NATO và bài toán về hàn gắn rạn nứt nội khối
Bình luận - Ngày đăng : 16:09, 20/11/2019
Không chỉ do mâu thuẫn về chia sẻ gánh nặng chi phí, rạn nứt trong mối quan hệ đồng minh xuyên Ðại Tây Dương còn xuất phát từ nhiều quan điểm bất đồng mà gần đây nhất là những phát biểu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi ông rằng NATO đang bị "tê liệt".
Tổng Thư ký Stoltenberg trong nỗ lực hàn gắn các thành viên trong khối
Chao đảo trong rạn nứt
Hồi đầu tháng 11 vừa qua, Tổng thống Pháp Macron đã có bài phát biểu trả lời phỏng vấn báo Economist làm "dậy sóng" khi cho rằng, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang bị “tê liệt”, mà nguyên nhân lớn nhất là do sự thiếu phối hợp giữa châu Âu và Mỹ, cũng như chỉ trích chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên quan trọng trong NATO - nhằm vào lực lượng người Kurd ở miền Bắc Syria, khiến lợi ích của các nước thành viên NATO đang bị đe dọa.
Đưa ra chỉ một tháng trước thềm Hội nghị thượng đỉnh NATO dự kiến vào ngày 3 và 4.12 tới tại thủ đô London (Anh), phát biểu của Tổng thống Pháp Macron đã ngay lập tức làm “dậy sóng” giới lãnh đạo phương Tây. Nhiều thành viên chủ chốt trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã chỉ trích tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Tổng Thư ký Stoltenberg đã bác bỏ quan điểm của Tổng thống Pháp, đồng thời cảnh báo mọi nỗ lực nhằm chia rẽ châu Âu với Bắc Mỹ sẽ không chỉ làm suy yếu liên minh và mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, mà còn gây chia rẽ trong chính nội bộ châu Âu. Tổng Thư ký NATO Stoltenberg cho rằng, NATO vẫn rất mạnh mẽ và Mỹ cũng như châu Âu chưa bao giờ trong hàng thập kỷ qua lại phối hợp tốt với nhau như hiện nay.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng Tổng thống Pháp đã dùng ngôn từ quá mạnh và đây không phải quan điểm của bà về hợp tác trong NATO. Bà Merkel đã khẳng định vai trò không thể thiếu của liên minh quân sự 70 năm tuổi này, đồng thời cho rằng các nhận định của ông Macron là "không cần thiết". Theo bà, kể cả khi phát sinh vấn đề và có những khác biệt, các thành viên cũng cần xích lại gần nhau hơn.
Cùng chung quan điểm, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thì cho rằng NATO là một trong những mối quan hệ đối tác chiến lược quan trọng nhất trong lịch sử. Tuy nhiên Ngoại trưởng Mỹ vẫn nhắc lại yêu cầu của Tổng thống Trump kêu gọi các quốc gia thành viên NATO chia sẻ nhiều hơn nữa gánh nặng tài chính. Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau thì tuyên bố liên minh NATO tiếp tục đóng vai trò vô cùng quan trọng không chỉ tại Bắc Đại Tây Dương mà còn cả với thế giới…
Ðể xoa dịu cơn giận của các đồng minh, trong nhận định mới hồi tuần trước, Tổng thống Pháp Macron đã nhấn mạnh rằng, không phải châu Âu chối bỏ NATO, mà chỉ đơn giản là muốn giảm nhẹ sự phụ thuộc, nhất là vào Mỹ. Ông Macron khẳng định không chủ trương xóa sổ NATO, hay kích động các thành viên châu Âu ngừng tham gia liên minh quân sự với Mỹ, mà chỉ nhắm tới mục tiêu cải tổ EU nhằm giảm bớt sự lệ thuộc về an ninh lâu nay vào các đồng minh.
Nhưng dù với lý do nào thì những phát biểu của Tổng thống Pháp cũng cho thấy thực tế chia rẽ sâu sắc giữa các đồng minh hai bờ Ðại Tây Dương hiện nay. Giới phân tích vẫn cho rằng, nếu nhìn vào những gì đã trải qua gần đây thì NATO đang phơi bày một thực tế là mâu thuẫn khiến sự hợp tác trong khối đang bị lung lay, từ mâu thuẫn về chia sẻ gánh nặng chi phí, đến rạn nứt do quan điểm bất đồng và lợi ích chồng chéo giữa Mỹ và châu Âu.
Có thể thấy, dưới thời của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông đã không ít lần chỉ trích các đồng minh NATO. Đích thân ông Trump gọi NATO là một tổ chức đã lỗi thời và từng tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi liên minh quân sự này. Thực tế này khiến vai trò và năng lực của NATO luôn bị đặt câu hỏi, buộc liên minh quân sự 70 tuổi này phải nhìn nhận lại lý do tồn tại của mình trong một thế giới đang biến động không ngừng.
Bài toán về hàn gắn
NATO được thành lập từ cách đây 70 năm, ngày 4.4.1949, với 12 nước ban đầu là 10 nước châu Âu (gồm Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Anh, Italy, Iceland, Luxembourg, Na Uy, Hà Lan và Bồ Đào Nha) cùng Canada và Mỹ. Với liên kết quân sự giữa các quốc gia đồng minh phương Tây sau Chiến tranh thế giới thứ II, mục đích ban đầu của tổ chức là trở thành “đối trọng” nhằm kiềm chế sức ảnh hưởng của Liên Xô.
Việc thành lập NATO đã dẫn đến việc các nước thuộc phe XHCN thành lập khối Vacsava để làm đối trọng. Sự kình địch và chạy đua vũ trang của hai khối quân sự này là cuộc đối đầu chính của Chiến tranh Lạnh trong nửa cuối thế kỷ XX. Vì vậy, trong 40 năm đầu tiên, NATO đóng vai trò là công cụ phục vụ cuộc Chiến tranh Lạnh của phương Tây và chịu sự chi phối rõ rệt của Mỹ.
Nhưng sau khi khối Hiệp ước Vacsava và Liên Xô cũ tan rã, thay vì biến mất, trong 30 năm sau đó, NATO vẫn không ngừng mở rộng, dần chuyển đổi thành công cụ quân sự toàn cầu, đồng thời là phương tiện để Mỹ mở rộng ảnh hưởng và thể hiện sức mạnh.
Thông qua can dự quân sự trực tiếp, tổ chức này chính thức bị coi là nguyên nhân của hai cuộc chiến tranh nóng: chiến dịch không kích Serbia năm 1999 và cuộc chiến tại Afghanistan năm 2001. Lĩnh vực hoạt động của tổ chức đã đi từ Bắc Đại Tây Dương lan rộng ra toàn thế giới.
Sự mở rộng của NATO cũng thể hiện rõ rệt qua việc NATO không ngừng kết nạp thêm thành viên mới. Từ khi thành lập đến năm 1982, NATO chỉ kết nạp thêm 4 thành viên, nhưng từ thập niên 90 của thế kỷ XX, khi mà “đối trọng” Liên Xô không còn, NATO lại bắt đầu chính sách mở rộng, sáp nhập ồ ạt các thành viên ở Đông Âu, bắt đầu từ Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Séc (năm 1999). Năm 2004, NATO kết nạp thêm 7 nước gồm Bulgaria, Estonia, Latvia, Litva, Romania, Slovakia, Slovenia. Năm 2009 kết nạp thêm Croatia và Albania. Năm 2015 kết nạp thêm Montenegro, nâng tổng số thành viên hiện nay lên con số 29 nước.
Tuy nhiên thực tế thì đông hơn không đồng nghĩa với mạnh hơn. Sự chênh lệch về tiềm lực quân sự, vị thế của các thành viên đang tạo ra nhiều bất cập, khiến khả năng chia sẻ trách nhiệm trong NATO không đồng đều. Đây cũng chính là mấu chốt gây ra những mâu thuẫn giữa các nước thành viên NATO thời gian qua.
Xuất phát từ quan điểm "Nước Mỹ trước tiên", Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần chỉ trích sự thiếu công bằng trong chia sẻ trách nhiệm và gánh nặng ngân sách của NATO, và yêu cầu các thành viên ở châu Âu phải đóng góp nhiều hơn cho các hoạt động bảo đảm an ninh của chính châu Âu bằng việc tăng chi tiêu quân sự, sao cho "tương xứng" với mức 4% GDP của Mỹ hiện nay.
Thực tế tính đến năm 2018, mới chỉ có 7 trong số 29 thành viên NATO đạt mức đóng góp 2% GDP cho quốc phòng, như mục tiêu đã được NATO nhất trí tại Hội nghị cấp cao năm 2014. Theo Tổng thống Trump, đã đến lúc Mỹ không thể tiếp tục chi nhiều hơn cho các "hóa đơn quân sự" chỉ để bảo vệ các đồng minh bên kia đại dương xa xôi.
Tuy nhiên ở chiều ngược lại, việc tăng ngân sách quốc phòng lên mức 2% GDP cũng là chủ đề gây tranh cãi ở châu Âu. Một số nước Đông Âu, như Ba Lan hay các nước Baltic… rất nhiệt tình với mục tiêu này và có thể sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% vào năm 2024, nhưng một số nước khác, trong đó có Đức thì phải đến 2031 mới hoàn thành, dù Đức là nền kinh tế số 1 châu Âu và cũng là nước bị Mỹ gây sức ép nhiều nhất. Cũng xuất phát từ nguy cơ Mỹ giảm mạnh cam kết với NATO, tức là cam kết bảo vệ các đồng minh châu Âu, nên các nước châu Âu hiện cũng đang xúc tiến các bước đi nhằm chủ động trong vấn đề bảo đảm an ninh.
Pháp và Đức đã khởi xướng ý tưởng và đi đầu trong các nỗ lực cho ra đời một lực lượng quốc phòng riêng của EU, chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh của châu lục. Nhưng điều này lại làm dấy lên quan ngại rằng một lực lượng riêng của EU sẽ cạnh tranh với NATO.
Hơn nữa, châu Âu hiện cũng tỏ ra không hài lòng với những bước đi bất thường, đảo ngược truyền thống quan hệ đồng minh từ phía Tổng thống Mỹ Donald Trump. Quyết định của Mỹ rút lui khỏi nhiều cơ chế, tổ chức và hiệp ước quốc tế khiến châu Âu hoang mang, như việc: từ bỏ Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), Mỹ đã đẩy EU vào thế khó trong nỗ lực duy trì bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran.
Hay việc rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), sau khi cả Nga cũng rút khỏi văn kiện này, Mỹ đã đặt châu Âu trước các nguy cơ đe dọa an ninh. Việc Mỹ tuyên bố rút quân khỏi Syria mà không tham khảo ý kiến các đồng minh, và gần đây chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Đông Bắc Syria cũng là những lý do khiến nội bộ NATO mâu thuẫn, làm lung lay sự hợp tác trong khối.
Không chỉ “lục đục” trong nội bộ, các thành viên NATO còn bộc lộ quan điểm khác nhau về cái gọi là “mối đe dọa Nga”. Nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo một số nước Trung Âu luôn mô tả Nga là “đối thủ tiềm năng chính” trong chính sách an ninh của NATO, thì Thủ tướng Đức Angela Merkel lại cho rằng Nga không phải kẻ thù của liên minh quân sự này.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng ngày càng có động thái xích lại gần Nga. Trong khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg lại đưa ra cách tiếp cận hoàn toàn khác: Phòng thủ dựa trên sự răn đe và cởi mở đối thoại với Nga…
Trong bối cảnh tồn tại những rạn nứt như vậy, dù những phát biểu của Tổng thống Macron không được các nước thành viên đồng tình song nhiều nhà phân tích cho rằng đánh giá của ông Macron về NATO ít nhiều đặt ra thách thức, góp tiếng nói cảnh tỉnh về sự chia rẽ của NATO hiện nay, trước thềm Hội nghị cấp cao của liên minh quân sự này vào đầu tháng 12 tới. Trước những rạn nứt ngày càng sâu sắc, NATO cần đoàn kết để cùng nhau vượt qua những bất đồng.
Theo TTXVN