Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án: Nâng cao chất lượng thực hành tư pháp

Chính trị - Ngày đăng : 10:53, 20/11/2019

Ngày 19.11, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu thảo luận tổ về dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.


Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại toà án được kỳ vọng trở thành giải pháp hữu hiệu trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính

Dự án luật này được kỳ vọng trở thành giải pháp hữu hiệu trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính, góp phần nâng cao chất lượng thực hành tư pháp.

Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án gồm 4 chương, 29 điều quy định phạm vi, nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại tòa án; quyền, nghĩa vụ của hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại; trách nhiệm của tòa án đối với công tác hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại, công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại tòa án.

Theo quy định trong dự thảo luật, hòa giải, đối thoại được thực hiện trước khi tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc hòa giải, đối thoại xuất hiện cả trong tố tụng và ngoài tố tụng. Tuy nhiên chưa có quy định về cơ chế hòa giải, đối thoại đối với những vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án mà cá nhân, cơ quan, tổ chức đã có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tòa án giải quyết trước khi thụ lý theo quy định của pháp luật tố tụng. Dự thảo luật tạo ra cơ chế pháp lý mới về hòa giải, đối thoại, không trùng lặp, mâu thuẫn với các cơ chế pháp lý về hòa giải, đối thoại hiện có.

Luật sư Dương Đức Trọng, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Hội Luật gia tỉnh cho rằng quy định của dự thảo luật đã xây dựng cơ chế pháp lý để cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể lựa chọn giải quyết các tranh chấp, bất đồng thông qua hòa giải, đối thoại. Trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại và công nhận kết quả hòa giải, đối thoại được quy định tại chương III của dự thảo luật theo hướng linh hoạt, nhanh gọn, hiệu quả, bảo đảm thuận lợi cho các bên trong quá trình hòa giải, đối thoại tại tòa án, bảo đảm hiệu lực và hiệu quả thi hành kết quả hòa giải, đối thoại.

So với phương thức giải quyết tranh chấp bằng tố tụng tại tòa án, hòa giải, đối thoại tại tòa án tiết kiệm chi phí, thời gian giải quyết nhanh chóng, không gây ra xung đột, tâm lý “thắng - thua”, những bất đồng được giải quyết một cách kín đáo và bảo mật thông tin.

Theo thẩm phán Nguyễn Thị Thu Hiền, Tòa án Nhân dân tỉnh, nếu hòa giải, đối thoại thành công thì tranh chấp được giải quyết mà không cần phải thông qua tố tụng tư pháp. Như vậy sẽ giảm tải công việc và áp lực đối với công tác xét xử của tòa án, hạn chế khiếu kiện hành chính kéo dài qua nhiều cấp, tiết kiệm được chi phí, công sức, thời gian của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà vẫn giải quyết được các tranh chấp phát sinh. Đối với những tranh chấp kinh doanh thương mại có giá trị lớn, khi tranh chấp kéo dài đồng nghĩa với thiệt hại về vật chất của các bên sẽ tăng lên. Với phương thức linh hoạt, phát huy tối đa ý chí của các bên cả về phương án và thời gian giải quyết tranh chấp, hòa giải thành công sẽ hạn chế thấp nhất thiệt hại lợi ích vật chất của các bên.

HN