Đâu là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng chính trị tại Bolivia?

Bình luận - Ngày đăng : 21:02, 11/11/2019

Tổng thống Bolivia Evo Morales đã phải tuyên bố từ chức khi các cuộc biểu tình bạo loạn phản đối kết quả bầu cử do phe đối lập phát động tại tất cả các địa phương trên cả nước lên đến đỉnh điểm.

Tổng thống Bolivia Evo Morales (giữa) trong cuộc họp báo tại El Alto ngày 10.11. Ảnh: AFP/TTXVN

Ba tuần sau khi tuyên bố tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 4, Tổng thống Bolivia Evo Morales đã buộc phải tuyên bố từ chức khi các cuộc biểu tình bạo loạn phản đối kết quả bầu cử do phe đối lập phát động tại tất cả các địa phương trên cả nước đã lên đến đỉnh điểm. Tình hình căng thẳng tại Bolivia khiến Liên hợp quốc và nhiều nước Mỹ Latinh bày tỏ quan ngại.

Khủng hoảng lên đến đỉnh điểm

Trong cuộc tổng tuyển cử tại Bolivia diễn ra ngày 20.10 vừa qua, đương kim Tổng thống Morales đã giành chiến thắng ngay tại vòng một với hơn 46,87% số phiếu ủng hộ và tái đắc cử lần thứ tư.

Theo luật bầu cử Bolivia, ứng cử viên nào đạt trên 50% số phiếu bầu hoặc từ 40% với khoảng cách 10% so với người liền kề phía sau sẽ là người chiến thắng ngay tại vòng 1.

Tuy nhiên, phe đối lập kiên quyết không công nhận kết quả khi cho rằng có sự gian lận bầu cử. Sau cuộc bầu cử, phe đối lập đã phát động làn sóng biểu tình tại Bolivia nhằm gia tăng sức ép buộc Tổng thống Morales từ chức.

Khi mà phe đối lập cho rằng có sự gian lận bầu cử, phái đoàn quan sát viên của Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) đã đề cập tới việc gián đoạn trong quá trình cập nhật kết quả bầu cử như là một trong những “sai sót đáng kể” làm suy yếu độ tin cậy và minh bạch cần thiết.

Sau đó, chính phủ Bolivia đã đề nghị OAS thực hiện một cuộc thanh tra toàn diện quá trình bầu cử và kiểm phiếu để xóa đi những nghi vấn. Tuy nhiên, kết quả thanh tra của OAS được công bố ngày 10.11 đã trở thành một “viên đạn” chống lại chính phủ của Tổng thống Morales.

Trong thông báo chính thức được đưa ra, OAS cho rằng có "nhiều sự bất thường" trong quá trình nạp kết quả cuộc bầu cử vào hệ thống. Cơ quan này cho rằng không thể xác định kết quả bỏ phiếu và nghi ngờ chiến thắng của Tổng thống đương nhiệm Morales, đồng thời khuyến cáo hủy bỏ kết quả cuộc bầu cử để tiến trình bầu cử lại khi hội tụ đầy đủ các điều kiện, trong đó có việc thành lập một cơ quan bầu cử mới.

Sau kết quả thanh tra bầu cử của OAS, Tổng thống Bolivia Morales đã chấp nhận tổ chức lại cuộc tổng tuyển cử nhằm tìm kiếm hòa bình cho đất nước.

Mặc dù Tổng thống Morales tuyên bố sẽ tổ chức lại cuộc bầu cử tổng thống song làn sóng biểu tình bạo loạn vẫn diễn biến nghiêm trọng, lực lượng vũ trang và cảnh sát Bolivia đã yêu cầu Tổng thống từ chức để giữ hòa bình cho đất nước.

Ngay sau đó, hàng loạt các quan chức cấp cao Bolivia đã đồng loạt từ chức, gồm Bộ trưởng Khai thác mỏ, Bộ trưởng Khí đốt, Chủ tịch Hạ viện và Thứ trưởng Ngoại giao do sức ép gia tăng từ các hoạt động biểu tình của phe đối lập kêu gọi Tổng thống Morales phải từ chức.

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang trong các cuộc biểu tình tại Bolivia dẫn đến làn sóng từ chức của hàng loạt quan chức chính phủ cùng sức ép của quân đội và cảnh sát, ngày 10.11, Tổng thống Bolivia Morales đã tuyên bố từ chức sau gần 14 năm cầm quyền.

Sau khi tuyên bố từ chức, Tổng thống Bolivia Morales khẳng định không chạy trốn và sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh cùng với nhân dân Bolivia để giữ lại những thành quả mà chính phủ của ông đã tạo dựng được trong hơn 1 thập kỷ qua.

Phát biểu họp báo, nhà lãnh đạo cánh tả Bolivia tố cáo ông là nạn nhân của một cuộc đảo chính và ông buộc phải từ chức để tránh một cuộc đổ máu không cần thiết và vì sự bình yên của đất nước.

Ông Morales khẳng định chính phủ của mình đã để lại một đất nước với nhiều tiến bộ xã hội, tăng trưởng kinh tế ổn định, một đất nước Bolivia tự do và có tương lai tươi sáng.

Ông cũng kêu gọi phe đối lập không nên phá hoại những thành quả mà đất nước đang có được về công bằng xã hội, tăng trưởng kinh tế và giảm thiểu đói nghèo, đồng thời bày tỏ hy vọng mô hình tự do mới không quay lại thống trị tại Bolivia.

Cũng trong ngày 10.11, Tổng thống Bolivia vừa từ chức Evo Morales đã lên án lệnh bắt giữ "trái phép" nhằm vào ông mà lực lượng cảnh sát nước này công bố mới đây. Trong khi đó, hãng tin Reuters dẫn tuyên bố của cảnh sát Bolivia cho biết không có lệnh bắt giữ nào nhằm vào ông Morales.

Đâu là nguyên nhân?

Theo các nhà phân tích, mặc dù cuộc khủng hoảng tại Bolivia bùng phát khi xuất hiện những tố cáo gian lận liên quan tới cuộc bầu cử vừa diễn ra, song bản chất những căng thẳng trong xã hội Bolivia đã ngấm ngầm từ rất lâu với một trong những nguyên nhân sâu xa là việc Tổng thống Morales liên tục tái tranh cử trong suốt gần 2 thập kỷ qua.

Tổng thống Morales đã nắm quyền tại Bolivia từ tháng 1.2006. Không thể phủ nhận kể từ khi lên nắm quyền, nhà lãnh đạo cánh tả này được nhìn nhận rộng rãi là vị nguyên thủ có dấu ấn sâu đậm nhất trong lịch sử Bolivia và dẫn dắt một chính phủ hiếm hoi tại khu vực vừa gặt hái những thành tựu xã hội to lớn, vừa có kết quả phát triển kinh tế nhanh và ổn định.

Với nhiều chính sách phù hợp với thực tế đất nước, chú trọng phục vụ lợi của người dân trong suốt những năm qua, chính phủ của Tổng thống Morales đã đưa Bolivia từ một đất nước nghèo đói, lạc hậu, chậm phát triển trở thành một mô hình phát triển bền vững hàng đầu ở Mỹ Latinh.

Việc giảm thiểu được tỷ lệ đói nghèo và mù chữ cũng như phân chia nguồn tài nguyên một cách công bằng và hiệu quả của chính quyền Tổng thống Morales đã được cộng đồng quốc tế công nhận.

Chính nhờ những thành tích này, ông đã tái đắc cử 2 lần vào các năm 2009 và 2014 ngay tại vòng bầu cử đầu tiên với tỷ lệ trên 60% số phiếu ủng hộ, cao hơn rất nhiều tỷ lệ 54% mà ông giành được lần đầu năm 2005.

Trong nhiệm kỳ thứ ba của Tổng thống Morales, nền kinh tế Bolivia tiếp tục khởi sắc. Theo các số liệu chính thức, trong hai năm 2016-2017, kinh tế Bolivia đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 4,9%, với 3 triệu người thoát nghèo.

Theo báo cáo về triển vọng kinh tế thế giới, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định Bolivia tiếp tục là nền kinh tế dẫn đầu khu vực Nam Mỹ về tốc độ tăng trưởng trong năm 2018 với mức tăng 4,3%, đồng thời dự báo kinh tế nước này sẽ tiếp tục xu hướng tăng trưởng khởi sắc trong hai năm tiếp theo.

Trong năm qua, quốc gia vùng Andes này cũng đã giảm được nợ nước ngoài xuống mức thấp kỷ lục, tức dưới mức giới hạn mà các tổ chức quốc tế đặt ra là dưới 50% GDP. Cụ thể, theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Bolivia, nợ nước ngoài của nước này giảm từ 52% xuống còn 24,8% GDP trong giai đoạn 2005-2018.

Không chỉ đạt được thành tựu về phát triển kinh tế, dưới thời chính quyền Tổng thống Morales, nỗ lực phòng chống và đấu tranh chống tội phạm ma túy của Bolivia trong những năm gần đây luôn được ghi nhận bởi các tổ chức đa phương quốc tế, trong đó có Cơ quan chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) và Liên minh châu Âu (EU). Bolivia tích cực hợp tác với các nước trong khu vực để triệt phá các băng nhóm buôn ma túy xuyên quốc gia. Đặc biệt, Bolivia cũng thành công trong việc giảm diện tích trồng cây coca, nguyên liệu chính để sản xuất cocaine.

Tuy nhiên, trong khi hiến pháp Bolivia qui định mỗi Tổng thống chỉ được nắm quyền trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp thì Tổng thống Morales đã trải qua 3 nhiệm kỳ và trong cuộc bầu cử hôm 20.10 ông đã tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 4 và đáng ra sẽ lãnh đạo đất nước đến năm 2025.

Để có thể làm được điều này, chính phủ đã phải nhờ tới những phán quyết của Tòa án Hiến pháp để cho phép ông Morales tiếp tục ra ứng cử cho dù hồi đầu năm 2016, hơn một nửa số cử tri đã bỏ phiếu chống lại việc nhà lãnh đạo này có thể tiếp tục ra ứng cử.

Các cuộc biểu tình phản đối chính phủ bùng phát mạnh mẽ cách đây 3 tuần, song dư luận đã nhận thấy những khó khăn mà chính phủ của ông Morales sẽ phải đối mặt trước sự phản đối của phe đối lập khi họ không hề muốn nhà lãnh đạo này tiếp tục ra tranh cử, cho dù ông là người góp công lớn trong công cuộc hồi sinh đất nước Bolivia.

Cộng đồng quốc tế quan ngại

Trước tình hình tại Bolivia, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây tại quốc gia Nam Mỹ này sau các cuộc biểu tình bạo lực dẫn tới việc Tổng thống Morales từ chức.

Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric, kêu gọi các bên liên quan tránh hành động bạo lực, gây căng thẳng và kiềm chế hết mức. Tuyên bố nhấn mạnh các bên cần tuân thủ luật pháp, đặc biệt là các nguyên tắc về quyền con người, đồng thời kêu gọi  nỗ lực hướng tới một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng hiện nay, cũng như bảo đảm sự minh bạch và đáng tin cậy cho các cuộc bầu cử sắp tới.

Sau tuyên bố từ chức của Tổng thống Bolivia Morales, đã có nhiều nước Mỹ Latinh bày tỏ sự ủng hộ đối với với ông Morales.

Chính phủ Nicaragua ra thông cáo lên án mạnh mẽ cái gọi là "cuộc đảo chính" tại Bolivia. Thông cáo của Chính phủ Tổng thống Daniel Ortega bày tỏ tự sự phản đối đối việc các hành động "phát-xít" phớt lờ hiến pháp, luật pháp và các cơ quan đang điều hành quốc gia này.

Cựu Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, người vừa được thả tự do khi đang phải chấp hành bản án về tội tham nhũng, cũng lên án hành động đảo chính nhằm vào nhà lãnh đạo Bolivia.

Chính phủ Peru đã ra tuyên bố kêu gọi nhanh chóng khôi phục hòa bình và hòa hợp ở Bolivia. Trong tuyên bố, Chính phủ Peru hối thúc tổ chức các cuộc bầu cử minh bạch với sự hỗ trợ của OAS và các tổ chức quốc tế. Peru cũng kêu gọi bảo đảm một tiến trình chuyển tiếp theo đúng Hiến pháp tại Bolivia.

Chính phủ Colombia đã kêu gọi triệu tập một cuộc họp khẩn của OAS nhằm hỗ trợ tìm kiếm giải pháp về tình hình Bolivia. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Colombia nhấn mạnh Chính phủ của Tổng thống Ivan Duque quan tâm tới các sự kiện gần đây xảy ra tại Bolivia, sau khi OAS có báo cáo sơ bộ về cuộc kiểm tra kết quả bầu cử hôm 20.10 vừa qua tại quốc gia Nam Mỹ này và sau đó là sự kiện Tổng thống Morales tuyên bố từ chức.

Colombia mời đại diện của các tổ chức nhà nước thuộc nhiều đảng chính trị, xã hội khác cùng hợp tác nhằm giúp La Paz bảo đảm quá trình chuyển giao chính phủ một cách hòa bình, tuân thủ nghiêm các quy định của hiến pháp, hệ thống pháp luật của Bolivia với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã gọi sự kiện tại Bolivia là "cuộc đảo chính" tại Bolivia.

Cuba đã chỉ trích mạnh mẽ việc Tổng thống Bolivia Evo Morales phải tuyên bố từ chức mà theo La Habana là một cuộc "đảo chính". Trên trang Twitter cá nhân, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez cho biết Cuba "bày tỏ tình đoàn kết với người tổng thống anh em Evo Morales", khẳng định ông là "một nhân vật chính và là một biểu tượng cho quyền của người dân bản địa ở châu Mỹ".

Theo TTXVN