Người cộng sản kiên trung Hoàng Văn Thụ với phong trào cách mạng Hải Dương
Tin tức - Ngày đăng : 10:02, 04/11/2019
Nhà số 17 phố Phạm Hồng Thái, nơi đồng chí Hoàng Văn Thụ ở khi về Hải Dương hoạt động đã được gắn biển di tích lịch sử cách mạng
Tuy thời gian đồng chí hoạt động tại tỉnh không lâu, song đã để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc.
Tháng 8.1938, đồng chí Hoàng Văn Thụ được Xứ ủy Bắc Kỳ phân công tăng cường chỉ đạo phong trào cách mạng ở Hải Dương. Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ TP Hải Dương (1930-2004), khi về Hải Dương, đồng chí đã được cơ sở của ta bố trí ở tại gác xép căn nhà 17 phố Đông Môn (nay là phố Phạm Hồng Thái). Tại đây, đồng chí đã làm việc với các cơ sở cách mạng của ta. Đồng chí còn nói chuyện với thanh niên, học sinh và giáo viên Trường Pierre Pasquier về đường lối cách mạng, mục đích, lý tưởng của Đảng.
Thông qua Đoàn thanh niên dân chủ, đồng chí đã nắm tình hình hoạt động của địch và phong trào cách mạng ở các địa phương trong tỉnh. Được giác ngộ và thử thách qua đấu tranh, một số thanh niên tích cực đã được kết nạp vào Đảng. Tháng 8.1938, tại số nhà 17 Đông Môn, với sự chứng kiến của đồng chí Hoàng Văn Thụ, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, Chi bộ Đảng đầu tiên của TP Hải Dương đã được thành lập, gồm 3 đảng viên: Nguyễn Thượng Mẫn, Nguyễn Văn Sở, Bùi Văn Giáp.
Bà Bùi Thị Tài ở số 17 phố Phạm Hồng Thái (TP Hải Dương) năm nay đã 87 tuổi song vẫn nhớ như in những ngày căn nhà của gia đình mình làm nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng, trong đó có đồng chí Hoàng Văn Thụ. Bà kể, chú ruột bà là ông Bùi Văn Giáp vốn là thầy giáo nên sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1938, trước sự phát triển rộng khắp của các phong trào dân chủ, đồng chí Lê Thanh Nghị đã giới thiệu đồng chí Hoàng Văn Thụ về bắt liên lạc với nhóm thanh niên dân chủ ở TP Hải Dương.
Đồng chí Hoàng Văn Thụ được ta bố trí ăn nghỉ tại gác xép nhà bà để làm việc với các cơ sở. Trong những ngày đồng chí ở đó, bà được cử làm giao liên. Hằng ngày, bà bế em trai ra vườn hoa Bảo Đại chơi để cảnh giới, theo dõi các động thái của Sở Mật thám. Mỗi khi thấy xe ô tô của Sở Mật thám đi tuần, bà lại chạy về báo cho cơ sở của ta và đồng chí Hoàng Văn Thụ biết để giấu tài liệu và rút ra lối cửa sau.
Ông Phạm Quý Mùi, nguyên Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị TP Hải Dương có những nghiên cứu khá kỹ lưỡng về hoạt động của đồng chí Hoàng Văn Thụ ở Hải Dương. Theo các tài liệu ông sưu tầm được, sau khi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở TP Hải Dương, đồng chí Hoàng Văn Thụ về Thanh Hà tổ chức tập huấn cảm tình đảng 2 đợt cho thanh niên ở huyện này.
Theo một số cán bộ huyện Thanh Hà, đồng chí về Thanh Hà để củng cố nhóm thanh niên dân chủ và phong trào cách mạng sau thời gian bị khủng bố khốc liệt. Khi về huyện Thanh Hà, đồng chí đã đến xã Thanh Lang để giác ngộ Đảng cho các thanh niên tiến bộ.
Ông Nguyễn Long Nhiêm ở xã Quyết Thắng (Thanh Hà) từng viết lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Hà cho biết, dấu ấn rõ nét nhất khi đồng chí Hoàng Văn Thụ về hoạt động tại Thanh Hà là rất nhiều thanh niên thời kỳ đó được giác ngộ cách mạng. Nhiều bậc cao niên thuộc thế hệ ông Nhiêm đã thuộc lòng bài thơ “Đoạn tuyệt" của đồng chí Hoàng Văn Thụ.
Trong thời gian ở Hải Dương, đồng chí Hoàng Văn Thụ còn về Nhà máy Nước Ninh Giang để chỉ đạo thành lập Chi bộ Nhà máy Nước Ninh Giang và về Vĩnh Bảo (Hải Phòng) để thành lập Chi bộ Cổ Am. Ngôi nhà số 17 phố Phạm Hồng Thái (TP Hải Dương) đã được công nhận là di tích cách mạng, nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của TP Hải Dương và nơi lưu niệm về những ngày hoạt động của đồng chí Hoàng Văn Thụ tại Hải Dương.
NGỌC HÙNG
Đồng chí Hoàng Văn Thụ (sinh ngày 4.11.1909) trong một gia đình có truyền thống yêu nước ở tỉnh Lạng Sơn. Năm 1929, đồng chí được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3.2.1930, đồng chí được phân công phụ trách phát triển phong trào cách mạng ở tỉnh Lạng Sơn. Giữa năm 1938, đồng chí được Xứ ủy Bắc Kỳ phân công tăng cường chỉ đạo phong trào cách mạng ở các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Yên, Hải Dương. Tháng 9.1939, đồng chí được Trung ương Đảng cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Tháng 11.1940, đồng chí được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa I. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5.1941), đồng chí Hoàng Văn Thụ đã được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đặc trách công tác công vận và binh vận của Đảng. Ngày 25.8.1943, đồng chí bị mật thám Pháp bắt tại khu Tám Mái (Hà Nội). Mặc dù bị tra tấn cực hình, đồng chí vẫn vững vàng, trung thành với Đảng, với đồng bào, đồng chí. Không khuất phục được ý chí kiên cường của người chiến sĩ cộng sản, rạng sáng 24.5.1944, kẻ thù đã xử bắn đồng chí tại Tương Mai (Hà Nội). |