Triển vọng nào cho thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1?

Bình luận - Ngày đăng : 19:29, 11/11/2019

Thực tế thì thỏa thuận giai đoạn 1 vẫn chưa được ký kết và vẫn có khả năng đổ vỡ giống như trong các vòng đàm phán trước.

Cơ hội lãnh đạo hai nước sớm gặp gỡ để “hòa giải thương mại” đang đứng trước nguy cơ bị bỏ lỡ

Trong bối cảnh những ngày gần đây liên tục có những thông tin liên quan đến việc đàm phán thương mại Mỹ-Trung đạt tiến triển và hai nước đồng ý gỡ bỏ thuế quan theo từng giai đoạn, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại vừa “dội gáo nước lạnh” khi tuyên bố ông vẫn chưa đồng ý dỡ bỏ thuế đối với hàng hóa Trung Quốc dù phía Trung Quốc muốn ông làm như vậy. Tuyên bố này đã khiến những hy vọng về việc hai nước sẽ sớm đạt được thỏa thuận thương mại trở nên rất khó đoán định.

Những thông tin trái chiều

Kể từ sau vòng đàm phán thương mại cấp cao gần đây nhất là vòng đàm phán thứ 13 tổ chức tại Washington ngày 10 và 11.10 vừa qua, Mỹ và Trung Quốc đã tạm thời phá vỡ được thế bế tắc với việc đạt nhất trí trên nguyên tắc về thỏa thuận một phần, hay còn gọi là thỏa thuận giai đoạn 1, nhằm làm giảm những thiệt hại “cấp bách” nhất của hai nền kinh tế.

Theo đó, hai nước nhất trí trên nguyên tắc rằng Trung Quốc đồng ý mua nông sản của Mỹ với lượng hàng trị giá từ 40 đến 50 tỷ USD, hơn gấp đôi so với mức chưa đến 20 tỷ USD của năm 2017. Đổi lại, chính quyền Mỹ tạm hoãn việc áp thuế từ 25% lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, vốn trước đó được dự kiến áp dụng vào ngày 15-10.

Hai bên cũng đã đạt được một số tiến bộ gồm mở cửa nền kinh tế Trung Quốc cho các dịch vụ tài chính và ngăn chặn việc thao túng đồng nhân dân tệ. Bắc Kinh đồng ý "minh bạch hơn" về cách định giá đồng nhân dân tệ và sẽ mở cửa thị trường cho các ngân hàng, các nhà cung cấp dịch vụ tài chính hàng đầu của Mỹ. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đồng ý tăng cường bảo vệ các tài sản trí tuệ của Mỹ.

Đây mới chỉ là thỏa thuận mang tính nguyên tắc vì ở thời điểm đó văn bản vẫn chưa được soạn thảo. Các chi tiết của thỏa thuận này được hai bên nhất trí sẽ thảo luận sau đó. Nhưng dù vậy, kết quả trên vẫn đem lại những hiệu ứng lạc quan đối với cả hai bên vì đây là dấu hiệu cho thấy bất đồng trong vấn đề thương mại đã được thu hẹp, hai bên đang nỗ lực tạo lòng tin để hướng tới các cuộc đàm phán thực chất và hiệu quả trong tương lai gần.

Kể từ sau cuộc đàm phán thứ 13 trên, hai bên đã rất tích cực đàm phán. Phía Trung Quốc đánh giá rằng hai bên đã tiến hành các cuộc thảo luận “nghiêm túc và mang tính xây dựng” về những vấn đề thương mại cốt lõi, đồng thời thảo luận về việc thu xếp cho các cuộc tham vấn tiếp theo. Trong khi đó, Nhà Trắng cũng đưa ra tuyên bố rằng các đại diện thương mại của hai nước đã “đạt tiến triển” trong một loạt lĩnh vực và đang trong quá trình giải quyết các vấn đề còn tồn tại.

Trong một thông báo mới từ phía Trung Quốc ngày 7.11, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho biết trong vòng 2 tuần, Trung Quốc và Mỹ đã đạt được nhiều tiến triển trong đàm phán và hai nước đã nhất trí sẽ bãi bỏ thuế, vốn đã được hai bên áp đặt lên nhau trong cuộc chiến thương mại kéo dài nhiều tháng qua, theo từng giai đoạn.

Theo ông Cao Phong, Trung Quốc và Mỹ cần đồng thời bãi bỏ một số thuế đối với hàng hóa của mỗi bên để đạt một thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Việc bãi bỏ thuế là một điều kiện quan trọng để đạt bất kỳ một thỏa thuận nào. Tương quan thuế bãi bỏ cần phải như nhau, và bao nhiêu thuế cần phãi bãi bỏ có thể được đàm phán. Ông Cao Phong nhấn mạnh chiến tranh thương mại bắt đầu bằng thuế và cần phải chấm dứt bằng việc bãi bỏ thuế.

Ngoài ra, một số nguồn tin còn cho biết các nhà đàm phán Trung Quốc muốn đề nghị Mỹ giảm 15% thuế đối với khoảng 125 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, bao gồm mặt hàng quần áo, đồ gia dụng. Những mặt hàng này vốn đã bị Mỹ áp thuế 15% từ ngày 1.9 vừa qua. Trung Quốc cũng muốn Mỹ giảm bớt mức thuế 25% đối với khoảng 250 tỷ USD hàng hóa là máy móc và chất bán dẫn.

Giới phân tích cho rằng nếu Mỹ đồng ý thực hiện bỏ một số khoản thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc như trên thì quyết định này của Mỹ sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho một thỏa thuận đình chiến thương mại trong một ngày gần đây.

Tuy nhiên, đó chỉ là những kỳ vọng của Trung Quốc, còn thực tế thì trong buổi trả lời các phóng viên tại Nhà Trắng ngày 8.11, khi được hỏi về việc liệu có bãi bỏ thuế áp đặt đến nay đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá gần 400 tỷ USD hay không, Tổng thống Trump cho biết ông không đồng ý bãi bỏ các mức áp thuế hiện tại đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc như một phần của thỏa thuận nhằm giải quyết cuộc chiến tranh thương mại kéo dài giữa hai nước.

Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro ngày 8.11 cho biết thêm rằng Mỹ có thể hoãn áp thuế nhập khẩu mới đối với hàng hóa của Trung Quốc, dự kiến có hiệu lực vào tháng 12 tới, nhưng không có ý định rút lại các mức áp thuế đã thực hiện.

Những thông tin trái chiều trên cho thấy sự mâu thuẫn vẫn còn tồn tại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới và có thể bùng phát bất kỳ lúc nào.

Tiến triển song vẫn thận trọng

Theo các nhà phân tích, không thể phủ nhận các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc đang có tiến triển song đến nay vẫn chưa thể lạc quan về một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại giữa hai “người khổng lồ” về kinh tế này trong tương lai gần.

Thực tế thì thỏa thuận giai đoạn 1 vẫn chưa được ký kết và vẫn có khả năng đổ vỡ giống như trong các vòng đàm phán trước. Tuy những cam kết của hai bên tại vòng đàm phán 13 được coi là một bước tiến quan trọng trong việc xoa dịu căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này và cho thấy hai bên đang tiến gần hơn tới 1 thỏa thuận, song theo như Tổng thống Trump đánh giá thì các cuộc đối thoại vẫn còn chậm chạp.

Các nhà phân tích cho rằng kể cả khi hai nước trong thời gian tới có thể đi đến ký kết thỏa thuận giai đoạn 1 thì thỏa thuận một phần này được đánh giá mới chỉ là các biện pháp hoãn tăng thuế tạm thời, trong khi những vấn đề gai góc nhất trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung thì đến nay vẫn chưa được bàn tới.

Trường hợp sau khi đã ký được thỏa thuận giai đoạn 1, thì trong các cuộc đàm phán kế tiếp, có thể phía Mỹ sẽ yêu cầu Trung Quốc phải đưa ra thêm nhượng bộ mang tính “có đi có lại”, bao gồm tăng cường các điều khoản về bảo vệ sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Mỹ, tăng quy mô thu mua nông sản Mỹ… Còn Trung Quốc thì có thể không dễ chấp nhận các yêu cầu này.

Ngoài ra, kể cả khi chính quyền Trump đồng ý dỡ bỏ một số khoản thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc thì quyết định này cũng được xem là có thể vấp phải sự phản đối của những quan chức thuộc phái “diều hâu” trong chính quyền Mỹ.

Các quan chức có tư tưởng cứng rắn trong chính quyền Trump và trong Quốc hội Mỹ lo ngại nếu Washington dỡ bỏ thuế quan sẽ khiến Mỹ bị mất ảnh hưởng, một động thái được đánh giá không hề có lợi khi ông Trump tái tranh cử vào năm 2020.

Một vấn đề khách quan khác cũng đang gây trở ngại cho đàm phán thương mại Mỹ-Trung Quốc là việc Chile vừa tuyên bố không đăng cai Hội nghị cấp cao APEC như kế hoạch. Vì thế mà cơ hội sớm gặp gỡ giữa lãnh đạo hai nước để “hòa giải thương mại” đứng trước nguy cơ bị bỏ lỡ.

Sau khi Chile hủy đăng cai hội nghị APEC, nhiều địa điểm đã được đề xuất cho cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình như Alaska, Hawaii, Thụy Điển, Thụy Sỹ, hoặc cũng có thể là London (Anh), nơi hai nhà lãnh đạo có thể gặp nhau sau hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà Tổng thống Trump dự kiến sẽ tham dự trong các ngày 3 và 4.12 tới. Tổng thống Trump cũng từng nói ông muốn ký thỏa thuận này tại Mỹ, có thể là ở Iowa. Tuy nhiên, thực tế đến nay Tổng thống Mỹ chưa đưa ra đề xuất cụ thể thời điểm sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Với bất đồng chiến lược và lợi ích lớn giữa Trung Quốc và Mỹ cũng như những yếu tố không được “thiên thời địa lợi” nêu trên, xem ra dù tiến trình đàm phán đã xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực, nhưng một thỏa thuận thương mại căn bản giữa hai nền kinh tế đầu tàu thế giới vẫn còn rất khó đoán.

Theo TTXVN