Chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở nhìn từ vai trò tổ chức đảng

Tin tức - Ngày đăng : 19:45, 20/11/2019

Nhằm đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn, Hải Dương hướng mạnh vào mục tiêu tinh gọn bộ máy, bảo đảm ổn định cao, không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ.

Các cấp ủy từng bước bố trí, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, thôn, khu dân cư (KDC) có số lượng và cơ cấu hợp lý, đủ phẩm chất, trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu công tác; trong sáng, gương mẫu, tận tụy với nhân dân.

Mỗi thôn, KDC một chi bộ

Thực tế tại Hải Dương cho thấy yêu cầu đặt ra đối với hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở là cần nâng cao chất lượng chi bộ, trong đó thống nhất mô hình mỗi thôn KDC một chi bộ. Mục tiêu này được đề ra tại Ðề án số 01 của Tỉnh ủy Hải Dương về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2016 - 2020, đến nay đã cơ bản hoàn thành.

Thành ủy Chí Linh là đơn vị hoàn thành sớm việc sắp xếp, kiện toàn mô hình mỗi thôn, KDC có một chi bộ và bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, KDC tại tất cả 156 thôn, KDC. Bí thư Ðảng ủy phường Văn An Ðỗ Thị Hằng cho biết, tại phường Văn An, sau khi sắp xếp, từ 11 KDC sáp nhập thành 9 KDC với mô hình mỗi khu dân cư chỉ có một chi bộ và nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ đồng thời là trưởng KCD. Mô hình này trên thực tế đã thể hiện tốt vai trò lãnh đạo toàn diện của Ðảng, triển khai trực tiếp nghị quyết của các cấp ủy và chi bộ tới KDC, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình, Chủ tịch UBND phường Văn An Ðỗ Ðức Phu cho rằng, tính công khai, dân chủ quyết định sự thành công trong bố trí, sắp xếp cán bộ. Khi đảng viên, nhân dân đồng thuận sẽ có tính ổn định cao. Theo đó, việc bầu bí thư chi bộ kiêm trưởng KDC đều thực hiện theo kế hoạch, giao MTTQ thực hiện quy trình, tổ chức họp dân. Chi bộ giới thiệu nhân sự bảo đảm chất lượng, định hướng để người dân giới thiệu bầu trưởng KDC. Người dân vẫn có quyền giới thiệu quần chúng tiêu biểu để bầu. Sự lựa chọn đúng luôn nhận được sự đồng tình của nhân dân, hiệu quả triển khai nhiệm vụ trên địa bàn rất rõ nét.

Tại công trường thi công trục đường giao thông KDC Kiệt Ðoài, nhiều người dân tích cực hỗ trợ đội thi công di chuyển cây cối và hàng rào để mở rộng mặt đường. Theo Bí thư Chi bộ, Trưởng KDC Ðỗ Thành Trung, Kiệt Ðoài có 129 hộ trong tổng số 413 hộ liên quan giải phóng mặt bằng. Khi có chủ trương, chi bộ họp trước, sau đó họp dân, để cùng bàn bạc, thống nhất phương án triển khai. Hơn 700 m đường rộng từ 5 đến 7 m đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành nhờ sự đồng tình ủng hộ của người dân, với mức đóng góp tạm thời là 300 nghìn đồng/khẩu.

Thực hiện mô hình mỗi thôn, KDC có một chi bộ được tỉnh xem xét, tính toán trên cơ sở thực tiễn. Ðối với thôn, KDC có dưới 3.500 dân và dưới 100 đảng viên, chỉ thực hiện mô hình một chi bộ. Ðối với thôn, KDC có từ 3.500 dân trở lên và có dưới 100 đảng viên, cơ bản thực hiện mô hình một chi bộ, trường hợp đặc biệt do địa bàn dân cư độc lập, cách xa nhau kiện toàn tối đa không quá hai chi bộ. Với thôn, KDC có từ 100 đảng viên trở lên, kiện toàn không quá hai chi bộ. Tại một số chi bộ có nhiều đảng viên, gặp khó khăn trong tổ chức sinh hoạt thì thành lập các tổ đảng tương ứng các xóm, tổ dân phố; cơ cấu các tổ trưởng tổ đảng vào chi ủy để giúp bí thư chi bộ lãnh đạo chi bộ.

Trong trường hợp các thôn, KDC địa bàn rộng, có số dân quá đông, việc sáp nhập nhiều chi bộ thành một chi bộ gặp khó khăn cho tổ chức và hoạt động, thì nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định việc chia, tách thôn, KDC theo đúng quy định. Việc tách thôn, KDC được xem xét hết sức thận trọng, trên cơ sở khảo sát kỹ lưỡng các yếu tố, nếu thấy thật sự cần thiết mới triển khai thực hiện. Sau ba năm thực hiện quyết liệt, đến nay trong tổng số 1.469 thôn, KDC trong toàn tỉnh, đã có 1.449 thôn, KDC thực hiện mỗi thôn, KDC một chi bộ. Số còn lại do quy mô thôn lớn, chi bộ quá đông đảng viên chưa thể thực hiện sáp nhập. Trong đó, mô hình bí thư đồng thời là trưởng thôn, KDC đã áp dụng tại 895 thôn, KDC, đạt hơn 66%.

Tinh giản số lượng đi đôi với bố trí nhân sự hợp lý

Mục tiêu trong sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở Hải Dương, theo Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Thông là giảm số lượng nhân sự phải trên cơ sở cơ cấu, bố trí hợp lý, nâng hiệu quả công việc. Trước mắt, đối với các chức danh được bố trí hai người nhưng khối lượng công việc ít thì cần phân công kiêm nhiệm thêm công việc phù hợp để bảo đảm thời gian và hiệu suất làm việc cao hơn. Từng bước cơ cấu lại đội ngũ cán bộ và công chức xã để đến năm 2021, mỗi xã, phường, thị trấn giảm ít nhất 10% số biên chế cán bộ, công chức được giao. Các cấp ủy tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện chủ trương thí điểm một số mô hình, nhất là bí thư đảng kiêm chủ tịch UBND cấp xã; tiếp tục mở rộng việc thực hiện ở nơi có đủ điều kiện. Qua đánh giá tại xã Nam Ðồng, Thành ủy Hải Dương nhận định, mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND đã phát huy hiệu quả. Qua khảo sát bằng phiếu, 100% số phiếu của người dân hài lòng về kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại xã.

Kinh nghiệm từ Thành ủy Hải Dương được Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy chia sẻ, cần quy định rõ tiêu chuẩn cụ thể đối với từng chức danh ở phường, xã làm cơ sở để lựa chọn, bố trí, tinh giản biên chế. Ðổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức để việc bố trí, sắp xếp, tinh giản hợp lý, minh bạch. TP Hải Dương thực hiện tạm dừng tuyển dụng mới công chức phường, xã song hành với đào tạo, bồi dưỡng phù hợp từng đối tượng cán bộ phường, xã, thôn, KDC. Cùng với sắp xếp, cấp ủy quan tâm làm tốt công tác quản lý cán bộ, kịp thời xử lý, thay thế cán bộ có biểu hiện sa sút về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, yếu kém về năng lực nhằm không ngừng nâng cao phẩm chất, trình độ, năng lực, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức.

Tại Thành ủy Chí Linh, những mục tiêu cụ thể, rõ ràng trong sắp xếp, kiện toàn bộ máy được triển khai tới tất cả các chi bộ, phòng, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Ðức Kiên cho biết, đã hoàn thành kiện toàn mô hình mỗi thôn, khu dân cư có một chi bộ và thí điểm một số mô hình. Việc sáp nhập hai đơn vị hành chính xã Kênh Giang và Văn Ðức đã giảm 18 cán bộ, công chức cấp xã. Hiện nay, tất cả 19 xã, phường thực hiện sắp xếp, bố trí 12 hoặc 13 người tùy theo phân loại đơn vị hành chính cấp xã, phường đảm nhiệm 20 hoặc 21 chức danh. Tổng số người hoạt động không chuyên trách cấp xã sau khi sắp xếp trên toàn thành phố giảm 173 người, cấp thôn, KDC giảm 472 người. Biên chế cán bộ, công chức xã, phường được giao 431 người, hiện còn 380 người, như vậy đã giảm 16 người, phần lớn do lý do sức khỏe, không bảo đảm tiêu chuẩn đảm nhiệm công việc.

Về mô hình bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã, phường đã thực hiện tại sáu đơn vị, chỉ có một cán bộ tại chỗ, còn lại năm cán bộ luân chuyển. Qua thí điểm cho thấy, hiệu quả từ mô hình căn bản khắc phục tình trạng thiếu thống nhất giữa chủ trương lãnh đạo và tổ chức thực hiện, tư tưởng trông chờ, ỷ lại, đùn đẩy trách nhiệm; xóa bỏ những vướng mắc giữa bí thư cấp ủy và chủ tịch UBND, công việc được xử lý nhanh gọn và hiệu quả hơn.

Kinh nghiệm cho thấy, hiệu quả của đổi mới, sắp xếp bộ máy phần lớn bắt nguồn từ tổ chức và con người. Nơi nào cấp ủy quan tâm, chọn được nhân sự đủ phẩm chất, có trình độ, năng lực, uy tín bố trí đảm nhiệm vị trí phù hợp sẽ đáp ứng yêu cầu công tác, ổn định tổ chức, thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị; nâng cao năng lực lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền và vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Thực tế của Hải Dương cho thấy, yêu cầu điều chỉnh chính sách hơn nữa đối với đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở thôn, KDC, nhất là quan tâm chế độ bảo hiểm xã hội, phụ cấp đối với bí thư, phó bí thư chi bộ, để thu hút đảng viên trẻ tham gia công tác.

Hải Dương đã có 192 trong số 264 xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND; 16 trong số 264 xã, phường, thị trấn bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND; dự kiến hết năm 2019, mỗi huyện, thành phố, thị xã có từ hai đến ba đơn vị cấp xã bố trí bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND; toàn tỉnh có 895 trong số 1.339 thôn, KDC bố trí bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư, đạt tỷ lệ 66,84%. Đến nay, toàn tỉnh đã giảm được hơn 4.100 người hoạt động không chuyên trách (gần 29%), trong đó, cấp xã giảm 1.507 người (29,50%); thôn, KDC giảm 2.593 người (gần 29%).

Theo báo Nhân Dân