Hồ rò rỉ, đập tràn phơi nắng

Kinh tế - Ngày đăng : 10:10, 10/11/2019

Khởi động đã 4 năm nhưng đến nay Dự án "Sửa chữa và nâng cao an toàn đập" mới bắt đầu được khơi thông.

Đập tràn nhiều hồ chỉ để phơi nắng

Các cấp, các ngành, đơn vị liên quan đang tập trung gỡ khó, phấn đấu hoàn thành dự án trước thời hạn quy định sử dụng vốn vay WB8 (Ngân hàng Thế giới tài trợ).

Xuống cấp nghiêm trọng

Hồ Chín Thượng ở Bắc An (TP Chí Linh) có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho hơn 40 ha đất nông nghiệp của xã này. Đây gần như là nguồn nước duy nhất để chống hạn cho địa phương nhưng hồ lại đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

Hồ được xây dựng cách đây gần 60 năm, do không được tu sửa thường xuyên nên có hiện tượng thấm ở phần chân đập, cống điều tiết rò rỉ, thẩm lậu, lòng hồ bị bồi lắng... khả năng trữ nước giảm. Năm nay, do ít mưa nên lượng nước trữ trong hồ hiện chỉ đạt 2,55 m, thấp hơn so với trung bình mọi năm khoảng 50 cm. 

Ở hồ Bến Tắm Ngoài (phường Bến Tắm), hệ thống tràn, cống điều tiết đều đã cũ và lạc hậu. Thân đập chưa được kè, do tác động của sóng vỗ làm một số đoạn bờ bị sạt trượt, phần lớn diện tích lòng hồ bồi lắng đến 2 m nên khả năng trữ nước giảm.

"Hồ này phục vụ nước tưới cho hơn 100 ha đất nông nghiệp. Những năm gần đây cứ đổ ải xong là hồ hết nước, phải lấy nước từ hồ Bến Tắm Trong", ông Trương Mạnh Sơn, Cụm trưởng Cụm thủy nông Đông Bắc cho biết.

TP Chí Linh hiện có 68 hồ thủy lợi. Do đa số đã xây dựng cách đây 40 - 50 năm nên các công trình hồ chứa có kết cấu đơn giản. Thân đập giữ nước thường làm bằng đất. Cửa điều tiết nước đơn giản, hạ cấp dần từ mực nước thiết kế đến đáy cống.

Một số đập tràn xả lũ còn bằng đất, chảy tự do. Trong nhiều năm quản lý vận hành khai thác, nhiều hồ, đập không được sửa chữa, tu bổ do kinh phí hạn hẹp; thân đập, cống tưới đã bị lún, nứt gẫy; lòng hồ bồi lắng nhiều. Gần đây, TP Chí Linh luôn phải sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn hồ đập xung yếu...

"Lưu vực các hồ chứa nước chịu cảnh nước thiếu, nước thừa, mưa to thì ngập úng và nắng vài ngày lại bị hạn hán đe dọa. Để bảo đảm sản xuất hiệu quả và ổn định, nhiều hồ, đập xả tràn đang rất cần được tu bổ, nâng cấp. Hầu hết lòng hồ phải được nạo vét sâu khoảng 2 m so với hiện trạng mới bảo đảm yêu cầu tích trữ nước", ông Nguyễn Quốc Gia, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi TP Chí Linh cho biết.

Tập trung đầu tư

Để bảo đảm an toàn hồ đập, UBND tỉnh đã đồng ý nâng cấp 11 hồ gồm Bến Tắm Trong (Phú Lợi), Bến Tắm Ngoài, Hố Vễn, Trại Sen, Chín Thượng, Cánh Gà, Hố Dầu, Nghè Lấm, Lộc Đa, Đá Trắng và Hố Gỗ.

Dự án "Sửa chữa và nâng cao an toàn đập"- tiểu dự án tỉnh Hải Dương được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông qua chủ trương từ năm 2015 có tổng vốn đầu tư khoảng 7,86 triệu USD (tương đương với 176,83 tỷ đồng) từ nguồn vốn WB8; phần vốn đối ứng của tỉnh là 0,4 triệu USD (tương đương 9,22 tỷ đồng); thời gian thực hiện từ năm 2016 - 2022.

Mục tiêu dự án là khôi phục và bảo đảm an toàn công trình thông qua sửa chữa, nâng cấp các hồ, đập đã bị xuống cấp hoặc thiếu năng lực xả lũ...

Mặc dù vậy, theo thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình, dự án thời điểm đó thì việc nâng cao 11 hồ, đập thủy lợi nêu trên chưa cấp thiết nên tỉnh ta chưa chấp thuận vay vốn ODA để thực hiện.

Giai đoạn đầu từ năm 2016, dự án được giao cho Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh làm chủ đầu tư nhưng đơn vị này mới chỉ lập một số báo cáo. Do vướng mắc về mặt thủ tục nên đến thời điểm bàn giao cho chủ đầu tư mới là Ban Quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng tỉnh vẫn chưa có hạng mục nào được triển khai.

Từ tháng 11.2018 đến nay, sau khi tiếp nhận dự án, BQL dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã hoàn thành công tác khảo sát địa hình, địa chất, an toàn đập, an toàn môi trường... nhưng quá trình thực hiện vay vốn ODA phát sinh nhiều thủ tục phức tạp.

Theo khung quy định của dự án sử dụng vốn WB8 phải sử dụng đồng thời 3 nguồn vốn là Chính phủ vay ODA và không hoàn lại; phần vốn ODA tỉnh vay lại của Chính phủ và nguồn đối ứng của ngân sách địa phương.

Năm 2018, Chính phủ đã vay WB8 để hỗ trợ dự án, xác định nguồn đợt 1 là 35 tỷ đồng nhưng do tỉnh chưa triển khai dự án nên cũng chưa bố trí nguồn đối ứng. Năm nay, Chính phủ chuyển tiếp 35 tỷ đồng sang, đồng thời chuyển thêm 45 tỷ đồng nữa, tỉnh cũng đã xác định đối ứng 4,8 tỷ đồng và triển khai làm thủ tục vay lại vốn ODA.

Từ đầu năm đến nay, BQL dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã tiến hành khảo sát thực tế và lập tiểu dự án, triển khai các thủ tục để trình Tổng cục Thủy lợi thỏa thuận kỹ thuật trong nửa đầu tháng 11.2019.

Tiếp đó, BQL xin ý kiến không phản đối của nhà tài trợ. Mục tiêu phấn đấu sẽ hoàn thiện các hồ sơ thủ tục thông qua các sở chuyên ngành để trình UBND tỉnh quyết định phê duyệt dự án đầu tư trước ngày 31.12.2019.

"Từ đầu năm 2020, các công việc đấu thầu khảo sát, thiết kế kỹ thuật, thi công sẽ được triển khai. Phấn đấu trong tháng 5.2020 sẽ triển khai thi công thực địa. Toàn bộ công việc thi công dự án sẽ phấn đấu hoàn thành trong năm 2021, sớm khoảng 1 năm so với yêu cầu của WB8", ông Nguyễn Anh Sơn, Phó Giám đốc Dự án WB8 tỉnh Hải Dương khẳng định.

THÀNH LONG - TRẦN HIỀN