Giữ gìn làn điệu ca trù
Văn hóa - Giải trí - Ngày đăng : 18:03, 23/11/2019
Lớp học ca trù ở Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh
Năm 2009, Hải Dương là 1 trong 15 tỉnh, thành phố có không gian hát ca trù được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. 10 năm qua, tỉnh ta đã có những hành động thiết thực để bảo tồn di sản này.
Nỗ lực duy trì
Ngay khi ca trù được UNESCO ghi danh, tỉnh đã ban hành chương trình hành động bảo tồn di sản ca trù giai đoạn 2010 - 2020. Trong đó, đề ra nhiều biện pháp nhằm giữ gìn và phát triển bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc như kiểm kê hệ thống tư liệu di sản ca trù, ban hành chính sách đãi ngộ đối với các tài năng có công bảo vệ và phát huy di sản này; phối hợp với các trường xây dựng chương trình giáo dục thích hợp để truyền dạy hát ca trù trong trường học…
Năm 2011, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các câu lạc bộ (CLB) với mức 5 triệu đồng/ CLB/năm; hỗ trợ các nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu, có công đào tạo lớp người kế cận, mỗi nghệ nhân 1 triệu đồng/tháng. Năm nào, sở cũng phối hợp với địa phương kiểm kê hệ thống tư liệu ca trù, kịp thời phát hiện những nhân tố mới, đưa đi dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn.
Sở cũng phối hợp với các đơn vị sản xuất băng, đĩa về ca trù làm tư liệu phục vụ công tác giảng dạy, cổ vũ động viên các CLB mới thành lập. Từ 5 CLB ban đầu, năm 2017 có thêm CLB ca trù huyện Bình Giang được thành lập, nâng tổng số toàn tỉnh lên 6 CLB. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 100 nghệ nhân, hội viên đang sinh hoạt ở các CLB: Ngọc Châu (TP Hải Dương), xã Dân Chủ (Tứ Kỳ), Cẩm Giàng, Nam Sách, Bình Giang và Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh.
Năm 2019, Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Phú Đẹ, cây đại thụ của nền nghệ thuật ca trù qua đời. Tiếp nối truyền thống của thế hệ đi trước, lớp học trò kế cận của cụ vẫn từng ngày nỗ lực tiếp tục giữ lửa cho bộ môn nghệ thuật này.
Ngay trên quê hương cụ Đẹ, xã Dân Chủ (Tứ Kỳ) gần 4 năm qua, lớp học về thể cách hát ca trù cho các học sinh Trường Tiểu học Dân Chủ vẫn được duy trì. Đến nay, cứ vào chiều thứ 3 hằng tuần, cháu gái cụ Đẹ là chị Trương Thị Chiêm vẫn đều đặn lên lớp dạy hát ca trù cho hơn 40 em học sinh của trường.
Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh cũng là đơn vị tích cực truyền dạy ca trù cho thế hệ trẻ. Hằng năm, trung tâm đều tổ chức 1-2 lớp dạy hát ca trù cho các nhân tố có năng khiếu của 12 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Tại đây, các học viên được đào tạo chuyên sâu hơn về các kỹ thuật hát ca trù từ cách lấy hơi, nhả chữ, ngân giọng, lẩy hạt, cách đánh trống, gõ phách… Từ đó, khơi dậy tình yêu, niềm đam mê với ca trù.
Còn nhiều khó khăn
Ông Phạm Hồng Hải, Chủ nhiệm CLB Ca trù của Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh bộc bạch, thành viên ở tất cả các CLB bây giờ đều đã luống tuổi mà gương mặt mới, nhất là những gương mặt trẻ lại như “sao buổi sớm”.
Nhớ lại thời điểm đi huy động thành lập CLB của trung tâm năm 2001, rồi lần lượt các CLB khác ra đời như Tứ Kỳ, Cẩm Giàng… các hội viên rất háo hức tham gia. Thế nhưng bao nhiêu năm qua, gần như vẫn những gương mặt ấy, nếu có phát triển thêm thì đa phần cũng là con em của hội viên, chứ ít có nhân tố mới.
Ông Hải nhận định nguyên nhân do người dân vẫn chưa có điều kiện tiếp xúc với loại hình nghệ thuật này. Trong khi những thế hệ có thể truyền dạy, biểu diễn ca trù được cứ thưa vắng dần. Theo ông Hải, điều các hội viên mong mỏi nhất hiện nay là có một không gian biểu diễn đúng nghĩa.
“Nếu không có một không gian xưa để các nghệ nhân biểu diễn thì thật khó để người dân thích thú với ca trù, cái hay, cái đẹp của ca trù không được lan tỏa, việc phát triển hay tìm được lớp kế cận say nghề sẽ càng khó", ông Hải khẳng định.
Là CLB có nhiều hoạt động tích cực để duy trì, phát triển bộ môn nghệ thuật ca trù nhưng ông Hoàng Văn Quyết, Chủ nhiệm CLB Cẩm Giàng cũng thừa nhận vấn đề này.
CLB có 18 hội viên đang hoạt động. Để duy trì số lượng hội viên này cũng không phải dễ bởi họ hoạt động chỉ bằng niềm đam mê chứ không được hưởng chế độ đãi ngộ nào. CLB có chủ trương phát triển những gương mặt mới nhưng thực sự khó bởi người dân ít quan tâm, ít được tiếp cận nên không mặn mà.
Thực tế việc khó tìm khán giả, hay thiếu lớp kế cận… là khó khăn muôn thuở của việc bảo tồn, phát triển nghệ thuật truyền thống. Đối với tỉnh ta, phát triển nghệ thuật truyền thống còn khó khăn hơn do kinh phí đầu tư hạn chế.
Ông Vũ Trường Sơn, Trưởng Phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định các chương trình hành động nhằm bảo tồn, phát huy nghệ thuật ca trù đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, để hiệu quả hơn thì cơ bản vẫn phải có sự chung tay từ cộng đồng, bởi phát triển nghệ thuật truyền thống vì cộng đồng thì phải được cộng đồng hưởng ứng.
HUYỀN ANH