Lòng yêu trẻ của nhà giáo
Góc nhìn - Ngày đăng : 10:03, 20/11/2019
Bao năm rồi, lòng tôi vẫn xốn xang mỗi lần nghe bài hát "Khi tóc thầy bạc trắng" của nhạc sĩ Trần Đức. Thời học trò, tôi đơn giản chỉ thấy xúc động về tình cảm, công lao của người thầy qua bài hát này. Càng về sau, nghe đi nghe lại nhiều lần, tôi càng thấm thía ý nghĩa sâu xa trong lời bài hát. Nửa cuối bài hát như sau: "Một con đò sang ngang/ Ôi lòng thầy mênh mang/ Cho em biết yêu cánh cò trong câu ca dao/ Cho em biết yêu bống trắng ăn cơm vàng của cô Tấm ngoan/ Và cho em yêu ai hai sương một nắng để làm nên lúa vàng/ Bài học làm người em vẫn nhớ ghi/ Công cha nghĩa mẹ ơn thầy".
Tấm lòng người thầy qua lời bài hát thật cao cả, mênh mang. Người thầy không chỉ dạy cho trò kiến thức, mà còn dạy cho trò biết yêu quê hương, đất nước, yêu những con người lao động cần cù. Quan trọng hơn cả là người thầy dạy "bài học làm người" cho các học trò. Vì thế công lao của người thầy được sánh ngang với "công cha" và "nghĩa mẹ".
Với tôi, bài hát rất xúc động, nhưng cũng có thể một số học trò nghe bài hát này lại vô cảm, bởi các em thấy hình ảnh nhiều thầy cô giáo ngày nay không như ngày xưa. Trong xã hội ngày nay, lòng yêu trẻ, cái tâm của các nhà giáo bị thử thách dữ dội trước những cám dỗ của vật chất, lợi ích, quyền lực, địa vị, danh vọng... Nhiều người không giữ được đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật. Bao vụ thầy cô giáo bạo hành học sinh, lạm thu, chạy theo thành tích, không giữ được phẩm chất của mình... khiến dư luận xã hội rất bức xúc. Không ít nhà giáo bị so sánh giống như "máy dạy". Họ chỉ biết lên lớp dạy, chờ cho hết giờ, không quan tâm tới học trò có thích bài học không, có tiếp thu được gì không. Họ không có sự tận tụy, tâm huyết với nghề giáo.
Nhìn thấy mảng tối của ngành giáo dục, nhưng tôi vẫn thấy những khoảng sáng đáng để hy vọng và giữ niềm tin về những điều tốt đẹp. Vẫn còn đó nhiều nhà giáo yêu trẻ, nhiệt huyết với nghề. Những thầy cô giáo ở vùng cao vẫn bám trụ với nghề để "gieo chữ" cho học trò. Không ít người sẵn sàng "nhường cơm sẻ áo", dùng tiền lương của mình để hỗ trợ học trò có thêm một bữa ăn đủ đầy, để tiếp tục được đến trường. Còn nhiều thầy cô giáo lo lắng cho từng trò, hết lòng dìu dắt những em học sinh hư trở thành người tốt, giúp học sinh kém vượt qua khó khăn, đưa những hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được học hành. Không ít những thầy cô giáo không bằng lòng truyền dạy những điều xưa cũ mà luôn tìm tòi sáng tạo để trẻ tiếp thu bài học tốt nhất. Họ biết rằng để dạy tốt thì không chỉ cần dạy kiến thức, mà còn dạy phương pháp học, kỹ năng sống, bồi dưỡng nền tảng đạo đức và dạy làm người. Vẫn còn đó những thầy cô là tấm gương mẫu mực để học sinh khâm phục, noi theo.
Nhà giáo có lòng yêu trẻ sẽ vì sự tiến bộ, trưởng thành của trẻ mà có cách giáo dục phù hợp, lấy đó là niềm vui nghề nghiệp. Vì yêu trẻ nên nhà giáo sẽ biết cách vượt qua khó khăn, không ngừng học tập, rèn luyện bản thân để dạy tốt. Nhiều người thắc mắc vì sao nhiều thầy cô ngày trước rất nghiêm khắc song nhiều trò vẫn không giận thầy mà còn nhớ ơn, khâm phục thầy? Có một nguyên nhân quan trọng là các thầy dù nghiêm khắc song tất cả đều vì học trò, muốn trò tiến bộ, trở thành người tốt và họ thực sự là những nhà giáo mẫu mực. Một người thầy dù dạy giỏi nhưng không có tấm lòng yêu thương trò thì không thể dạy tốt, càng không trở thành nhà giáo đức độ, nhà giáo lớn.
NINH TUÂN