Kênh nổi cấp 1 bị bỏ hoang

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 13:47, 19/11/2019

10 năm qua, nhiều người dân ở xã Tái Sơn (Tứ Kỳ) bức xúc do đoạn kênh nổi (kênh tưới) cấp 1 của xã không sử dụng được, ảnh hưởng lớn đến sản xuất.


Đoạn kênh nổi cấp 1 của xã Tái Sơn bị bỏ hoang nhiều năm qua gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp

Kênh nổi cấp 1 của xã Tái Sơn dài gần 3 km xây bằng bê tông kiên cố, cấp nước tưới cho diện tích đất canh tác ở 3 thôn Trung Sơn, Thượng Sơn và Ngọc Trấn. Khi thi công xây dựng đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tuyến kênh bị chia cắt làm 2 phần.

Ông Trương Công Hiện, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Tái Sơn cho biết Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) -  chủ đầu tư dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã xây trả lại đoạn kênh bị cắt ngang và cống ngầm qua đường cao tốc nhưng lệch về phía bên phải 20m.

Khi địa phương đưa vào sử dụng thì nước không dẫn được sang khu đồng ruộng bên này. Người dân phải dùng máy bơm nhỏ, gạn nước từ nhiều nguồn nước khác để tưới. "Đoạn kênh nổi dài hơn 1 km không sử dụng được nên cỏ mọc um tùm, là nơi trú ngụ của chuột phá hoại rau màu của bà con. Hàng trăm ha lúa, rau màu của bà con địa phương luôn ở tình trạng thiếu nước", ông Hiện nói.               

Ông Phạm Tiến Thuận ở thôn Trung Sơn bức xúc: "Người dân trong xã chủ yếu làm nông nghiệp nên việc cung cấp nước tưới tiêu rất quan trọng. Trước đây, kênh nổi cấp 1 vẫn sử dụng được cho đến khi giải phóng mặt bằng để làm đường cao tốc qua đây". 

Đoạn kênh nổi cấp 1 của xã Tái Sơn bỏ hoang vừa lãng phí ngân sách vừa gây bức xúc trong nhân dân. Bà Nguyễn Thị Hậu, người dân cùng thôn cho biết: "Nguyện vọng của chúng tôi là đoạn kênh này phải được sửa chữa, cải tạo đáp ứng yêu cầu sản xuất của người dân. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương nhưng chưa được giải quyết. Không thể để tình trạng người dân cần nước tưới mà kênh lại không sử dụng được hết năm này đến năm khác".

Theo ông Phùng Văn Đoàn, Chủ tịch UBND xã Tái Sơn, kênh nổi cấp 1 được xây dựng từ năm 2002 bằng ngân sách của tỉnh và nhân dân địa phương đóng góp. Tuyến kênh do HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Tái Sơn quản lý. "Chúng tôi đã đề nghị cấp trên cấp kinh phí tu sửa, điều chỉnh tuyến kênh hợp lý để phục vụ sản xuất cho bà con", ông Đoàn nói.

Theo đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tứ Kỳ, huyện đã nhiều lần làm việc với VIDIFI nhưng chưa tìm được hướng giải quyết.

        THẢO NGUYỄN