Học công nghệ thông tin có nhiều cơ hội việc làm
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 17:45, 14/11/2019
Nguyễn Đạt (25 tuổi) tốt nghiệp cấp ba, không vào đại học. Cậu lựa chọn một trường cao đẳng đào tạo công nghệ thông tin. Trong khi bạn bè học 4 năm đại học, cậu chỉ mất 2 năm. Tự tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm từ các khóa học online đến thực tế, Đạt tự xây dựng cho mình nền tảng kiến thức riêng. Cậu có công việc và thu nhập tốt.
"Với ngành công nghệ thông tin, bạn có thể học cao đẳng, đại học, tự học từ những người đi trước hay tham gia các khóa online", Đạt nói.
Công nghệ thông tin mang lại sự đa dạng trong công việc. Ảnh: Reuters |
Anh Nguyễn Thành, chủ nhóm start up về quản lý nhân sự cho một công ty tại Hà Nội, chia sẻ sau khi tốt nghiệp trường đại học uy tín đào tạo về công nghệ thông tin, anh Thành đi làm thuê. Các nhà tuyển dụng thường cho thí sinh làm bài kiểm tra về tư duy logic, phỏng vấn thay vì xem bằng cấp của ứng viên. Nhà tuyển dụng chú trọng thái độ, tư duy, kỹ năng của ứng viên.
Trong đó, khả năng tự học là một trong những yếu tố quan trọng của nghề này, bởi ngành công nghệ thông tin luôn phát triển mạnh. Ngoài ra, khả năng tập trung, kiên trì và không ngừng học hỏi cũng rất quan trọng.
Đây là nghề "khát" nhân lực chất lượng cao. Ảnh minh họa: Bussiness Insider |
Sinh viên, sau khi ra trường, có nhiều con đường để xin việc. Các công ty lớn thường có nhu cầu tuyển dụng lớn, sẵn sàng tuyển ứng viên có tiềm năng để đào tạo.
Anh Thành cho biết nhóm của anh có thành viên chưa tốt nghiệp bất cứ trường đào tạo công nghệ thông tin nào, nhưng lại là nhân lực chủ chốt.
Với nghề lập trình viên, bạn trẻ có rất nhiều lựa chọn. Nếu yên phận bạn có thể làm nhân viên nhiều năm tại một công ty chỉ một công việc quen thuộc. Nếu cầu tiến bạn có thể nỗ lực lên làm quản lý. Ai có tư duy tự do thì sẽ làm chủ, tự lập nhóm để làm các dự án, không cần theo tổ chức hay công ty nào. Đây cũng là công việc không phân biệt tuổi tác, càng trẻ bạn càng có lợi thế để theo đuổi.
Công nghệ thông tin là ngành học nhận được sự quan tâm của nhiều sinh viên. Ảnh: Bussiness Insider |
Mới đây, thạc sĩ Trần Phương, Phòng nghiên cứu và Đào tạo, Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực, Bộ Giáo dục - Đào tạo, chia sẻ trên báo chí rằng tính đến tháng 9, cả nước có 114 cơ sở có đào tạo ngành kỹ thuật và công nghệ - kỹ thuật.
Về quy mô đào tạo, tổng số sinh viên chính quy năm 2019 là 1.443.000. Phần lớn sinh viên tập trung theo học các ngành toán và thống kê, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật…
Kết quả khảo sát trực tiếp từ cơ sở đào tạo và thị trường lao động cho thấy thị trường có dấu hiệu rất “khát” nhân lực nhóm ngành kỹ thuật - công nghệ.
Phần lớn sinh viên năm cuối học nhóm ngành này được nhận vào làm việc khi học năm cuối, thậm chí từ năm thứ 3, với nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi. Một số doanh nghiệp còn đặt hàng cơ sở đào tạo về nhân lực chất lượng cao.
Bà Lê Hồng Nhi, Trưởng phòng Quan hệ công chúng, Tập đoàn Microsoft, từng cho rằng trong một thế kỷ tới, nhu cầu nhân lực trong ngành công nghệ tăng 70% so với ngành khác. Theo thống kê của WTO, 97% các ngành nghề trong tương lai cần đến kỹ năng số.
Theo Zing.vn