Vượt biên trái phép - cược cả mạng sống
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 06:19, 12/11/2019
Bạn anh Hoàng Văn P. (Kinh Môn) trong lần vượt biên trái phép, đi trước là môi giới người Việt Nam dẫn đường bằng đường bộ qua tỉnh Lạng Sơn sang Trung Quốc
Hành động này không những vi phạm pháp luật mà còn có thể mang đến những kết cục bi thương cho người lao động.
Bỏ mạng
Đến nay, danh tính của 39 người thiệt mạng trong xe chở container đông lạnh ở Anh đã được công bố. Tất cả đều là người Việt Nam ở các tỉnh, thành phố gồm Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Hải Phòng và Hải Dương.
Theo công bố của Bộ Công an, nạn nhân duy nhất của Hải Dương được xác định là anh Trần Ngọc H. ở phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương). Anh H. còn rất trẻ, từng học nghề cắt tóc và làm móng (nail). Có thể anh H. lựa chọn VBTP sang Anh để làm nghề này, vì nhiều người Việt ở Anh làm nghề này có mức thu nhập cao.
Vào năm 2017, ngư dân Trung Quốc vớt được 9 thi thể người Việt Nam tại vùng biển thuộc tỉnh Quảng Đông. Số người này được cho là VBTP vào Trung Quốc để lao động bất hợp pháp. Trong đó có anh Nguyễn Văn D. (sinh năm 1986) ở xã Tiền Tiến (Thanh Hà).
Vào thời điểm đó, người thân của anh D. cũng xác nhận anh rời khỏi nhà vào khoảng tháng 3 cùng năm. Khi đi, anh D. đã nhắn tin về cho người thân báo sang Trung Quốc làm việc. Chính quyền địa phương cho biết anh D. không làm bất cứ thủ tục hồ sơ xác nhận nào đi làm việc ngoài địa phương.
Anh Trần Văn T. ở thị xã Kinh Môn từng VBTP sang Trung Quốc vào cuối năm 2015. Đến giờ, dù đã hồi hương nhưng mỗi khi nhớ đến những ngày VBTP anhT. vẫn không khỏi rùng mình. “Tôi không nghĩ rằng con đường VBTP lại nguy hiểm đến vậy.
Hết đi đường sông lại đi đường bộ, lúc đi ô tô, lúc đi xe máy. Do phải trốn tránh cơ quan chức năng nên chúng tôi chủ yếu đi đường rừng. Những đoạn đường nhỏ trơn trượt, bên cạnh vực sâu khiến tôi thót tim. Cứ mỗi lần xe dừng lại, tôi mới thở phào vì biết mình còn sống”, anh T. kể.
Không phải “miền đất hứa”
Nếu VBTP thành công thì người lao động cũng phải đối mặt với việc sống và lao động bất hợp pháp ở nước sở tại. Anh T. kể sau khi sang Trung Quốc, anh vào làm việc trong một xưởng mộc. Làm cùng anh còn có 3 người Việt khác. Công việc của các anh làm rất vất vả, không khác gì cửu vạn ở Việt Nam.
Do không biết tiếng Trung nên ông chủ bảo gì làm nấy, cho gì ăn nấy. Mỗi tuần các anh chỉ được ăn 1 quả trứng và 1 khúc cá kho, còn lại chủ yếu là ngô và đậu tương kho. Không ít lần đang làm việc các anh phải trốn vào rừng, tìm chỗ ngủ qua đêm tránh sự truy quét của cơ quan chức năng. Thời gian chạy trốn mọi người phải nhịn đói, chờ tín hiệu an toàn từ phía chủ mới quay lại làm.
Anh Hoàng Văn P. ở xã Lạc Long (Kinh Môn) cũng đã từng 3 lần VBTP sang Trung Quốc lao động. Theo anh P., khi đã VBTP lao động bất hợp pháp thì phải chịu hoàn toàn sự may rủi. Anh P. từng làm việc 12 tiếng/ngày, hầu như không dám đi đâu, cuộc sống như tù giam lỏng. Số phận nằm trọn trong tay chủ người Trung Quốc và người môi giới Việt Nam nên việc bị lạm dụng sức lao động, phải làm việc quá sức.
Dù quá nhiều rủi ro nhưng tại sao nhiều người vẫn lựa chọn VBTP đi làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài? Theo các anh P., T., do con đường này không tốn nhiều chi phí, có thể đi nhanh và làm được những công việc không đòi hỏi trình độ chuyên môn, tay nghề, không cần học tiếng.
Ở những nước phát triển như châu Âu, chính sách nhập cư của họ rất khắt khe, việc làm đối với lao động là người nước ngoài thường đòi hỏi phải có trình độ, tay nghề. Vì vậy, có nhiều lao động không đáp ứng được.
Nhưng nếu VBTP trót lọt vào những nước này, người lao động có thể có nguồn thu nhập cao. Trên thực tế ở tỉnh ta cũng như cả nước, một số người từng VBTP trở về với một khoản tiền khá lớn. Đó là những lý do khiến người lao động vẫn bất chấp nguy hiểm để VBTP sang nước ngoài làm việc bất hợp pháp.
Mới đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã có khuyến cáo dành cho lao động đi làm việc tại nước ngoài để bảo đảm an toàn, hợp pháp. Cục khẳng định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài theo các kênh không chính thống, sau đó ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trước hết là nguy cơ không tìm được việc làm, trở thành người cư trú bất hợp pháp, bị bắt giam, phạt tiền và bị trục xuất nếu bị phát hiện. Hoặc do không có hợp đồng lao động hợp pháp nên việc làm và thu nhập không bảo đảm, không được hưởng các chế độ bảo hiểm và không được pháp luật nước sở tại bảo hộ.
Nguy hiểm hơn họ có thể trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người, bị cưỡng bức lao động, bóc lột tình dục nhưng không được luật pháp nước sở tại bảo vệ. Ngoài ra, công dân tự do đi làm việc ở nước ngoài không đăng ký với các cơ quan chức năng của Việt Nam, không đăng ký công dân tại cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam tại nước mà họ đến làm việc.
Do vậy trong trường hợp gặp khó khăn, có phát sinh các vụ việc trong thời gian cư trú và làm việc, các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ khó tiếp cận, tư vấn hỗ trợ để bảo vệ họ.
THANH THẾ