Nhiệm vụ khó khăn của Tổng thống Sri Lanka G.Rajapaksa trong nhiệm kỳ tới
Bình luận - Ngày đăng : 21:32, 18/11/2019
Tổng thống đắc cử Gotabaya Rajapaksav. Ảnh: Reuters
Song với hàng loạt thách thức mà quốc gia Nam Á này đang phải đối mặt, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới của Tổng thống đắc cử Rajapaksav sẽ gặp không ít khó khăn.
Ứng cử viên đối lập G.Rajapaksa giành chiến thắng
Tham gia tranh cử lần này có 35 ứng cử viên, một con số kỷ lục tại Sri Lanka. Trong số những ứng cử viên tham gia tranh cử, lãnh đạo đảng đối lập Mặt trận Nhân dân Sri Lanka (SLPP), cựu Bộ trưởng Quốc phòng Gotabaya Rajapaksa và Bộ trưởng Nhà ở Sajith Premadasa, đại diện cho đảng Dân tộc thống nhất (UNP) cầm quyền là hai ứng cử viên sáng giá nhất.
Nắm được nguyện vọng của cử tri, hai ứng viên đều đề ra hàng loạt giải pháp và cam kết nhằm tăng cường an ninh và thúc đẩy tăng trưởng.
Ông Rajapaksa, 70 tuổi, từng đóng vai trò quan trọng trong việc đánh bại nhóm Những con hổ giải phóng Tamil dưới thời cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa. Do đó, sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu vào tháng 4 năm nay, nhiều người trong cộng đồng Phật giáo đã thể hiện sự tin tưởng vào năng lực lãnh đạo mạnh mẽ của ông.
Ngay trong phát biểu tranh cử, ông Rajapaksa đã khẳng định sẽ mở lại cuộc điều tra về vụ tấn công, đồng thời coi an ninh và kinh tế là những ưu tiên hàng đầu khi lên nắm quyền.
Trong vấn đề kinh tế, ông Gotabaya đã cam kết sẽ giảm một nửa thuế giá trị gia tăng hiện đang ở mức 15% và bãi bỏ một số loại thuế khác nhằm kích thích tiêu dùng. Tuy nhiên, điều này sẽ dẫn tới ngân sách bị thất thu hơn 600 tỷ LKR (tương đương 3,31 tỷ USD).
Về vấn đề phúc lợi, ông Rajapaksa cam kết thành lập thêm các trung tâm chăm sóc trẻ cho các bà mẹ đi làm, đồng thời xóa nợ nhỏ cho phụ nữ nông thôn.
Ông Premadasa, 52 tuổi, xem an ninh, kinh tế và phúc lợi cho người nghèo là những vấn đề cốt lõi trong cương lĩnh tranh cử. Đặc biệt, ông coi chủ nghĩa tôn giáo cực đoan, buôn ma túy, tham nhũng là ba vấn đề an ninh trọng tâm cần giải quyết.
Những giải pháp mà ông đề xuất bao gồm đưa ra các luật mới nhằm giám sát tốt hơn, điều tra, khởi tố các phần tử cực đoan, tăng ngân sách quốc phòng để hiện đại hóa cơ quan tình báo, cảnh sát và các lực lượng an ninh.
Tập trung vào nhóm người có thu nhập thấp trong xã hội, ông Premadasa cam kết cung cấp nhà ở miễn phí cho tất cả người dân, miễn phí đồng phục và bữa ăn cho học sinh và miễn phí phân bón cho nông dân.
Để nâng cao bình đẳng giới, ông tuyên bố sẽ tăng thời gian nghỉ đẻ, tăng cường an ninh cho giao thông công cộng, thành lập một ủy ban phụ nữ mới nhằm giải quyết các vấn đề phân biệt đối xử.
Về kinh tế, ông Premadasa khẳng định sẽ nâng mức tối thiểu cho thuế giá trị gia tăng và giảm bớt các loại thuế khác.
Với những chính sách như vậy, ông Premadasa đã giành được tín nhiệm của những người có thu nhập thấp cùng các cộng đồng người Tamil và Hồi giáo thiểu số tại Sri Lanka.
Tuy nhiên, những ưu thế rõ ràng trong từng chính sách đã khiến người dân Sri Lanka đặt niềm tin vào ứng cử viên Rajapaksa và giành nhiều phiếu bầu cho ông trong cuộc bầu cử tổng thống với hy vọng nhà lãnh đạo mới này sẽ tạo ra sự thay đổi để đem lại ổn định chính trị, bảo đảm an ninh và cải thiện kinh tế tại Sri Lanka.
Ngày 17.11, theo kết quả chính thức do Ủy ban Bầu cử Sri Lanka công bố, ứng cử viên đối lập Rajapaksa đã giành chiến thắng với 52,25% số phiếu bầu. Trong khi đó, ứng cử viên Premadasa được 41,99% số phiếu ủng hộ.
Ông Premadasa đã thừa nhận thất bại và chúc mừng ông Rajapaksa được bầu làm tổng thống thứ 7 của Sri Lanka. Ông Premadasa cũng tuyên bố từ chức Phó Chủ tịch UNP và quyết định này có hiệu lực ngay lập tức. Dự kiến, tổng thống đắc cử sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 18.11.
Cũng trong ngày 17.11, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chúc mừng ông Gotabaya Rajapaksa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Sri Lanka. Phát biểu trên mạng xã hội Twitter, Thủ tướng Modi bày tỏ: "Xin chúc mừng ông Gotabaya Rajapaksa về chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Sri Lanka. Tôi mong đợi hợp tác chặt chẽ với ông để làm sâu sắc thêm mối quan hệ anh em thân thiết giữa hai quốc gia và nhân dân hai nước chúng ta, và vì hòa bình, thịnh vượng cũng như an ninh trong khu vực. Tôi cũng chúc mừng người dân Sri Lanka đã tiến hành cuộc bầu cử thành công".
Đối mặt nhiều thách thức
Cuộc bầu cử tổng thống Sri Lanka năm 2019 diễn ra trong bối cảnh quốc gia Nam Á này đang phải đối mặt với nhiều thách thức về kinh tế, an ninh - xã hội.
Về kinh tế, nền kinh tế Sri Lanka đang tăng trưởng ở mức thấp nhất trong 18 năm. Là đảo quốc nhỏ ở Ấn Độ Dương, Sri Lanka có 21,8 triệu dân và nằm trong nhóm quốc gia có thu nhập trung bình (4.102 USD/người vào năm 2018).
Sau khi cuộc nội chiến kéo dài 26 năm kết thúc vào năm 2009, nền kinh tế Sri Lanka đã dần phục hồi với tăng trưởng trung bình mỗi năm ở mức 5,6% trong giai đoạn 2010-2018. Tỷ lệ đói nghèo đã giảm từ 15,3% trong năm 2006 xuống còn 4,1% năm 2016.
Tuy nhiên, những năm gần đây, con số tăng trưởng đã có dấu hiệu chững lại. Cuộc khủng hoảng chính trị năm 2018 là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Năm ngoái, bất ổn liên quan đến việc Tổng thống Maithripala Sirisena cách chức rồi bổ nhiệm lại Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đã khiến đồng nội tệ mất giá, nền kinh tế Sri Lanka bị các cơ quan xếp hạng tín nhiệm hạ bậc.
Trong báo cáo mới nhất, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Sri Lanka năm nay xuống còn 2,7%. Với tổng nợ công lên tới 72 tỷ USD (82% GDP), trong đó gần một nửa là nợ nước ngoài (34,4 tỷ USD), Chính phủ Sri Lanka hiện nay đang gặp khó khăn trong việc trả nợ, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Để trả được số nợ này, trong 3-4 năm tới, ước tính mỗi năm Sri Lanka phải nhận được 3 tỷ USD từ thị trường vốn nước ngoài, đồng nghĩa với việc chính phủ cần thực hiện các chính sách “thắt lưng buộc bụng”, cũng như tìm cách giảm bớt gánh nặng từ khu vực nhà nước với 1,5 triệu lao động.
Dù lạc quan rằng tăng trưởng sẽ phục hồi vào năm 2020, song WB cảnh báo tình trạng kinh tế của Sri Lanka còn phụ thuộc vào ổn định chính trị và các biện pháp cải cách nhằm tăng thu nhập ở nước này. Với đa số người dân Sri Lanka, nghèo đói và thất nghiệp vẫn đang là vấn đề họ quan tâm nhất hiện nay.
Trong tình trạng nợ cao và tăng trưởng yếu kém như vậy, nền kinh tế Sri Lanka lại tiếp tục chịu thêm cú sốc mới. Loạt vụ đánh bom khủng bố vào ngày lễ Phục sinh do các phần tử trung thành với tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng thực hiện nhằm vào các nhà thờ Cơ đốc giáo và khách sạn hạng sang ở nước này hồi tháng 4 vừa qua làm 269 người thiệt mạng đã khiến số lượng du khách giảm mạnh và ngành du lịch, vốn đóng góp 4,9% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Sri Lanka bị ảnh hưởng nặng nề.
Theo Bộ trưởng Tài chính Sri Lanka Mangala Samaraweera, ngành du lịch của nước này có thể thất thu 1,5 tỷ USD trong năm 2019 sau loạt vụ đánh bom khủng bố vào ngày lễ Phục sinh. Quan chức này cho biết thêm loạt vụ đánh bom đã phá vỡ mục tiêu đạt doanh thu 5 tỷ USD của ngành du lịch Sri Lanka và nước này có thể mất đến 2 năm mới có thể khắc phục được hoàn toàn những tổn thất do loạt vụ đánh bom khủng bố gây ra.
Ngoài tác động lớn đến kinh tế, loạt vụ tấn công khủng bố vào ngày lễ Phục sinh cho thấy an ninh quốc gia một lần nữa trở thành tâm điểm ở Sri Lanka, nơi từng trải qua một trong những cuộc nội chiến dai dẳng nhất ở châu Á. Vụ tấn công đã làm dấy lên mối quan ngại về chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, đồng thời thể hiện thiếu sót nghiêm trọng trong công tác bảo đảm an ninh tại Sri Lanka.
Bên cạnh vấn đề an ninh, vụ tấn công khủng bố một lần nữa làm trầm trọng thêm căng thẳng sắc tộc tại Sri Lanka. Thống kê cho thấy số vụ bạo lực nhằm vào người Hồi giáo đã tăng đáng lo ngại sau vụ tấn công. Tại Sri Lanka, có tới 70% dân số theo đạo Phật, trong khi cộng đồng Hồi giáo chỉ chiếm 10%.
Đối mặt với nhiều thách thức như vậy, nhà lãnh đạo mới của Sri Lanka được kỳ vọng sẽ đưa ra được những chính sách hiệu quả, giúp quốc gia này vượt qua giai đoạn khó khăn, cải thiện đời sống, phục hồi tăng trưởng, thúc đẩy hàn gắn giữa các cộng đồng, đáp ứng mong mỏi của người dân.
Theo TTXVN