Quốc hội thông qua Luật Thư viện
Chính trị - Ngày đăng : 16:20, 21/11/2019
Luật gồm 6 chương, 52 điều, quy định về thành lập, hoạt động thư viện; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; quản lý nhà nước về thư viện. Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động thư viện hoặc có liên quan đến hoạt động thư viện trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo đó, chức năng, nhiệm vụ của thư viện là xây dựng, xử lý, lưu giữ, bảo quản, kết nối và phát triển tài nguyên thông tin phù hợp với người sử dụng thư viện; tổ chức sử dụng chung tài nguyên thông tin, sản phẩm thông tin và dịch vụ thư viện; truyền bá tri thức, giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại; phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, giải trí, góp phần hình thành và phát triển kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, năng lực của người sử dụng thư viện; ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, hiện đại hóa thư viện.
Hệ thống thư viện cũng có chức năng, nhiệm vụ phát triển văn hóa đọc và góp phần tạo môi trường học tập suốt đời cho nhân dân, xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, xây dựng con người Việt Nam toàn diện.
Để phát triển sự nghiệp thư viện, Nhà nước có chính sách đầu tư cho thư viện công lập theo các nội dung: Ưu tiên đầu tư cho Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện cấp tỉnh và thư viện có vai trò quan trọng; hiện đại hóa thư viện; xây dựng thư viện số, tài nguyên thông tin dùng chung, tài nguyên thông tin mở; liên thông thư viện trong nước và nước ngoài; sưu tầm, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu cổ, quý hiếm, các bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học.
Nhà nước cũng đầu tư tổ chức dịch vụ thư viện lưu động, luân chuyển tài nguyên thông tin phục vụ khu vực biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực và phát triển nguồn nhân lực thư viện; nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến trong hoạt động thư viện.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thư viện
Dự thảo luật cũng quy định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thư viện trong phạm vi cả nước, có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện liên thông thư viện (điểm c khoản 2 Điều 48); đồng thời, quy định trách nhiệm tổ chức liên thông thư viện của cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý thư viện (khoản 5 Điều 46). Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép giữ quy định như dự thảo luật.
Bên cạnh đó, có ý kiến đại biểu đề nghị xem xét quy định về nguồn thu từ đào tạo, khoa học và công nghệ tại Điều 35; đồng thời đề nghị làm rõ cơ chế tài chính, thu và quản lý phí đối với từng loại thư viện để đảm bảo tính khả thi khi áp dụng Luật. Ông Phan Thanh Bình khẳng định, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật đã bỏ quy định về nguồn thu từ đào tạo, khoa học và công nghệ.
Đối với đề xuất quy định cụ thể về cơ chế tài chính, thu phí và quản lý phí, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng nội dung này thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật chuyên ngành. Do đó, dự thảo Luật Thư viện chỉ quy định mang tính nguyên tắc, còn cụ thể sẽ do pháp luật về phí và lệ phí điều chỉnh để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Theo TTXVN