Sau Hong Kong, Mỹ còn cả ''kho khủng'' hơn 150 dự luật ''tổng tấn công'' Trung Quốc
Tin tức - Ngày đăng : 16:44, 21/11/2019
Số phận của dự luật "Nhân quyền và dân chủ Hong Kong" đang đợi ông Trump quyết. Ảnh chụp màn hình AP
Ngày 20.11 (giờ Mỹ), Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua "Đạo luật Nhân quyền và dân chủ Hong Kong" với số phiếu đồng thuận gần như tuyệt đối. Trước đó một ngày, Thượng viện Mỹ cũng đã bỏ phiếu thông qua dự luật này - một động thái đã gây ra những phản ứng và cảnh báo mạnh mẽ từ Bắc Kinh.
Giờ đây, dự luật này đang trong trạng thái chờ được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký phê duyệt. Ông Trump sẽ có 10 ngày để ra quyết định ký hay bác bỏ. Nếu được ký thành luật, dự luật có thể mở đường cho việc trừng phạt ngoại giao và kinh tế đối với đặc khu hành chính Hong Kong.
Theo báo South China Morning Post, trong bối cảnh dự luật này đang nhận được sự chú ý gần đây, thật ra vẫn còn hơn 150 dự luật khác hướng tới đối phó Trung Quốc trên nhiều mặt trận, từ kinh tế cho tới tư tưởng, có thể sẽ nằm trên bàn làm việc đợi Tổng thống Trump ký.
Chẳng hạn Đạo luật chính sách nhân quyền Duy Ngô Nhĩ được Thượng viện Mỹ thông qua hồi tháng 9 là một trong nhiều dự luật nhắm vào Trung Quốc có thể sẽ "hạ cánh" tại bàn làm việc của ông Trump. Dự luật này đang đợi Hạ viện Mỹ thông qua.
Những dự luật trên hoặc nhắm thẳng vào Trung Quốc (chẳng hạn Đạo luật kiểm soát chuyển giao công nghệ Trung Quốc), hoặc chứa những điều khoản liên quan tới Trung Quốc (chẳng hạn Đạo luật ủy quyền quốc phòng quốc gia) - mà phải được thông qua hằng năm.
Trong số những chủ đề nổi bật của các dự luật này có an ninh mạng, buôn bán chất ma túy fentanyl, các hoạt động gây ảnh hưởng chính trị, thương mại và đầu tư, Biển Đông, và Đài Loan.
Tương tự dự thảo luật Nhân quyền và dân chủ Hong Kong - vốn có khả năng đe dọa đáng kể quan hệ kinh tế, thương mại giữa Mỹ và Hong Kong, một số dự luật có thể sẽ làm gián đoạn thương mại và đầu tư quốc tế.
Ví dụ, Đạo luật kiểm soát chuyển giao công nghệ Trung Quốc sẽ yêu cầu ngoại trưởng và bộ trưởng thương mại Mỹ lập một danh sách "các công nghệ liên quan lợi ích quốc gia" mà có thể sẽ không bán hay chuyển giao cho Trung Quốc. Dự luật này cũng sẽ áp biện pháp trừng phạt lên bất kỳ ai bị phát hiện vi phạm lệnh cấm.
Tuy nhiên, ông Arthur Kroeber, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Công ty dịch vụ tài chính Gavekal Dragonomics ở Hong Kong, nhận định việc thông qua dự luật Nhân quyền và dân chủ Hong Kong không nên được xem là một "người thay đổi cuộc chơi", để mà ngụ ý rằng các dự luật khác về Trung Quốc sẽ dễ thông qua.
"Lý do dự luật này được Thượng viện Mỹ thông qua là vì đây là một dự luật rất dễ xem xét. Dự luật yêu cầu chính phủ Mỹ xem xét tình trạng (tự trị) của Hong Kong, vốn ít phức tạp hơn một số dự luật, chẳng hạn về vốn và đầu tư" - ông Kroeber giải thích.
Vị này cũng nhận định khi nước Mỹ bước vào năm bầu cử tổng thống 2020, sẽ càng khó hơn để các nhà lập pháp Mỹ tổ chức thông qua những dự luật đang chờ được xử lý.
Quá trình làm luật ở Mỹ Theo trang Visitthecapitol.gov, có nhiều cách khác nhau, gồm cả đơn giản và phức tạp, để một dự luật trở thành luật tại Mỹ. Một trong số cách đó là: - Một thành viên của Quốc hội Mỹ sẽ đề xuất dự luật lên viện lập pháp (tức hạ viện hoặc thượng viện) của người này. Ý tưởng xây dựng một đạo luật nào đó có thể do bất cứ ai đưa ra, nhưng chỉ nghị sĩ mới có quyền chính thức đề xuất một dự luật trước hạ viện hoặc thượng viện. Người này đệ trình với tư cách là người bảo trợ. - Người chủ trì viện sẽ thông báo về dự luật này với một hay hai ủy ban dựa trên chủ đề của dự luật. Các thành viên ủy ban sẽ xem xét dự luật và quyết định tổ chức các phiên điều trần công khai hay không, để kết hợp với các dự thảo luật liên quan và đề xuất sửa đổi... - Nếu thuận lợi, dự luật sau đó sẽ được xem xét bởi cả viện. Nếu được thông qua, dự luật sẽ được chuyển tới viện còn lại, nơi quá trình tương tự diễn ra lại từ đầu. - Khi đa số thành viên hạ viện và thượng viện đồng ý thông qua, dự luật sẽ được trình lên tổng thống Mỹ ký. Tổng thống có thể ký thành luật hoặc phủ quyết. - Nếu tổng thống Mỹ phủ quyết dự luật, để đảo ngược quyền phủ quyết này, cần 2/3 số phiếu của cả Thượng viện và Hạ viện, giúp dự luật đã bị phủ quyết trở thành luật. |
Theo Tuổi trẻ