Các hộ nuôi thủy sản ở Cẩm Giàng: Loay hoay xử lý nguồn nước bị ô nhiễm

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 19:53, 20/11/2019

Phần lớn nguồn nước nuôi thủy sản ở huyện Cẩm Giàng đang bị ô nhiễm làm cho cá chết nhiều, gây thiệt hại lớn cho người dân.


Hơn 10 năm nuôi cá nhưng chưa bao giờ ông Lê Đình Hùng ở thôn Lũng, xã Thạch Lỗi thấy cá chết nhiều như 2 năm gần đây

Cá chết nhiều

Gia đình ông Lê Đình Hùng ở thôn Lũng, xã Thạch Lỗi có 3 mẫu ao. Tháng trước, cá trong ao nhà ông bị chết rải rác, chủ yếu là cá trắm. Năm 2018 ao cá nhà ông cũng bị tình trạng tương tự. Hơn 10 năm nuôi cá nhưng chưa bao giờ ông Hùng thấy cá chết nhiều như 2 năm gần đây. Ông đã nhờ kỹ sư thủy sản của doanh nghiệp cung cấp thức ăn chăn nuôi về lấy mẫu cá chết để xét nghiệm, kết quả cho thấy nước nuôi bị ô nhiễm, cá bị nhiễm khuẩn mà chết.

Tình trạng cá chết rải rác còn xảy ra ở nhiều địa phương khác trong huyện. Đầu tháng 5, anh Vũ Văn Hòa ở thôn Ha Xá, xã Cẩm Đoài cũng phải vớt 50 con cá trắm bị chết, trọng lượng mỗi con gần 4 kg. Theo anh Hòa, cá chết chủ yếu do nguồn nước nuôi bị ô nhiễm và cho cá ăn quá nhiều. Nước ô nhiễm, cá chậm lớn nên mỗi vụ nuôi thường phải kéo dài hơn trước đây.

Huyện Cẩm Giàng hiện có hơn 1.250 ha nuôi thủy sản. Nguồn nước nuôi chủ yếu được lấy từ hệ thống sông Bắc Hưng Hải. Theo báo cáo mới nhất về tình hình bảo vệ chất lượng nước trong hệ thống Bắc Hưng Hải cho thấy sông Bùi, nơi cung cấp nguồn nước nuôi thủy sản đang bị ô nhiễm nặng.

Nước ở tất cả 17 tuyến kênh trong hệ thống này chảy qua địa bàn tỉnh có các thông số E.Coli, Coliform, DO... vượt nhiều lần ngưỡng cho phép. Nguyên nhân do hóa chất, chất thải từ nhà máy, khu công nghiệp chưa qua xử lý được xả thẳng ra mương, máng... Các loại phân bón hóa học, thuốc trừ sâu trên đồng ruộng ngấm vào nguồn nước cũng gây ô nhiễm môi trường.

Xử lý nước ao

Bà Nguyễn Thị Hưng ở thôn Thạch Lỗi, xã Thạch Lỗi cho biết gia đình bà có 1,4 mẫu ao nuôi cá truyền thống, nhưng chỉ trong tháng 2 và tháng 3 năm nay đã phải vớt hơn 1 tấn cá trắm, chép... bị chết trong ao nuôi. Nguyên nhân do bơm trực tiếp nước từ sông Bùi vào ao mà chưa kịp xử lý, cộng với thời tiết thay đổi đột ngột. Sau đợt ấy, gia đình bà đầu tư đào giếng khoan để lấy nước nuôi cá. Những hôm nước cường bà bơm nước sông vào ao cá, đồng thời bơm thêm nước giếng khoan để pha loãng.

Ngay sau đó, bà phải xử lý nước bằng chế phẩm sinh học để giảm mức độ ô nhiễm. Nước giếng khoan ít bị ô nhiễm nhưng lại có nhiều sắt, nếu không xử lý sẽ làm cá chậm lớn. Mỗi tháng tính riêng tiền xử lý nước ao nuôi cũng hết hơn 1 triệu đồng. Dù đã phát sinh nhiều chi phí nhưng cá vẫn bị chết.

Chưa có điều kiện khoan giếng nên anh Hòa vẫn lấy nước nuôi từ kênh thủy nông gần nhà. Với kinh nghiệm nhiều năm nuôi cá, anh Hòa thường quan sát, chọn lựa thời điểm lấy nước vào ao nuôi mà anh cho là ít bị ô nhiễm nhất. Hôm nào nước lớn, trong và không có mùi lạ, anh và các hộ nuôi cá mới bơm nước vào ao. Ngoài việc xử lý nước bằng clo, vôi và một số chế phẩm khác, anh dùng thêm guồng nước để tạo ô xy cho cá.

Ông Bùi Duy Hưng, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Giàng cho biết: "Hiện nay, nguồn nước tại các sông trên địa bàn huyện bị ô nhiễm vượt ngưỡng cho phép để nuôi thủy sản. Tình trạng cá chết rải rác xảy ra ở hầu hết các địa phương. Một số hộ xử lý cá chết không đúng cách làm phát sinh hoặc lây lan dịch bệnh ra những ao nuôi khác".

Dù sử dụng nguồn nước nào thì các hộ nuôi vẫn phải tiếp tục xử lý nước trong ao bằng các chế phẩm, hóa chất để làm sạch đáy ao và môi trường trong ao theo định kỳ 1 tuần/lần. Nếu không xử lý nước đúng cách, tình trạng cá chết là không thể tránh khỏi.

TRẦN HIỀN