Chính sách hỗ trợ chương trình mỗi xã một sản phẩm

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 18:31, 18/11/2019

UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ các địa phương thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) như sau:

Với các chương trình tập huấn, đào tạo, tỉnh sẽ hỗ trợ 100% chi phí tổ chức các lớp tập huấn gồm thuê hội trường trang thiết bị phục vụ, biên soạn tài liệu, giáo trình giảng dạy, tiền ăn trưa, đi lại. Người quản lý được hưởng 100% chi phí đào tạo, còn người lao động theo định mức hỗ trợ căn cứ chương trình đào tạo.

Đối với phát triển, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, các chủ thể có nhu cầu vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh được ưu đãi 50% lãi suất vay các tổ chức tín dụng trong 12 tháng nhưng tiền vay không quá 1 tỷ đồng.

UBND tỉnh cũng hỗ trợ kinh phí mua nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất với mức tối đa 50% tổng đầu tư và không quá 500 triệu đồng/dự án mua sắm, 70% chi phí đầu tư hạ tầng nhưng không quá 2 tỷ đồng/dự án.

Các đơn vị được hỗ trợ 100% chi phí tư vấn, tối đa không quá 300 triệu đồng, bao gồm tư vấn nghiên cứu xây dựng, dự án liên kết, kế hoạch sản xuất, phát triển thị trường. Ngoài ra, chủ thể sản xuất còn được tạo thuận lợi trong đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất bằng việc hỗ trợ 30% chi phí vốn đầu tư máy móc, trang thiết bị, xây dựng các công trình gồm nhà xưởng, nhà kho... với tổng mức không quá 10 tỷ đồng.

Nhằm phát triển các tổ chức kinh tế, thu hút lao động có trình độ tham gia chương trình OCOP, UBND tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí thành lập HTX mới nhưng không quá 10 triệu đồng/HTX, 50% kinh phí (không quá 5 triệu đồng) tổ chức lại hoạt động HTX. Bên cạnh đó, các HTX còn được hưởng ưu đãi hỗ trợ trụ sở làm việc, các công trình thủy lợi, giao thông nội đồng.

Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ tối đa nhưng không quá 8 triệu đồng/doanh nghiệp để hoàn thiện kế hoạch kinh doanh, thành lập dự án doanh nghiệp. Các đơn vị được hưởng các ưu đãi đầu tư như miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; tiếp cận tín dụng... Để khuyến khích lao động có tay nghề tham gia các dự án OCOP, tỉnh hỗ trợ tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng, nhưng không quá 3 năm.

Trong xây dựng bộ nhận diện nhãn hiệu hàng hóa, UBND tỉnh cũng hỗ trợ tối đa 50% chi phí nhưng không quá 50 triệu đồng/cơ sở để hoàn thiện quy cách đóng gói, bao bì, nhãn mác. Mỗi sản phẩm OCOP được hỗ trợ 1 lần chi phí với mức không quá 20 triệu đồng/sản phẩm để làm hồ sơ công bố chất lượng, mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Thực hiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, UBND tỉnh hỗ trợ các đơn vị 100% kinh phí xây dựng tin bài, clip để phát trên các phương tiện thông tin đại chúng, không quá 25 triệu đồng/nội dung. Trong việc tham gia hội chợ xúc tiến thương mại, đơn vị chủ trì được hỗ trợ 100% chi phí tổ chức gian hàng chung của tỉnh tham gia hội chợ.

Đơn vị tham gia được hỗ trợ 50% các khoản chi phí tối đa không quá 8 triệu đồng/đơn vị. Tỉnh cũng hỗ trợ tối đa không quá 100 triệu đồng/cơ sở cho chi phí sửa chữa, mua kệ, giá trưng bày sản phẩm, tủ bảo quản... tại các điểm, trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của các địa phương.

NM(tổng hợp)