Những thứ cần có trong tủ thuốc gia đình
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 14:03, 15/11/2019
Những gợi ý sau đây sẽ giúp tủ thuốc của gia đình bạn đầy đủ để hỗ trợ cho việc sơ cứu hoặc điều trị những bệnh thông thường.
1. Thuốc giảm đau và hạ sốt: Nên chuẩn bị sẵn một ít thuốc paracetamol 500 mg, 325 mg để giúp giảm đau và hạ sốt. Đối với trẻ em, bạn có thể mua và dự trữ sẵn paracetamol hàm lượng 80 mg, 150mg và 250 mg dạng gói.
2. Thuốc ho: Nên chọn loại thảo dược. Ngoài ra, có một số thuốc chuyên biệt như thuốc giãn phế quản dạng bình xịt ventolin dành cho trẻ em hay người lớn trong gia đình bị hen suyễn khi bị lên cơn.
3. Thuốc đau bụng, tiêu chảy, đầy hơi: Cốm xitrina dùng khi bị rối loạn tiêu hóa ói mửa, đầy hơi. Hydrite hay Oresol là những thuốc bù nước điện giải khi bị bệnh tiêu chảy. Oresol 1 gói pha 1 lít nước chín nguội hay Hydrite 1 gói pha 200 ml nước chín nguội, khuấy đều để bù nước.
4. Thuốc sát trùng: Trong tủ thuốc gia đình nên có 1 lọ povidine hoặc xanh methylen thuốc sát trùng thông dụng để sát trùng vết thương ngoài da, đồng thời chống nhiễm trùng cho vết thương. Cồn (Alcool) 700 hay 900 thường dùng để sát trùng tay trước khi thao tác. Dầu khuynh diệp có tính sát khuẩn giảm sưng dành cho những trường hợp bị côn trùng cắn đốt (muỗi đốt chẳng hạn) hay thoa lúc bị cảm lạnh. Vaseline, thuốc mỡ giúp làm lành những vùng da, môi bị nứt nẻ hay thoa hậu môn bị nứt hoặc bôi làm trơn hậu môn trước khi đi tiêu ở trẻ bị táo bón.
5. Nước muối sinh lý: Dung dịch NaCl 0,9% (còn gọi là nước muối sinh lý) được dùng để nhỏ mắt, mũi khi bé bị sổ mũi, nghẹt mũi hoặc đơn giản là làm sạch mắt và mũi của bé. Người lớn cũng có thể dùng loại nước muối này để nhỏ mắt, mũi.
6. Bông, băng, gạc y tế: Nên có sẵn bông, băng dán cá nhân, băng gạc và băng dính để cầm máu, lau chùi, băng bó vết thương. Kéo và kẹp bằng inox để cắt, thao tác chăm sóc. Ngoài ra, bạn cũng nên chuẩn bị một ít cao dán salonpas để điều trị cơn đau bên ngoài, cứu trợ tạm thời đau nhức các cơ và khớp, đau lưng, viêm khớp, vết bầm tím và bong gân.
7. Nhiệt kế: Trong tủ thuốc cần có một nhiệt kế thủy ngân hay điện tử. Nhiệt kế giúp bạn xác định khi cơn sốt vượt trên mức 39 độ C thì cần tới cơ sở để khám xét, điều trị. Điều này có thể là dấu hiệu của một số bệnh nào khác.
8. Bộ đo huyết áp tự động: Nếu trong gia đình có người cao tuổi bạn nên có sẵn máy đo huyết áp tự động.
Một số lưu ý đối với tủ thuốc:
Tủ thuốc nên để ở nơi khô ráo, thoáng mát, không có ánh nắng rọi trực tiếp và tránh xa được tầm với của trẻ nhỏ. Hằng năm, bạn nên rà soát tủ thuốc một lần để loại bỏ những thuốc đã hết hạn sử dụng. Tốt nhất nên giữ nguyên bao bì của những loại thuốc đã mua vì trên đó bạn có thể biết thông tin quan trọng như hạn sử dụng, liều dùng, cách bảo quản. Ngoài ra nên dán hoặc treo cạnh tủ thuốc hướng dẫn xử trí sơ cứu trong những trường hợp khẩn cấp như bị bỏng, đột quỵ…
HẢI MINH (tổng hợp)