền tảng để bứt phá & Ga la Sức xuân 2019

Việt Nam luôn hợp tác mạnh mẽ cùng WB trong các chương trình, đề án về cải cách để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Mặc dù mô hình kinh tế hiện tại của Việt Nam đang đối mặt với một số thách thức như già hóa dân số, tỷ lệ sinh lời từ đầu tư và hình thành vốn thấp, sự suy thoái về các nguồn lực tự nhiên, chất lượng nguồn nhân lực yếu và khả năng tăng năng suất còn rất chậm.... song Việt Nam có mọi tiềm năng để duy trì thành công sự phát triển và vẫn cần có những cải cách táo bạo để đất nước có thể nắm bắt các cơ hội trong tương lai. Đồng thời, quản lý tốt các rủi ro nêu trên. 

Việc chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường đã giúp Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo trở thành nước có thu nhập trung bình thấp. Việt Nam hiện đã là một trong những quốc gia năng động nhất Đông Á Thái Bình Dương và thành tích mới nhất rất đáng tự hào là đã "vượt" qua 10 nước để đứng ở vị trí 67 trong Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, để có thể giữ vững phong độ và thành tích này, thậm chí có thể tiến xa hơn ở những thang bậc cao hơn, tôi cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực cải cách nhiều hơn để khắc phục những điểm yếu cơ bản của mô hình tăng trưởng hiện tại. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam có một cơ hội lớn để tăng năng suất bằng cách tiến gần hơn tới ngưỡng công nghệ toàn cầu thông qua việc tận dụng các thành tựu của khoa học kỹ thuật và tăng cường các hoạt động về đổi mới sáng tạo để tích lũy thêm các ý tưởng, thành quả phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững. 

Mặc dù có những thành tựu ấn tượng trong quá trình chuyển đổi kinh tế, Việt Nam vẫn chưa xây dựng thành công một hệ thống các thể chế thị trường phát triển có hiệu lực và hiệu quả. Điều này đã cản trở sự phát triển lành mạnh của khu vực tư nhân trong nước, đảm bảo cạnh tranh tích cực. Vì lẽ đó, cần thêm nỗ lực để Việt Nam có thể nhanh chóng hiện đại hóa thể chế thị trường và quản trị quốc gia. Nhờ đó, tạo ra một môi trường - nơi các doanh nghiệp ở khu vực tư nhân, bao gồm cả các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đều có thể phát triển; đồng thời trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng.

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam:

Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ

Để duy trì đà tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh. Bởi, đó sẽ là nhân tố khuyến khích đầu tư tư nhân, cũng như những nỗ lực tăng cường quan hệ với các đối tác trên toàn cầu thông qua nhiều hiệp định thương mại đã được ký kết. Việt Nam nên có các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua việc tăng khả năng tiếp cận vốn, kỹ năng của người lao động… để những doanh nghiệp này có thể tham gia tốt hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.


 Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến bất ổn hiện nay như sự suy giảm của các nền kinh tế lớn ở châu Âu hay Nhật Bản và Mỹ cùng tác động của cuộc chiến thương mại đang hồi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc... có thể gây ra những nguy cơ rủi ro đối với nền kinh tế Việt Nam. Vì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu, nên khi tăng trưởng kinh tế của các nước có quan hệ thương mại với Việt Nam suy giảm thì xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị tác động.

Bà Amanda Rasmussen, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham):

Chìa khóa nhận diện và tận dụng cơ hội


Thúc đẩy môi trường kinh doanh năng động và bền vững hơn tại Việt Nam là điều mà AmCham luôn nỗ lực và có nhiều hoạt động phối hợp cùng Chính phủ Việt Nam và các bộ, ngành. Mục tiêu là nhằm cải thiện hệ thống pháp luật cùng các điều kiện kinh doanh hiện hành còn mang tính rào cản để tăng cường năng lực của khu vực tư nhân; cũng như thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội.

Thời gian qua, Việt Nam đã có được vị thế cạnh tranh nhờ vào lợi thế lao động giá rẻ, cùng với đó lại luôn có những giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh nên thành tích được ghi nhận là xứng đáng. Trong nỗ lực chung đó, các doanh nghiệp thành viên của AmCham cũng liên tục hỗ trợ cùng Chính phủ trong việc tham vấn, định hướng chính sách giúp nâng cao năng suất, tăng cường năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực. Tăng trưởng xuất khẩu và đầu tư nước ngoài đã và đang là động lực chính cho thành tựu kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, sự lãnh đạo và những sáng kiến chính sách táo bạo là chìa khóa để nhận diện và tận dụng các cơ hội. 

Hiện nay, khu vực doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đang đứng trước những cơ hội lớn. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu, các doanh nghiệp hiện quan tâm tới việc tập trung hoạt động sản xuất tại một nước duy nhất và Việt Nam đang ở vị thế có thể tận dụng những cơ hội này. Việc triển khai một cách thận trọng các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại sẽ giúp tối đa hóa những cơ hội nói trên.

Trong số những vấn đề cần khuyến nghị nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia, AmCham thực sự quan tâm tới việc cải cách pháp lý. Đây là giải pháp hiệu quả nhất về mặt chi phí để kích thích và duy trì tăng trưởng kinh tế. Việt Nam có toàn quyền kiểm soát giải pháp này, độc lập với các lực lượng thị trường bên ngoài. Việc thành lập Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ là một bước quan trọng hướng tới giảm bớt gánh nặng pháp lý cho các doanh nghiệp, giúp giảm bớt thời gian xử lý và hạn chế tham nhũng.

Cùng với đó, sự thay đổi thường xuyên các quy định và chính sách luôn gây những ảnh hưởng tiêu cực tới các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Do đó, Luật Đầu tư sửa đổi cũng nên ban hành các điều khoản bảo vệ những hoạt động kinh doanh đã được cấp phép trong các giấy phép hiện có. Cụ thể, các hoạt động kinh doanh, điều khoản và điều kiện trong giấy phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cần được bảo vệ trước những thay đổi về quy định.

Theo TTXVN


Bài cuối: Cải cách thực chất và toàn diện hơn nữa