Khán giả bức xúc khi áo dài Việt bị gọi là ''phong cách Trung Quốc''
Văn hóa - Giải trí - Ngày đăng : 11:22, 22/11/2019
Chiều 21.11, mạng xã hội Việt Nam xôn xao với một bài đăng từ Nhật báo Trung Quốc. Nội dung bài viết bên trong với tiêu đề “ Phong cách Trung Quốc làm tỏa sáng thời trang Trung Quốc”.
Kèm theo đó, một loạt hình ảnh trang phục với thiết kế, tạo hình gần như hoàn toàn tà áo dài Việt Nam từ phom dáng cho tới sử dụng phụ kiện là chiếc nón lá.
Các mẫu trang phục được trình làng tại khuôn khổ Tuần lễ Thời trang Trung Quốc xuân - hè 2019 vào tháng 10.2018 giống hệt áo dài Việt |
Những chia sẻ từ bài viết nhanh chóng vấp phải phản ứng từ dư luận Việt Nam. Đa số ý kiến sau khi xem xong đều khẳng định nhãn hiệu thời trang Trung Quốc này đã có hành vi cố tình sao chép thiết kế mẫu áo dài truyền thống của Việt Nam rồi gọi là sáng tạo, cách tân.
Sự kiện thu hút sự quan tâm đặc biệt của khán giả với quan điểm Trung Quốc đang có hành động ăn cướp trắng trợn với một sản phẩm vốn dĩ được coi là “Quốc phục” của nước nhà. Bên cạnh đó, không ít nhà thiết kế tên tuổi như: Minh Hạnh, Sỹ Hoàng, Võ Việt Chung, Thủy Nguyễn hay Hoa hậu Ngọc Hân... cũng lên tiếng bày tỏ bức xúc về sự việc.
Các nhà thiết kế nổi tiếng về áo dài trong nước lên tiếng về vụ việc |
“Cách đây 2 năm cũng từng có vụ việc ồn ào liên quan đến trang phục của Trung Quốc na ná áo dài nhưng đến bây giờ thì họ làm giống hệt luôn rồi", NTK Sỹ Hoàng nói.
Về phía NTK Thuỷ Nguyễn cho rằng "Thật vô lý khi nhận áo dài là phong cách Trung Quốc". Phía nhãn hàng này cũng đồng thời cung cấp bằng chứng chứng minh từ phom dáng, sắc màu và hoạ tiết trong trang phục Trung Quốc giống đến 99% thiết kế của mình.
Tuy nhiên, một thông tin khác trên mạng xã hội lại đưa ra quan điểm khác biệt về vụ việc. Theo đó, những hình ảnh nằm trong chuỗi những buổi trình diễn kéo dài và là sản phẩm tổng hòa của nhiều nền văn hóa Đông Nam Á.
Ne-Tiger là thương hiệu thời trang cao cấp ở Trung Quốc |
Theo Ne Tiger – đại diện nhãn hàng thực hiện bộ sưu tập này cho biết họ lấy ý tưởng từ câu chuyện Trịnh Hòa thông Tây dương vào thời nhà Minh, tạo nên con đường tơ lụa trên biển nối liền Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á từ 613 năm trước.
Đội ngũ thiết kế gồm nhiều thành viên đã dành hơn một tháng tại Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Brunei, Việt Nam, Lào, Myanmar, Campuchia và các quốc gia khác để tìm hiểu về văn hóa và nét đặc sắc trong từng trang phục vùng miền – để từ đó tinh chỉnh các yếu tố thiết kế như chất liệu, hình dáng và kết hợp để cho ra những thiết kế đậm văn hóa Trung Quốc.
Trong đó, Ne Tiger đặc biệt nhấn mạnh các thiết kế được họ học hỏi từ nền tảng trang phục của nhà Minh và sườn xám của nhà Thanh, sau đó kết hợp với các phụ kiện khác nhau như quần dài, mấn, nón để thêm phần độc đáo.
"Khi sáng tạo ra bộ sưu tập, chúng tôi đã nhấn mạnh vẻ kiêu sa cũng như phẩm giá của trang phục truyền thống Trung Quốc. Trong khi vẫn bảo lưu truyền thống, tôi cũng đã luôn chú ý tới việc hòa quyện vào đó tính hiện đại và các yếu tố toàn cầu gần đây để được người tiêu dùng chấp nhận trên toàn thế giới", ông Zhang Zhifeng, nhà sáng lập thương hiệu phát biểu.
Phía nhãn hàng cho đăng tải các trang phục được cách điệu từ trang phục từ các nước khác để chứng minh mình “vô tội”. Trong ảnh là một thiết kế lấy cảm hứng từ Kimono của Nhật Bản trong BST |
Như vậy, điều này đồng nghĩa với việc tính chất của bộ sưu tập là mang tính tổng hợp từ nền tảng các trang phục truyền thống của nhiều quốc gia chứ không phải “đạo nhái” hay “ăn cắp” như suy luận nhiều người.
Mặt khác, việc tờ Nhật Báo Trung Quốc giật tít với tiêu đề như trên đã làm sai lệch hoàn toàn tinh thần, ý nghĩa mà nhà sản xuất trang phục này muốn hướng đến – đồng thời vô tình gây ra sự phẫn nộ không hề nhỏ từ người Việt.
Theo Vietnamnet