Nguy hiểm đái tháo đường thai kỳ

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 12:21, 14/11/2019

​Đái tháo đường thai kỳ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, gây nguy hiểm cho bà mẹ và thai nhi nhưng có thể chủ động phòng ngừa, điều trị sớm.


Tư vấn cho thai phụ về các yếu tố nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

​Đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK) là tình trạng rối loạn dung nạp glucose, thường xuất hiện khi phụ nữ mang thai và tự khỏi sau khi sinh. Bệnh này ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, gây nguy hiểm cho bà mẹ và thai nhi nhưng có thể chủ động phòng ngừa, điều trị sớm.

Nhiều thai phụ mắc bệnh

Chị Phạm Thị Nh. ở huyện Nam Sách mang thai khi 36 tuổi. Do đã từng có tiền sử thai chết lưu nên lần này chị Nh. rất thận trọng. Chị bổ sung nhiều loại dưỡng chất trong chế độ ăn uống. Khi đến khám tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, chị Nh. được các bác sĩ tư vấn nên làm tầm soát để phát hiện ĐTĐTK vì phụ nữ có tiền sử thai chết lưu, mang thai đã trên 35 tuổi nằm trong nhóm nguy cơ cao mắc bệnh. Qua tầm soát, bác sĩ chẩn đoán chị Nh. mắc bệnh ĐTĐTK.

Chị Nguyễn Hà T. (33 tuổi) ở phường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương) không hề có các yếu tố nguy cơ mắc ĐTĐTK như béo phì, tăng cân quá mức trong quá trình mang thai, tiền sử gia đình cũng không có ai mắc đái tháo đường... Nhưng khi kiểm tra nước tiểu và lượng đường, chị Th. lại bị bệnh. Nguyên nhân do chị Th. cho rằng phải ăn nhiều, ăn cho hai người nên thường xuyên tẩm bổ nhưng lại quên tập luyện. Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh, chị phải điều chỉnh lại chế độ dinh dưỡng.

Cũng giống như chị Th., chị Đào Thị L. (25 tuổi) ở phường Thạch Khôi (TP Hải Dương) cũng không nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc ĐTĐTK. Bởi vậy, khi được chẩn đoán mắc bệnh này, chị L. khá bất ngờ. Vốn dĩ chị L. vẫn nghĩ chỉ các thai phụ béo phì từ trước khi mang thai hoặc tăng cân quá mức (hơn 3 kg/ tháng) mới dễ bị mắc bệnh.

Đây chỉ là 3 trong gần 60 trường hợp thai phụ được chẩn đoán mắc ĐTĐTK qua quá trình thực hiện nghiệm pháp dung nạp đường huyết tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trong vài tháng gần đây.

Có thể phòng ngừa hoặc điều trị sớm

Bác sĩ Phạm Thị Tú Anh, Trưởng Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết nhận thức của người dân đã nâng cao, nhiều người biết đến bệnh ĐTĐTK, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ những nguy hiểm mà bệnh gây ra.

Thai phụ mắc ĐTĐTK có thể tăng tỷ lệ sảy thai, thai chết lưu, sinh non, tăng huyết áp trong thai kỳ, nhiễm trùng tiết niệu, mổ lấy thai... Về lâu dài, các thai phụ mắc bệnh còn có nguy cơ bị đái tháo đường tuýp 2 và các biến chứng khác. ĐTĐTK sẽ làm tăng tỷ lệ dị tật thai, rối loạn tăng trưởng (thai quá to hoặc quá nhỏ). Thai quá to có thể gặp phải các sang chấn lúc sinh như trật khớp vai, gãy xương đòn. Thậm chí thai nhi có thể chết lưu đột ngột do đường huyết tăng quá cao mà không có bất kỳ dấu hiệu nào báo trước. Trẻ sơ sinh có mẹ bị ĐTĐTK dễ bị suy hô hấp, hạ đường huyết, hạ can xi, vàng da, nguy cơ mắc bệnh béo phì, tăng huyết áp, tim mạch khi trưởng thành.

Mặc dù nguy hiểm như vậy nhưng những biến chứng của ĐTĐTK có thể giảm nếu bệnh được phát hiện, quản lý tốt và điều trị sớm. Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh này là giữ lượng đường trong máu ở mức cân bằng, tránh nguy cơ tăng đường huyết trong giai đoạn mang thai. Trước hết cần tìm hiểu về các yếu tố gây bệnh như tình trạng béo phì, có tiền sử bị bệnh ở lần mang thai trước, có người trong gia đình mắc bệnh đái tháo đường…

Theo khuyến cáo của bác sĩ, phụ nữ có thai, đặc biệt các thai phụ có nguy cơ cao như trên 30 tuổi, thừa cân, béo phì, đã từng sinh con trên 3,5 kg... cần điều chỉnh lối sống để phòng ngừa bệnh. Lựa chọn thực phẩm lành mạnh, chế độ ăn uống hợp lý và tập thể dục là biện pháp chính để phòng chống ĐTĐTK. Thai phụ cần hạn chế ăn mặn, uống rượu bia, chất kích thích, giảm ăn ớt, hạt tiêu, tỏi... Giữ thói quen ăn uống lành mạnh ngay cả sau sinh để giảm nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2 và hội chứng chuyển hóa sau sinh.

Đối với thai phụ bị ĐTĐTK nên dành ít nhất 30 phút cho hoạt động thể chất, đi bộ hoặc tập tay lúc ngồi trong 10 phút sau ăn. Hiện các thuốc viên chưa được Bộ Y tế chấp thuận để điều trị cho phụ nữ mang thai bị đái tháo đường, do đó Insulin là thuốc duy nhất được chấp nhận sử dụng. Liều lượng Insulin và số mũi tiêm phụ thuộc vào mức tăng glucose.

Bác sĩ Tú Anh khuyến cáo thai phụ cần đi khám thai đúng lịch, tuân thủ chỉ định của bác sĩ và thường xuyên kiểm tra đường máu để có các biện pháp can thiệp kịp thời.

HUYỀN TRANG