Nỗi lòng người cha hiến tạng con

Việc tử tế - Ngày đăng : 10:36, 24/11/2019

Người cha già nén nỗi đau xé lòng, gạt nước mắt ký giấy hiến tạng của con mình bị chết não để cứu sống nhiều người không quen biết.

Ông Nguyễn Văn Sang luôn sống trong nỗi thương nhớ người con đã mất

Nghĩa cử cao đẹp

Trong ngôi nhà nhỏ xập xệ nằm sát dòng sông phía cuối thôn Lương Xá Nam, xã Kim Lương (Kim Thành), ông Nguyễn Văn Sang ngồi bất động nhìn di ảnh con trai Nguyễn Hồng Dương trên ban thờ. Lúc này đáng lẽ tôi không nên gợi lại ký ức quá đau buồn đã xảy ra với ông chưa lâu.

Sự việc xảy ra đến nay đã hơn 3 tháng nhưng mỗi lần nhắc đến người con đoản mệnh, mắt ông vẫn ầng ậc nước, nói không thành tiếng. Đến giờ, ông vẫn chưa tin cậu con trai duy nhất của mình vĩnh viễn không về nữa. “Hôm ấy là ngày 10.8, nó vừa đi làm về thì bạn rủ ra sân vận động xã xem cắm trại.

Đến hơn 7 giờ tối thì tôi nhận được tin con bị tai nạn giao thông. Ban đầu cứ nghĩ con chỉ bị qua loa thôi nhưng không ngờ nó bị nặng quá”, ông Sang nghẹn ngào kể lại. Khi được đưa lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Dương đã hôn mê sâu, các bác sĩ khuyên gia đình đưa em về nhà lo hậu sự.

Không chấp nhận nỗi đau quá lớn này, ông Sang cùng mọi người quyết định đưa Dương lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức với hy vọng phép màu sẽ đến vì “con vẫn còn thở, da dẻ hồng hào lắm”.

Chiều 11.8, sau khi hội chẩn lần một, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thông báo Dương đã chết não, không còn khả năng cứu chữa. Nghe tin này, trái tim ông như bị bóp nghẹt, chân đứng không vững. Nỗi đau quá lớn đối với ông vì Dương là con trai duy nhất của gia đình, là niềm hy vọng của đôi vợ chồng già nghèo khổ.

Ông Sang hai lần lấy vợ. Mãi đến năm 40 tuổi vợ chồng ông mới có Dương. Vợ ông đau ốm liên miên. Ông cũng không được khỏe nên kinh tế gia đình không khá lên được.

Căn nhà nhỏ cũng là của anh em nội, ngoại làm cho, mấy chục năm nay vẫn trống huơ trống hoác. Ngoài bộ bàn ghế và cái tủ gỗ đã cũ, vợ chồng ông chẳng có gì. “Nó mới 20tuổi, to cao, đẹp trai lắm.

Tết này nó còn dự định đi bộ đội nữa, làm sao mà chết dễ dàng thế được chứ”, ông Sang nghẹn lời. Đến 2giờ sáng12.8, kết quả hội chẩn lần hai vẫn xác định Dương đã chết não.

Cứ mỗi lần nghe thông báo của bác sĩ là một lần ông cảm nhận cái chết đến gần con hơn. Cả đêm đó ông không ngủ. Ông sợ khi mình tỉnh dậy thì không còn nhìn thấy con nữa. Ông ngồi bên con và hy vọng vào một phép màu để đưa con trai ông trở về.

Nhưng kết quả hội chẩn lần thứ ba đã chính thức đóng chặt hy vọng của ông và gia đình. Dương đã không thể cứu chữa được nữa.

Biết con không còn cơ hội sống nhưng khi bác sĩ gọi vào để bàn về việc hiến tạng, ông Sang càng bàng hoàng, đau đớn hơn. Bao năm nay, suốt ngày đầu tắt mặt tối kiếm miếng cơm manh áo, hiến tạng là việc ngoài tầm hiểu biết của ông.

Mặc dù các bác sĩ của Trung tâm Ghép tạng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tư vấn, khuyên nhủ nhưng ông Sang vẫn chưa thể quyết. Nhìn con vẫn thở đều trên giường bệnh, da mặt vẫn hồng hào, ông không tin con mình sẽ chết.

"Chỉ nghĩ đến việc phải rút ống thở để đưa con về thôi là tôi đã không đứng vững nói gì đến việc hiến tạng của con", ông Sang đau đớn nhớ lại.

Là người có mặt trong suốt thời gian Dương nằm viện, anh Nguyễn Văn Tuân, người gọi ông Sang bằng chú kể lại, các bác sĩ khuyên gia đình nên cân nhắc việc hiến tạng vì Dương ra đi khi còn trẻ và rất nhiều người cần được ghép mô, tạng để có thể tiếp tục cuộc sống. "Mặc dù nghe đài, báo nói nhiều về việc hiến tạng nhưng là người trong cuộc tôi mới thấy khó vô cùng", anh Tuân chia sẻ.

Theo anh Tuân, ban đầu mọi người đều phản đối vì ở quê anh còn nặng yếu tố tâm linh. Nhưng khi nghe các bác sĩ tư vấn, mọi người cũng hiểu được hiến tạng là việc làm ý nghĩa, tạo phúc cho cả người đi và người ở lại.

"Sau khi nghe tư vấn và đọc xong tờ hướng dẫn đăng ký ghép tạng, chú quay sang hỏi ý kiến tôi. Mặc dù rất hoang mang nhưng tôi cũng khuyên chú nên đồng ý vì đây là việc phúc để Dương tiếp tục sống, tiếp tục giúp đỡ mọi người", anh Tuân kể lại.

Mặc dù nghe anh Tuân nói thế nhưng ông Sang vẫn chưa thể quyết. "Lúc nghe tôi khuyên, chú ấy chạy vội ra ngoài. Có lẽ nghĩ đến giây phút phải rút ống thở cho Dương chú ấy không kìm lòng được.

Người làm cha làm mẹ không phải ai cũng đủ dũng cảm để quyết định một việc to lớn như thế", anh Tuân nhớ lại. Phải mất một lúc lâu ông Sang mới quay lại phòng để quyết định một việc mà không phải ai cũng làm được.

Nhìn người cha khắc khổ, mắt nhòe nước, tay run bần bật khi ký vào đơn hiến tạng, mọi người trong phòng ai cũng bật khóc.

Chỉ mong mọi người khỏe

Trong cái rét đầu đông, người cha già yếu thỉnh thoảng lại run lên vì lạnh, vì nhớ con.

Ông nhớ lại, chiều 12.8 ông và mọi người được vào gặp Dương lần cuối trước khi các bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chạy đua với thời gian để lấy và ghép tạng của Dương cho các bệnh nhân.

"Mọi người có 10 phút để vĩnh biệt Dương. Trong khi ai cũng khóc vì thương em thì chú Sang chỉ lặng lẽ đứng nhìn con lần cuối. Có lẽ nỗi đau quá lớn khiến chú không thể khóc được nữa", anh Tuân hồi tưởng.

Dương đã hiến tặng toàn bộ phổi, gan, 2 thận, tim, 2 giác mạc và 9 gân cho y học để cứu sống cho ít nhất 7 người xa lạ, trong đó có 5 người được ghép mô, tạng ngay trong ngày 12.8.

Theo thông tin anh Tuân nắm được, lá phổi của Dương được ghép cho một nam bệnh nhân ở Hà Nội. Bệnh nhân này bị giãn phế quản, hỏng hết 2 phổi và phải thở máy nhiều năm nay.

Một quả thận của em cũng được ghép cho một bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, người bị suy thận nhiều năm nhưng không thể tìm được người hiến phù hợp.

Từ ngày con mất đến nay, vợ chồng ông Sang sống với nỗi thương nhớ khôn nguôi. “Vợ chồng tôi không khỏe, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên chỉ mong con lớn để làm chỗ dựa lúc tuổi già. Tết này tôi còn dự định cho con đi bộ đội ở Trường Sa. Thế mà nó bỏ tôi đi thật rồi”, ông Sang nghẹn ngào.

Khi tôi hỏi ông mong ước gì nhất lúc này? Ngập ngừng một lát, ông nói: “Giờ tôi chỉ mong những người nhận tạng của con tôi luôn khỏe mạnh. Họ có khỏe thì việc tôi làm mới có ý nghĩa và vong linh con tôi cũng được an ủi phần nào”.

Đến giờ ông cũng chưa biết, chưa gặp những người đã nhận tạng của con trai. Đó cũng không phải là mục đích để ông làm việc thiện vì "khi quyết định hiến tạng của con tôi chẳng mong được ai nhớ ơn".

Không chỉ sống với nỗi đau mất con, vợ chồng ông còn chịu đựng những dị nghị của nhiều người trong làng, ngoài xã.

Người dân quê v ẫn còn nặng quan niệm chết toàn thây nên khi biết ông quyết định hiến tạng của con trai, đã có nhiều lời ra tiếng vào không hay về gia đình ông.

Quả thực, phải ở trong hoàn cảnh của ông mới thấy mỗi câu nói không hay, mỗi hành động không đúng về việc ông đã làm càng khiến ông thấy đau đớn hơn.

Vì thế, từ ngày Dương mất, ông ít đi ra ngoài trừ những lúc nhà có việc vì “mỗi lần ra ngoài nghe người ta nói tôi lại thương con hơn”.

Anh Tuân cho biết: "Từ khi chú Sang hiến tạng của con, nhiều người ác mồm bảo chú bán con. Có lẽ do hoàn cảnh của chú khó khăn quá nên họ nghĩ vậy. Họ không hiểu được rằng có nhiều thứ còn quý hơn tiền bạc rất nhiều”.

Anh Tuân kể lại, khi gia đình muốn mời sư thầy về làm lễ cầu cho Dương để em siêu thoát, sư thầy nói rằng việc làm của gia đình đã giúp em về với cõi Phật rồi, không cần làm lễ nữa. Sau khi nghe thầy nói vậy, gia đình càng tin việc đã làm là đúng.

Mất đi chỗ dựa duy nhất, hai vợ chồng già giờ chỉ biết nương tựa vào nhau mà sống. Ngôi nhà nhỏ không biết bao giờ mới có lại tiếng cười. Cuộc sống của ông bà chắc chắn sẽ còn rất nhiều khó khăn.

"Đợi làm lễ 100 ngày cho con xong tôi sẽ đi tìm việc. Tôi đã 60 tuổi rồi, sức khỏe không tốt nhưng bà nhà tôi yếu lắm, nếu tôi không cố thì không biết lấy gì mà sống", ông Sang nghẹn ngào.

VỊ THỦY