Những nỗ lực ổn định xã hội của chính quyền Tổng thống Macron
Bình luận - Ngày đăng : 13:21, 15/11/2019
Người biểu tình "Áo vàng" phản đối chi phí sinh hoạt đắt đỏ tại Paris, Pháp ngày 8.12.2018
Xuất phát từ việc phản đối chính phủ công bố chính sách tăng giá một số mặt hàng sinh hoạt cao, các cuộc biểu tình của họ sau đó đã biến thành phong trào biểu tình gần như hàng tuần đòi Tổng thống Emmanuel Macron từ chức. Sau một năm, phong trào “Áo vàng” đã lắng dịu đi nhiều và điều này thể hiện sự nỗ lực rất lớn của chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron trong việc xoa dịu yêu cầu của những người biểu tình.
Nhìn lại cơn “sóng dữ” với nước Pháp
Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 5.2017, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm định hình lại nền kinh tế và cải cách các cơ quan công quyền. Những biện pháp cải cách đã gây ra tranh cãi, đặc biệt là quyết định cho phép nới lỏng các luật về thuế và sa thải người lao động, đã khiến chỉ số tín nhiệm dành cho ông chủ Điện Elysee giảm xuống mức thấp.
Và cũng nằm trong những điều chỉnh chính sách của tổng thống Macron, việc chính phủ quyết định tăng thuế nhiên liệu (có hiệu lực từ tháng 10.2018) vào đúng thời điểm mà giá dầu thế giới tăng đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ trong người dân, đặc biệt là nông dân. Dù việc tăng thuế nhiên liệu được chính phủ Pháp giải thích là để khuyến khích các lái xe sử dụng phương tiện ít tiêu thụ nhiên liệu hơn, từ đó giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường, song hàng nghìn người vẫn đổ xuống các đường phố chính ở các thành phố để phản đối.
Ngày 17.11.2018 đánh dấu sự bủng nổ của làn sóng biểu tình mang tên “Áo vàng”. Ban đầu, phong trào biểu tình "Áo vàng" nhằm mục đích phản đối kế hoạch tăng thuế xăng dầu của chính phủ, nhưng sau đó đã mở rộng sang chỉ trích Tổng thống Pháp Macron, đồng thời bày tỏ sự tức giận về mặt bằng thuế và chi phí sinh hoạt cao. Những cuộc tuần hành, biểu tình của những người “Áo vàng” đều đặn vào mỗi thứ 7 hàng tuần sau đó đã như một cơn bão ập đến với nước Pháp, phong tỏa các tuyến đường trên khắp nước Pháp, khiến chính phủ Pháp gặp nhiều lúng túng để có thể tìm ra giải pháp ứng phó. Đỉnh điểm có những tuần, phong trào “Áo vàng” đã thu hút gần 300.000 người tham gia. Biểu tình còn biến thành bạo loạn, gây thiệt hại lớn đến nền kinh tế Pháp. Năm 2018, kinh tế Pháp chỉ đạt tăng trưởng 1,7%, giảm so với mức tăng trưởng 2,3% của năm 2017.
Một năm sau khi làn sóng biểu tình lần đầu tiên tràn qua nước Pháp, khiến chính phủ bối rối, đến nay phong trào “Áo vàng” đã lắng xuống. Tuy nhiên mới đây, vào ngày 1.11.2019, trước thời điểm tròn 1 năm diễn ra phong trào của “những người mặc áo gilet phản quang màu vàng”, khoảng 600 người biểu tình thuộc Phong trào "Áo vàng" đến từ nhiều thành phố trên khắp nước Pháp đã tham gia cuộc họp tại Montpellier, miền Nam nước Pháp để thảo luận về kế hoạch tiếp theo của phong trào này.
Có thể thấy, mặc dù cho đến nay quy mô và số người biểu tình của phong trào “Áo vàng” đã giảm nhiều so với mức ban đầu nhưng một số nhóm hoạt động vẫn duy trì các cuộc biểu tình vào ngày thứ bảy tại các thành phố trên khắp nước Pháp. Họ cho rằng Tổng thống Macron vẫn không quan tâm đến nhu cầu của những thành phần yếu thế như người lao động nghèo.
Không chỉ có phong trào “Áo vàng”, trong một năm qua, tại Pháp còn diễn ra nhiều cuộc đình công, biểu tình của nhân viên đường sắt, hàng không, giáo dục... nhằm phản đối biện pháp cải tổ của Chính phủ. Điều đó cũng phản ánh phần nào tâm trạng hoài nghi của người dân Pháp đối với chính quyền đương nhiệm. Đáng lo ngại, những thành phần cực đoan và chống đối Chính phủ, lợi dụng cơ hội này để “té nước theo mưa”, tổ chức những hành động đập phá, khiêu khích, tấn công cảnh sát, gây mâu thuẫn trong xã hội. Hậu quả là kể từ khi trở thành lãnh đạo nước Pháp (tháng 5.2017), vị Tổng thống trẻ tuổi nhất của nền Đệ ngũ Cộng hòa đã phải 3 lần điều chỉnh, tổ chức lại nội các.
Nỗ lực của chính quyền Tổng thống Macron
Kể từ lúc cuộc khủng hoảng “Áo vàng” nổ ra cho đến thời điểm lên đến cao trào, Chính phủ Pháp đã cố gắng giải quyết khủng hoảng bằng con đường đối thoại qua các cuộc thảo luận trên toàn quốc. Động thái này vì thế đã giúp Tổng thống Macron thiết lập lại mối liên kết với cử tri, làm gia tăng uy tín cho ông. Tổng thống Pháp đã có những bước đi lớn cơ bản như thừa nhận sự thất vọng của người dân mà những người biểu tình “Áo vàng” là đại diện, thừa nhận sự chính đáng trong một phần yêu sách của họ. Tổng thống đã thực hiện một loạt nhượng bộ như hủy tăng thuế nhiên liệu và tăng thu nhập của những người có mức lương tối thiểu.
Bên cạnh đó, Tổng thống Macron còn cố gắng thay đổi phong cách lãnh đạo, mà cuộc đối thoại với người dân chính là việc làm cụ thể. Cuộc đối thoại toàn quốc với nhân dân (kéo dài từ tháng 1 đến tháng 3-2019) đã cho thấy thiện chí muốn lắng nghe ý kiến người dân để cùng người dân tìm cách tháo gỡ vướng mắc. Với hình thức tổ chức được đánh giá là bao quát và công khai, cuộc đối thoại được các nhà quan sát coi là lối thoát cho cuộc khủng hoảng “Áo vàng”, đồng thời có thể giúp khôi phục lòng tin của người dân vào các thiết chế chính quyền.
Ngày 25.4.2019, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tổ chức một cuộc họp báo công bố kế hoạch cải cách nhằm mang lại ổn định cho đất nước hình lục lăng sau một năm đầy sóng gió. Đáng chú ý nhất là cam kết cắt giảm thuế cho tầng lớp trung lưu, cũng như xem xét lại quyết định cắt giảm thuế đoàn kết cộng đồng nhắm tới những người có thu nhập cao vào năm 2020. Động thái này cũng được xem là cách thức để lấy lại tín nhiệm cho ông chủ Điện Elysee, chuẩn bị quá trình tái tranh cử vào năm 2022.
Tiếp đó, ngày 26.9.2019, Chính phủ Pháp đã công bố dự thảo ngân sách năm 2020, trong đó bao gồm kế hoạch cắt giảm hơn 9 tỷ euro (khoảng 10 tỷ USD) tiền thuế cho khoảng 12 triệu hộ gia đình. Dự thảo ngân sách còn cắt giảm 1 tỷ euro cho các doanh nghiệp, với mức giảm thuế theo lộ trình từ 33,3% xuống còn 25% trong vòng 5 năm. Quyết định trên được đưa ra nhằm đáp ứng yêu cầu của phong trào biểu tình Áo vàng, đồng thời vẫn tuân thủ quy định về thâm hụt ngân sách của Liên minh châu Âu (EU). Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết "cuộc khủng hoảng xã hội" do các cuộc biểu tình gây ra, cũng như sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu là yếu tố khiến chính phủ đưa ra các quyết sách để khuyến khích đầu tư và tiêu dùng.
Các nhà phân tích cho rằng, không thể phủ nhận những nỗ lực nhằm bình ổn đất nước của chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron. Thực tế, những cải cách của Tổng thống Macron đã vực dậy nền kinh tế, bao gồm cả việc nới lỏng các quy tắc thị trường lao động. Tháng 5-2019 đã ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm (theo Cơ quan thống kê quốc gia). Niềm tin của người tiêu dùng bị sa sút nặng nề ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng “Áo vàng”, đã tăng đáng kể kể từ đầu năm 2019 đến nay.
Mặc dù vậy, nếu nhìn lại phong trào biểu tình của những người “Áo vàng” trong một năm qua, có thể thấy, đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để nhà lãnh đạo Pháp hiểu hơn những nguyện vọng của người dân và cần phải lắng nghe những ý kiến của họ, hóa giải những vấn đề vốn đang gây chia rẽ trong xã hội Pháp.
Theo TTXVN