Chuyển biến trong các trường học sau sáp nhập ở Hải Dương

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 12:39, 09/11/2019

Việc sắp xếp lại các trường mầm non, tiểu học, THCS tại Hải Dương đã bước đầu cho thấy hiệu quả: tinh gọn bộ máy, kiện toàn tổ chức và đội ngũ cán bộ, giáo viên.

Trường Mầm non Ái Quốc (TP Hải Dương) là 1 trong những trường đầu tiên của thành phố thực hiện sáp nhập từ Trường Mầm non Ái Quốc và Trường Mầm non Hoa Sen. Ảnh: Mạnh Minh- TTXVN

Tại các trường sau sáp nhập, tâm lý giáo viên đã dần đi vào ổn định, cơ sở vật chất được tổ chức lại để tăng thêm không gian phục vụ cho các hoạt động dạy và học.

Luân chuyển giáo viên, tạo thêm không gian dạy học

Năm học 2018 – 2019, TP Hải Dương có 70 trường công lập với 1.363 lớp, gần 47.000 học sinh. Dự báo, đến năm học 2021 – 2022, thành phố sẽ tăng thêm 10.000 học sinh. Theo Đề án sắp xếp lại các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019 – 2021, đến năm 2021, TP Hải Dương phải giảm 10% số lượng trường học công lập và giảm 10% biên chế giáo viên hưởng lương ngân sách so với năm 2015. Như vậy, thành phố sẽ phải giảm 7 trường, trong đó có 4 trường mầm non, 2 trường tiểu học và 1 trường THCS.

Trường Mầm non Ái Quốc là 1 trong những trường đầu tiên của TP Hải Dương đã thực hiện sáp nhập. Trường hiện có 8 điểm lẻ, nằm ở 8 khu dân cư. Toàn trường có 72 cán bộ, giáo viên, nhân viên và 682 học sinh.

Theo cô giáo Vũ Thị Hạnh, Hiệu trưởng nhà trường, ban đầu khi mới sáp nhập, các giáo viên không khỏi lo lắng. Tuy vậy, đến thời điểm này, các giáo viên đã ổn định tâm lý, bảo đảm nhiệm vụ chuyên môn.

Với thực tế chỉ có 32 biên chế hiện nay, so với quy định, Trường Mầm non Ái Quốc vẫn thiếu 20 giáo viên biên chế. Nhà trường đã tiến hành điều chuyển giáo viên giữa các điểm trường sao cho phù hợp, thuận lợi nhất. Việc điều chuyển này giúp các giáo viên trong nhà trường tiếp xúc với những môi trường làm việc khác nhau. Từ đó, giáo viên có thể bổ sung, hỗ trợ nhau nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ giảng dạy.

Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản hướng dẫn thực hiện công tác chuyên môn, nghiệp vụ với các trường sau sáp nhập. Cụ thể, việc sắp xếp thời khóa biểu đối với trường sáp nhập có từ 2 điểm trường trở lên phải theo hướng thuận lợi cho giáo viên đi lại; hạn chế thấp nhất việc một giáo viên phải dạy ở nhiều điểm trường hoặc phải dạy ở nhiều điểm trường trong cùng một buổi.

Cùng với Trường Mầm non Ái Quốc, TP Hải Dương cũng sáp nhập Trường Mầm non Ngọc Châu và Trường Mầm non Phú Lương thành Trường Mầm non Ngọc Châu, sáp nhập Trường Tiểu học Nam Đồng và Tiểu học Kim Đồng thành Trường Tiểu học Nam Đồng. Sắp tới, khi sáp nhập 2 xã An Châu và Thượng Đạt, sẽ sáp nhập các trường tiểu học cùng cấp, thành lập mới 3 trường: Mầm non An Thượng, Tiểu học An Thượng và THCS An Thượng.

Về cơ sở vật chất, để bảo đảm cho việc dạy và học của Trường Mầm non Ái Quốc, TP Hải Dương đang xây trường tập trung với diện tích gần 9.000m2, quy mô 16 phòng học, đầy đủ phòng, ban chức năng. Khi hoàn thiện, đây sẽ là ngôi trường khang trang, đáp ứng cho 350 học sinh hiện đang học phân tán tại 6 điểm trường thuộc Trường Mầm non Ái Quốc cũ.

Với các trường còn lại sau khi sáp nhập, theo ông Trần Hồ Đăng, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Dương, các trường chọn một trường có cơ sở vật chất tốt nhất để làm cơ sở chính. Tùy theo quy mô trường, lớp, các trường có thể sử dụng cơ sở vật chất hiện có làm phân hiệu để duy trì các hoạt động của nhà trường. Sau khi sáp nhập các trường, thành phố cũng sẽ cân đối nguồn lực và đầu tư, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa phòng học, di dời phòng học từ điểm lẻ đến điểm chính, các công trình nhà ở cho học sinh, bếp ăn, nước sạch, nhà vệ sinh…

Tại một số địa phương khác trong tỉnh, sau sáp nhập, nhà trường đã chủ động bố trí sử dụng, khai thác hợp lý các phòng dư thừa để tạo thêm không gian cho các hoạt động dạy và học. Đơn cử, tại Trường Tiểu học và THCS Hồng Phong (Nam Sách), nhà trường đã cải tạo phòng họp hội đồng và nhà truyền thống để làm phòng học; hội trường ở trường tiểu học được sửa sang thành nơi tổ chức các hoạt động thể chất cho học sinh; còn phòng y tế, phòng công đoàn, Đoàn – Đội của trường được dùng làm phòng sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn…

Bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, giáo viên

Cô trò Trường Mầm non Ái Quốc (TP Hải Dương). Ảnh: Mạnh Minh- TTXVN

Sau khi sáp nhập, Trường Mầm non Ái Quốc có 7 cán bộ quản lý, trong đó có 1 hiệu trưởng và 6 hiệu phó. Theo cô giáo Vũ Thị Hạnh, căn cứ quy định thì trường đang thừa 3 hiệu phó. “Nhà trường cũng mong tới đây, việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý dôi dư sẽ được phù hợp và tránh thiệt thòi cho các giáo viên, trong đó có người đã hơn 10 năm giữ cương vị quản lý”, cô Hạnh chia sẻ.

Theo Đề án “Tổ chức, sắp xếp các trường mầm non, phổ thông công lập tỉnh Hải Dương giai đoạn 2019 - 2021”, dự kiến đến năm 2021, toàn tỉnh sẽ giảm ít nhất 10% số trường mầm non, phổ thông công lập so với năm 2015. Đồng thời, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động dạy và học, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp giáo dục.

Thống kê mới nhất của Sở Giáo dục và Đào tạo cho thấy đến nay, toàn tỉnh đã sáp nhập 72 trường mầm non, tiểu học, THCS để thành lập mới 36 trường, giảm 36 trường. Trong đó, sáp nhập 50 trường học cùng cấp để thành lập mới 25 trường, giảm được 25 trường; sáp nhập 22 đơn vị khác cấp học để thành lập mới 11 trường liên cấp tiểu học và THCS ở huyện Nam Sách, Bình Giang và TP Chí Linh, giảm được 11 trường.

Theo đánh giá bước đầu của Sở Giáo dục và Đào tạo, việc sáp nhập các trường mầm non, tiểu học, THCS đang được thực hiện đúng với kế hoạch, lộ trình và đúng nguyên tắc sắp xếp. Cán bộ quản lý không đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện thì bố trí công việc khác hoặc thực hiện chính sách về hưu trước tuổi, tinh giản biên chế theo quy định. Số lượng hiệu phó của đơn vị mới sáp nhập có thể cao hơn quy định nhưng khi hiệu phó nghỉ hưu hoặc điều chuyển công tác khác thì không được bổ sung, đồng thời, có phương án điều chuyển, sắp xếp số lượng hiệu phó trong thời hạn tối đa 3 năm kể từ khi sáp nhập. Nếu điều chuyển giữ chức vụ thấp hơn thì sẽ được bảo lưu phụ cấp chức vụ đến hết thời hạn bổ nhiệm.

Cùng với đó, các giáo viên âm nhạc, mỹ thuật, tiếng Anh, tin học, giáo dục thể chất dạy được ở tiểu học và trung học cơ sở đối với những trường sáp nhập hai cấp học này. Trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu, trường phải có kế hoạch cử đi đào tạo bổ sung.

Những giáo viên dôi dư do sáp nhập nhiều trường cùng cấp học, trường có thể xây dựng kế hoạch cử đi đào tạo bổ sung để dạy được hai môn phù hợp với đơn vị, năng lực, sở trường, điều kiện của giáo viên. Viên chức và người lao động dôi dư do sáp nhập sẽ được điều động đến nơi thiếu, bố trí làm việc liên trường, đào tạo bổ sung hoặc giải quyết chế độ chính sách theo quy định của pháp luật.

Dự kiến, đến năm 2021, tỉnh giảm thêm 78 trường mầm non, tiểu học và THCS. Đồng thời, theo lộ trình, đến năm 2021, tỉnh tiếp tục tổ chức, sắp xếp số trường còn lại, bảo đảm mỗi đơn vị hành chính cấp huyện giảm một trường trung học phổ thông công lập bằng hình thức sáp nhập cùng cấp, chuyển đổi mô hình hoạt động sang cơ chế tự chủ hoặc thành loại hình tư thục.

Theo TTXVN