Iraq vẫn chìm sâu trong bất ổn
Bình luận - Ngày đăng : 13:12, 14/11/2019
Cảnh sát phun vòi rồng để giải tán người biểu tình ở thủ đô Baghdad
Bất chấp những nỗ lực của chính quyền Iraq nhằm giải quyết những bất ổn trong nước như cam kết sẽ tiến hành bầu cử sớm, thực hiện các biện pháp cải cách…, các cuộc biểu tình ở Iraq vẫn tiếp diễn, đẩy quốc gia này chìm sâu trong bất ổn. Trong bối cảnh đó, cộng đồng quốc tế đã hối thúc giới chức Iraq nghiêm túc tiến hành cải cách để giải quyết tình hình bất ổn hiện nay sau khi diễn ra các cuộc biểu tình bạo lực khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Biểu tình diễn biến nghiêm trọng
Kể từ ngày 1.10, các cuộc biểu tình bắt đầu bùng phát tại nhiều thành phố của Iraq, trong đó có thủ đô Baghdad, để phản đối tình trạng mức sống của người dân sa sút và dịch vụ công yếu kém, tình trạng tham nhũng, những khó khăn kinh tế, nạn thất nghiệp và các dịch vụ công cộng nghèo nàn. Người biểu tình còn yêu cầu Thủ tướng Adel Abdul-Mahdi phải từ chức, chính quyền phải cải cách kinh tế, tạo việc làm, cải thiện dịch vụ công cơ bản và chấm dứt tình trạng tham nhũng kéo dài.
Đáng quan ngại là biểu tình diễn biến căng thẳng và đã leo thang thành các vụ đụng độ bạo lực và khiến hàng trăm người thiệt mạng. Theo Bộ Nội vụ Iraq, bạo lực bùng phát trong các cuộc biểu tình gần đây đã làm hơn 100 người thiệt mạng và hơn 6.100 người bị thương. Trong khi theo các số liệu không chính thức lại cho rằng, đã có đến 319 người thiệt mạng và hơn 12.000 người bị thương trong các cuộc biểu tình. Đây được xem là phong trào biểu tình lớn nhất và nghiêm trọng nhất ở Iraq trong nhiều thập niên qua.
Ngày 10.11, các cuộc biểu tình bạo lực chống chính phủ và phản đối tình trạng kinh tế yếu kém, thất nghiệp tràn lan tại Iraq lại bùng nổ ở nhiều thành phố. Tại thành phố Nassiriya, miền Nam Iraq, xung đột giữa lực lượng an ninh với người biểu tình làm ít nhất 3 người biểu tình chết và hơn 100 người bị thương. Lực lượng an ninh Iraq đã phải sử dụng các biện pháp như bắn cả đạn thật vào người biểu tình để kiểm soát tình hình, giải tán đám đông, đặc biệt là khi cuộc biểu tình có dấu hiệu trở nên căng thẳng. Tại thủ đô Baghdad, lực lượng an ninh đã bắn đạn hơi cay vào người biểu tình làm hơn 20 người bị thương. Trong khi đó, một người biểu tình bị thương từ hôm trước đã chết khi đang được điều trị tại bệnh viện…
Một thực tế là, chính phủ Iraq đang phải đối mặt thực tế vô cùng khó khăn, khi hai năm sau tuyên bố kết thúc cuộc chiến chống tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) mà tình hình an ninh chưa thật sự ổn định. Nhiều vụ đánh bom liều chết vẫn thường xuyên xảy ra. Ở một quốc gia giàu dầu mỏ nhưng hàng triệu người dân vẫn sống trong điều kiện tồi tệ. Nền kinh tế Iraq vốn phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu dầu thô, chiếm hơn 90% tổng thu nhập và 99% kim ngạch xuất khẩu, nhưng chính phủ Iraq hiện đang lâm vào cảnh rất khó khăn về tài chính do nguồn thu từ dầu mỏ sụt giảm. Cũng vì ngân sách hạn hẹp nên chính quyền Iraq đã không thể thực hiện đầy đủ các kế hoạch phát triển cả ở cấp quốc gia lẫn địa phương và hiện đang phải “giật gấu, vá vai” để cung cấp những dịch vụ công cộng cơ bản, trong đó có điện và nước sạch cho người dân. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ thất nghiệp trong giới thanh niên Iraq đã lên 25%.
Trong khi đó, tổ chức Minh bạch quốc tế xếp Iraq ở vị trí 169/180 quốc gia tham nhũng nhất thế giới. Cơ quan giám sát tham nhũng Iraq (ICW) gần đây công bố trong khoảng 15 năm qua, số tiền bị các quan chức, các phe phái tôn giáo và chính trị ở nước này bòn rút đã lên đến 320 tỷ USD.
Cùng với nền kinh tế kiệt quệ là cuộc chiến quyết liệt để tranh giành quyền lực. Kể từ sau cuộc bầu cử Quốc hội ngày 12-5-2018, Iraq chìm sâu trong khủng hoảng chính trị vì những cáo buộc gian lận phiếu bầu tràn lan, khiến Iraq không thể thành lập được chính phủ mới. Chỉ đến 5 tháng sau đó, cuộc khủng hoảng chính trị ở Iraq mới dần được tháo gỡ khi Thủ tướng A.Abdul-Mahdi được chỉ định vào chiếc ghế lãnh đạo. Mặc dù vậy những mâu thuẫn trên chính trường Iraq thì vẫn cứ âm ỉ.
Những khó khăn này chính là nguyên nhân đã gây nên sự bất mãn của người dân.
Chính phủ Iraq nỗ lực giải quyết bất ổn
Trước sức ép đòi cải thiện tình hình, từ ngày 8.10.2019, Quốc hội Iraq đã thông qua gói cải cách đầu tiên do chính phủ đề xuất bao gồm xây dựng hàng nghìn nhà cho người nghèo, cải thiện về lương và các chương trình đào tạo cho người thất nghiệp, cùng các sáng kiến cho vay đối với giới trẻ. Để đối phó tình trạng thất nghiệp trầm trọng trong thanh niên, chính phủ khẳng định sẽ tạo ra các nhóm thị trường liên kết rộng lớn và hỗ trợ những người không có việc làm.
Cũng trong ngày 8.10 vừa qua, chính phủ Iraq còn công bố gói cải cách thứ hai, tập trung vào các dự án kinh tế, phân phối đất và tạo việc làm cho người dân. Theo đó trong số 13 biện pháp sẽ được Nhà nước thực hiện, một Ủy ban do Thủ tướng đứng đầu được thành lập nhằm phân phối đất xây nhà ở cho người dân. Ngoài ra, ước tính khoảng 12,6 triệu USD sẽ được cấp cho dự án của Bộ Điện lực Iraq để giúp 3.000 gia đình nghèo có thể tiếp cận hệ thống năng lượng mặt trời. Trong khi đó, Bộ Thương mại sẽ tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đăng ký dự án nhỏ của giới trẻ, miễn thuế và tăng cơ hội việc làm cho những đối tượng thất nghiệp.
Mặc dù vậy, tình trạng biểu tình vẫn không có dấu hiệu chấm dứt. Trong bối cảnh đó, ngày 31.10 vừa qua, Tổng thống Iraq Saleh tuyên bố ông sẽ phê chuẩn tổ chức bầu cử sớm sau khi luật bầu cử hiện hành được sửa đổi và ủy ban bầu cử được thay đổi để đảm bảo bầu cử công bằng.
Tiếp đó, ngày 9.11, các phe phái chính trị của Iraq đã đạt thỏa thuận về việc tiến hành cải cách để dẹp yên các cuộc biểu tình. Cụ thể, các phe phái chính trị của Iraq đã đạt được sự đồng thuận trong việc bảo vệ chính phủ của Thủ tướng Adel Abdel Mahdi trước các cuộc biểu tình lan rộng tại thủ đô Baghdad và miền Nam nước này trong nhiều tuần qua, sau đó sẽ diễn ra đợt cải cách theo yêu cầu của người biểu tình.
Sau đó, Thủ tướng và Tổng thống Iraq đã họp bàn các biện pháp duy trì an ninh và ổn định trong nước, trong đó ủng hộ nỗ lực của chính phủ và các biện pháp tiến hành cải cách đáp ứng yêu cầu của người biểu tình. Thủ tướng Adel Abdel Mahdi đã cam kết tiến hành các thay đổi mạnh trong chính phủ, đáp ứng yêu cầu của người biểu tình, đồng thời tiến hành cải cách hệ thống bầu cử. Ông cũng cam kết sẽ điều tra các trường hợp người biểu tình, nhân viên lực lượng an ninh bị thương và thiệt mạng. Thủ tướng Adel Abdul-Mahdi còn cho biết thêm ông coi làn sóng biểu tình là “động lực” chính đáng để cải cách chính trị, song ông kêu gọi những người biểu tình không phá vỡ “cuộc sống bình thường” ở quốc gia vốn đã trải qua nhiều khó khăn về kinh tế do tình trạng hỗn loạn này.
Ngày 11.11, Tổng thống Iraq Saleh đã hoàn tất dự thảo luật bầu cử mới với sự trợ giúp của các chuyên gia nước này cùng với các đại diện của Liên hợp quốc. Theo dự thảo luật mới, một ủy ban bầu cử mới sẽ được thành lập từ cơ quan tư pháp Iraq và các chuyên gia khác theo hệ thống hạn ngạch của từng đảng phái chính trị mà ủy ban hiện tại đang sử dụng. Dự thảo luật cũng giảm 30% số ghế trong Quốc hội và giảm độ tuổi ứng cử của các ứng cử viên xuống mức trên 25 tuổi.
Bên cạnh đó, Hội đồng Bộ trưởng, tức là nội các Iraq, cũng đã đệ trình dự thảo bầu cử mới và hiện nội các đang thảo luận về việc gộp hai phiên bản dự luật trên vào một bản cuối cùng trước khi trình lên Quốc hội thông qua. Theo hiến pháp Iraq, cả chính phủ và tổng thống đều có quyền trình một dự thảo luật lên nghị viện để thảo luận, sửa đổi và thông qua.
Theo các nhà phân tích, những quyết sách của người đứng đầu chính phủ Iraq là cần thiết để đáp ứng phần nào nguyện vọng chính đáng của người dân và tháo gỡ căng thẳng, bình ổn an ninh để phát triển đất nước vốn đã bị tàn phá sau những cuộc chiến liên miên. Tuy nhiên, với một đất nước Iraq như hiện nay, việc tạo ra những thay đổi nhanh chóng tại Iraq cũng được xem là nhiệm vụ rất khó khăn và một điều chắc chắn, phía trước quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ ba thế giới này là một con đường rất dài để tiến tới mục tiêu ổn định và thịnh vượng.
Theo TTXVN